Tô màu cho hoa

Tôi bắt đầu tham gia công tác phát triển văn hóa doanh nghiệp từ năm 2005, khi về đầu quân cho Tập đoàn FPT.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn các doanh nghiệp Việt Nam do Tập đoàn FPT tổ chức ra thăm quần đảo Trường Sa.
Đoàn các doanh nghiệp Việt Nam do Tập đoàn FPT tổ chức ra thăm quần đảo Trường Sa.

Ngày ấy chúng tôi chỉ đơn giản coi đó là các hoạt động đoàn thể gắn kết mọi người lại với nhau sau những giờ làm việc căng thẳng chứ cũng chưa bao giờ nghĩ mình đang làm việc phát triển văn hóa doanh nghiệp. Mọi thứ trở nên "nghiêm túc" hơn khi sau đó vài năm, tôi trở thành Trưởng ban Văn hóa doanh nghiệp của Tập đoàn FPT.

Hành động "ngông cuồng" đầu tiên của tôi là đề xuất với Tổng giám đốc cho nhân viên toàn tập đoàn nghỉ thêm một ngày so với quy định nhân dịp kỷ niệm thành lập công ty để tham dự các hoạt động văn hóa doanh nghiệp. Tất nhiên là tôi bị sếp mắng cho té tát và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết tổng tiền lương một ngày của Tập đoàn phải trả cho cán bộ nhân viên nhiều hơn nhiều tổng mức chi phí tôi đang được giao để tiến hành các hoạt động của mình.

Tôi có chống chế yếu ớt rằng, Tập đoàn ta tuyên bố văn hóa doanh nghiệp là một trong những giá trị cốt lõi, vậy sao chỉ vì một ngày lương mà lại phản đối những hoạt động đó. Sếp tôi hạ giọng, nói rành rọt: "Chú nên nhớ, chả có cái loại văn hóa doanh nghiệp nào đi ngược lại lợi ích của doanh nghiệp cả". Đó là bài học mang tính lý luận đầu tiên mà tôi được học.

Bài học đó trở thành "kim chỉ nam" trong các kế hoạch phát triển văn hóa doanh nghiệp của tôi cho Tập đoàn hoặc các đối tác mà mình tư vấn. Mọi thứ đều phải xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ được gì khi triển khai những hoạt động văn hóa đó? Doanh thu có tốt lên không? Thương hiệu có tốt lên không? Quản trị tổ chức có tốt lên không? Nếu không mang lại lợi ích gì mà chỉ là những thứ hào nhoáng cho giống với doanh nghiệp khác hoặc đơn giản là do nhà cung ứng gạ làm để thêm chi phí thì dẹp ngay cho đỡ mất thì giờ và tốn kém.

Hành động "ngông cuồng" đầu tiên của tôi là đề xuất với Tổng giám đốc cho nhân viên toàn tập đoàn nghỉ thêm một ngày so với quy định nhân dịp kỷ niệm thành lập công ty để tham dự các hoạt động văn hóa doanh nghiệp.

(Đinh Tiến Dũng)

Sau một thời gian "ăn may" vì quán tính của các phong trào trong Tập đoàn FPT vốn vẫn rất mạnh, chúng tôi bắt đầu phải đối mặt các vấn đề mới khi số lượng nhân viên tăng lên quá nhanh, các loại hình giải trí bùng nổ khiến các hoạt động trước đây vốn được coi là "đặc sản" thì nay trở nên kém hấp dẫn. Lãnh đạo chỉ đạo phải thay đổi, lúc đó chúng tôi mới ớ người ra, làm sao để biết chỗ nào mình đang yếu, chỗ nào mình đang mạnh để thay đổi cho đạt yêu cầu? Một cố vấn của chúng tôi phải thốt lên rằng, Văn hóa doanh nghiệp như những đám mây vậy, đứng ở xa nhìn vào thấy đủ các hình thù kỳ vĩ, nhưng khi ở trong đám mây thì chung quanh chỉ thấy mịt mù. Chúng tôi lúc đó chính xác là đang ngồi trong đám mây như thế.

Chúng tôi đã gặp nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa, về lịch sử và về cả các lĩnh vực khoa học xã hội để tìm kiếm những hướng đi mới. Mỗi nơi lại gợi cho chúng tôi những ý tưởng hay nào đó để bắt tay vào triển khai. Nhưng khi đi vào tiến hành thì tôi có cảm giác đó chỉ là những thứ bề ngoài, chẳng khác nào lấy bút màu để tô màu cho những bông hoa trên ngọn. Điều đó thôi thúc tôi tìm hiểu xem gốc rễ vấn đề tạo ra Văn hóa doanh nghiệp là gì và làm thế nào để tác động vào nó.

Đang lúc mù mịt, tôi vô tình xem bộ phim "Robinson Crusoe" phiên bản gợi cảm, một bộ phim cũ rích, câu chuyện chẳng có gì mới nhưng ở phiên bản này có một chi tiết khiến tôi chú ý. Đó là Robinson sau một thời gian sống ngoài hoang đảo trông chẳng khác gì người rừng, bỗng một ngày bắt đầu soi gương, tỉa râu và chải đầu khi gặp gỡ Thứ Sáu.

(Trong phiên bản này Thứ Sáu là nữ mới hay chứ, gợi cảm mà). Việc soi gương, tỉa râu, chải đầu của Robinson thể hiện hành vi văn hóa theo một quy chuẩn nào đó của xã hội anh ấy sống, nhưng quan trọng là nó phát sinh khi Robinson bắt đầu có giao tiếp. Trước đây không có ai để giao tiếp, Robinson nhìn chung cũng không cần phải thể hiện hành vi văn hóa khi leo dừa hay bắt cá để làm gì. Tôi đã tìm ra chiếc chìa khóa gốc rễ cho hoạt động văn hóa doanh nghiệp của mình, đó chính là giao tiếp.

Hóa ra những hoạt động văn hóa đoàn thể mà bấy lâu nay tôi vẫn triển khai chỉ là phương tiện để gia tăng giao tiếp, nên muốn phát triển văn hóa doanh nghiệp thì đầu tiên là phải có nhiều hoạt động để xuất hiện nhiều giao tiếp. Rồi căn cứ theo mong muốn của doanh nghiệp trong từng giai đoạn muốn phát triển văn hóa trong loại giao tiếp nào, ta sẽ tổ chức các hoạt động phù hợp để xuất hiện nhiều giao tiếp loại đó.

Nhờ việc phân định này, tôi không còn bị lạc giữa đám mây mù nữa mà căn cứ trên mong muốn của lãnh đạo doanh nghiệp để tính toán xem cần đưa hoạt động nào vào loại giao tiếp nào, từ đó sẽ tính tiếp ra là cần tổ chức hoạt động gì. Sẽ không còn như ngày trước, cứ tổ chức hoạt động theo quán tính đã có rồi sau đó mới nghĩ xem hoạt động này sẽ mang lại điều gì.

Tôi đã tìm ra chiếc chìa khóa gốc rễ cho hoạt động văn hóa doanh nghiệp của mình, đó chính là giao tiếp.

(Đinh Tiến Dũng)

Suy rộng ra, chúng ta sẽ thấy bản chất Văn hóa doanh nghiệp là các quy tắc ứng xử cho các mối giao tiếp phát sinh trong hoạt động của doanh nghiệp đó. Thí dụ, giao tiếp giữa sếp và nhân viên ở tập đoàn chúng tôi có các quy tắc: nhân viên không được tặng quà sếp, đi ăn uống thì sếp trả tiền…, điều đó cũng tạo thành văn hóa.

Trong doanh nghiệp còn nhiều mối giao tiếp khác nữa, nào là giữa nhân viên với nhân viên, giữa sếp với sếp, giữa doanh nghiệp và khách hàng, giữa doanh nghiệp và đối tác, giữa doanh nghiệp và đối thủ, giữa doanh nghiệp và cộng đồng, đất nước. Rồi giữa nhân viên với nghề nghiệp, giữa nhân viên với công ty và một mối giao tiếp rất quan trọng nữa, đó là giữa nhân viên với chính mình. Tổng hợp các quy tắc ứng xử cho các mối giao tiếp này chính xác là Văn hóa doanh nghiệp với đầy đủ từ triết lý kinh doanh, chiến lược thương hiệu, chính sách đãi ngộ đến trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp…

Theo tôi, văn hóa chi phối một loại giao tiếp nào đó trong doanh nghiệp thường biểu hiện qua ba tầng, nói, làm và nghĩ. Nhiều khi nói thế đó, nhưng mà làm lại không thế, hoặc làm thế đó nhưng mà thực tâm thì không nghĩ thế. Thí dụ nói: Khách hàng là Thượng đế, nhưng thực tế vẫn có doanh nghiệp để xảy ra tình trạng mắng "Thượng đế" từ ông bảo vệ, trông xe trở đi. Hoặc là, tuy lễ phép chào khách từ cửa vào cho đến đon đả giới thiệu hàng hóa nhưng trong bụng thì chỉ muốn làm sao dụ khách mua hàng càng nhiều càng tốt dù có mặt hàng thật sự không cần thiết cho khách hàng.

Trong ba tầng biểu đạt đó, tầng nói là dễ nhất, và chính vì thế mà những từ "sáng choang" thường được sử dụng ở đây. Sang đến tầng làm thì khó hơn rồi, để làm được cho đúng với những từ "sáng choang" đó cũng là cả một vấn đề. Và như bài học đầu tiên về Văn hóa doanh nghiệp tôi được học: "Chẳng có thứ văn hóa doanh nghiệp nào lại đi ngược lại với lợi ích của doanh nghiệp", tôi tin là để làm được cho đúng với những từ "sáng choang" đó đôi khi chưa chắc đã có lợi cho doanh nghiệp.

Tổng hợp các quy tắc ứng xử cho các mối giao tiếp này chính xác là Văn hóa doanh nghiệp với đầy đủ từ triết lý kinh doanh, chiến lược thương hiệu, chính sách đãi ngộ đến trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp…

(Đinh Tiến Dũng)

Thành ra lúc nào trong tầng nghĩ, các chủ doanh nghiệp sẽ luôn nghĩ những cái có lợi nhất cho doanh nghiệp của mình, đó chính là màu hoa, là gốc gác văn hóa của doanh nghiệp. Đến khâu nói do đội ngũ truyền thông và marketing đảm nhận, lúc đó cứ từ "sáng choang" mà "vụt", còn nó có đúng với làm và nghĩ không chắc cũng chẳng mấy người để ý, vì họ chỉ quan tâm mùa hè năm nay màu hoa được ưa chuộng nhất là hoa đỏ, nên sẽ lấy màu đỏ phủ lên tất cả hoa mình đang có. Màu hoa ấy có thể chẳng phải là màu hoa gốc, mà nó được phủ lên từ mùa xuân theo một xu thế, một chiến dịch quảng bá nào đó mà thôi.

Khép lại bài viết của mình, tôi cho rằng doanh nghiệp nào cũng đang có văn hóa của mình, bởi khi hoạt động chắc chắn sẽ phải có các giao tiếp và đương nhiên sẽ phát sinh yếu tố chi phối của văn hóa. Muốn thay đổi hay phát triển điều gì đó, các chủ doanh nghiệp nên nhìn vào những giao tiếp phát sinh trong hoạt động hằng ngày và từ đó có hành động thay đổi phù hợp. Lúc đó, việc thay đổi màu hoa sẽ không chỉ còn là việc lấy màu tô lên nữa mà sẽ là một sự thay đổi từ gốc, mọi thứ từ nghĩ đến làm đến nói sẽ thuận với nhau và nhờ thế mà Văn hóa doanh nghiệp sẽ phát triển bền vững.