Đi tìm sự tử tế

Không chạy theo những tuyên ngôn về đạo đức, iSEE (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường Việt Nam) có một lựa chọn riêng cho tôn chỉ của mình: Nghiên cứu, đối thoại và tổ chức các hoạt động để từng bước thu hẹp những khoảng cách về nhận thức trong xã hội.

 "Tớ kể bạn nghe"
"Tớ kể bạn nghe"

Ít ai nghĩ, hoạt động tưởng chừng như khá... mơ hồ ấy lại là công việc chính của một Viện nghiên cứu tư nhân - chứ không phải là một cơ quan được bao cấp hay một nhóm tình nguyện theo kiểu "rỗi thì làm". Bảy năm kể từ khi thành lập, iSEE được biết đến khá nhiều qua những chương trình liên quan tới các nhóm cộng đồng vốn dễ gặp khó khăn trong xã hội như người đồng tính hay các dân tộc thiểu số.

I SEE gắn liền với câu chuyện của Lê Quang Bình - sáng lập viên, Viện trưởng và hiện giờ là nghiên cứu viên chính của tổ chức này. 10 năm trước, anh theo học Thạc sĩ ngành Chính sách công tại Trường đại học Priceton (Hoa Kỳ) ở tuổi ngoài 30, khi đang làm việc cho Oxfam, một tổ chức quốc tế về xóa bỏ nghèo đói và bất công xã hội.

Đi tìm sự tử tế ảnh 1

Bình trước đó từng có một bằng Thạc sĩ khác về ngành Môi trường tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Nhưng, quãng thời gian làm việc tại Oxfam đủ để anh xác định lại về sự lựa chọn của mình. Như lời Bình, Oxfam rất được trân trọng vì những đóng góp và giúp đỡ nhiệt tình với Việt Nam. Tuy nhiên, tính chất quốc tế và phạm vi hoạt động toàn cầu của tổ chức này vẫn tạo ra chút khoảng cách so với những gì anh muốn làm trong nước. Với anh, ý tưởng về một tổ chức nghiên cứu độc lập của Việt Nam, tự nguyện tham vấn và hỗ trợ Nhà nước trong việc tiếp nhận tiếng nói từ cộng đồng để xây dựng chính sách được manh nha từ đấy.

"Khi làm việc, tôi nhận thấy rất nhiều chính sách của chúng ta xuất phát từ ý định tốt nhưng lại chưa phù hợp với thực tế. Điều này xuất phát từ việc thiếu thực tiễn, thiếu phản biện tư vấn, chứ không hẳn vì thiếu tuyên truyền vận động như nhiều người nhận xét"- Bình nói. "Chỉ cần có sự điều chỉnh hợp lý theo hướng phản ánh nhu cầu của người dân và xu hướng toàn cầu thì hiệu quả và sức hút cần có của chính sách sẽ tăng lên rất nhiều".

Chọn học ngành Chính sách công, thay vì tiếp tục học lên cao hơn về Môi trường, Bình tốt nghiệp năm 2006 và có thêm một năm làm việc tại Oxfarm, trong tư cách Cố vấn phát triển và Quyền giám đốc của văn phòng tại Cam-pu-chia. Năm tiếp theo là quyết định ngừng làm việc tại tổ chức quốc tế với chế độ đãi ngộ khá lý tưởng này để tự xin tài trợ, thành lập một Viện Nghiên cứu độc lập như anh muốn. "Đi tiếp con đường để trở thành một chuyên viên quốc tế của Oxfarm cũng thú vị. Nhưng, càng làm việc, tôi càng hiểu rõ: cuộc sống của mình, cũng như những thay đổi mình muốn chứng kiến theo thời gian, phải là ở Việt Nam".

Thành lập năm 2007, iSEE chọn trọng tâm nghiên cứu là các đối tượng dân tộc thiểu số (DTTS) và người đồng tính (NĐT). Nếu NĐT trước đó gần như là một cộng đồng chưa công khai và ít được quan tâm thì ngược lại, DTTS là lĩnh vực thường xuyên được nhiều tổ chức tiếp cận chỉ dưới góc độ xóa đói, giảm nghèo. "Ít người chú ý tới câu chuyện về văn hóa và tập quán xã hội của các dân tộc miền núi" - Bình kể. "Nhưng, đó lại là căn nguyên sâu xa để nảy sinh những khoảng cách khác biệt và vô tình khiến chúng ta không thể chia sẻ, hỗ trợ theo cách họ cần".

I SEE không phải là tổ chức cung cấp những dự án hỗ trợ trực tiếp tới các nhóm cộng đồng. Thay vào đó, họ đóng vai trò của những cầu nối đưa người DTTS và NĐT đến với xã hội, đồng thời vận động chính sách và chia sẻ nghiên cứu với các cơ quan hữu quan để kêu gọi sự hỗ trợ và giúp đỡ bảo vệ quyền lợi của các nhóm này tốt hơn. Cách hoạt động mới này đương nhiên phải cần tới một lộ trình nhất định để được quan tâm và đặt lòng tin, đặc biệt khi đa số các nhân viên trong thời gian đầu đều là sinh viên mới ra trường.

"Mọi khởi đầu đều khó. Chúng tôi vừa làm, vừa tự rút ra những kinh nghiệm cho mình"- Bình kể. "Những nghiên cứu đầu tiên được thực hiện khá lặng lẽ. Mọi người động viên nhau: cùng hướng công việc tới những vấn đề thực chất và cụ thể, chứ không chạy theo những nghiên cứu mơ hồ. Làm nghiêm túc, kết quả tự thân sẽ tới...".

Với cộng đồng DTTS, triển lãm đầu tiên do iSEE tổ chức diễn ra vào năm 2012 với cái tên ngắn gọn "Văn hóa của mình". Đây là phần nổi của một dự án thú vị, khi những đồng bào của các dân tộc Pa Kô, Vân Kiều, Hmông, Dao, Khmer được iSEE trang bị những chiếc máy ảnh phổ thông, những hiểu biết căn bản về kỹ thuật chụp và cả về đa dạng văn hóa. Để rồi, từ yêu cầu "chụp tất cả những gì mình quan tâm trong cuộc sống hằng ngày", những người dân tộc này đã cung cấp hàng chục nghìn bức ảnh sinh động và đầy cảm xúc, với những câu chuyện chân thực, được kể lại với cái nhìn "từ bên trong" của họ.

Dự án được iSEE triển khai trong nửa năm tại nhiều địa bàn của người DTTS trên toàn quốc, sau đó tổ chức trưng bày tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Kèm theo ảnh là những chia sẻ thú vị của "tác giả" về thực hành văn hóa, về sinh kế, tín ngưỡng, tâm linh và cả những thay đổi khi tiếp cận với nhịp sống của xã hội hiện đại.Rồi tiếp đó, năm 2013 là một dự án tương tự với cái tên "Tớ kể bạn nghe", người được hướng dẫn cầm máy là các em nhỏ DTTS.

Xem những bức ảnh, tự thân mỗi độc giả đều có thể nhận rõ: Nét đẹp của văn hóa nằm ở sự đa dạng và khác biệt. Đó cũng là điều iSEE muốn hướng tới, để rồi từ đó khiến mỗi cá nhân có sự suy nghĩ xa hơn về bình đẳng văn hóa trong cộng đồng. Như lời Lê Quang Bình, rào cản về văn hóa là một trong những lý do chính tạo nên định kiến ăn sâu vào tâm thức khi nhìn về người DTTS. Bởi thế, một cách vô tình, khi thiếu đi những yếu tố để dung hòa và thích nghi với môi trường văn hóa của người DTTS, những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng này lại dễ sa vào tình trạng khiên cưỡng, thiếu thực tế và làm mất đi sự chủ động sáng tạo cần có của họ.

Tiếp sau những "Văn hóa của mình", là triển lãm "Tớ kể bạn nghe", "Một tôi khác", cũng với cách làm tương tự dành cho những người khuyết tật, nghiện ma túy, nhiễm HIV. Tất cả, đều hướng về một cái đích cuối cùng: Tạo sự chia sẻ và lắng nghe giữa các nhóm cộng đồng khác nhau, để rồi từ đó hy vọng vào sự thay đổi trong nhận thức của cộng đồng cũng như những điều chỉnh hợp lý hơn trong các chính sách của ngành quản lý.

Mới nhất trong năm 2014 vừa qua là chương trình "Sống tử tế" của iSEE với hàng loạt hoạt động xã hội khác nhau. Thông điệp được đưa ra: iSEE không đi tìm hay cổ vũ cho quan niệm chuẩn về sống tử tế. Thay vào đó, điều quan trọng là mỗi người luôn có ý thức về sự tử tế về bản thân mình và cộng đồng, để rồi từ đó, góp phần giúp xã hội tốt lên.

Liệu, việc từ bỏ những định kiến, kỳ thị, hiểu sai hay cả những chuyện "không tử tế" trong xã hội có thể là câu chuyện chỉ trong một sớm một chiều? "Điều cơ bản nhất là người Việt Nam luôn có tính nhân văn rất cao. Bởi thế, khi có thêm sự hiểu biết để chia sẻ và tôn trọng những gì khác biệt, tôi vẫn tin vào những thay đổi tích cực của xã hội Việt Nam trong một thời gian gần" - Lê Quang Bình nói.