Di sản văn hóa thăng hoa qua hội họa

Sự đa dạng của văn hóa Việt Nam đã được thể hiện khá sắc nét và sinh động trong các tác phẩm tham dự Cuộc thi vẽ tranh “Di sản văn hóa Việt Nam qua hội họa” lần thứ I - năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau”.
Tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau”.

1/Cuộc thi do Hội Di sản văn hóa Việt Nam phát động trong toàn quốc từ tháng 5/2023 với đối tượng là những người yêu hội họa, khuyến khích các họa sĩ trẻ, sinh viên mỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng chuyên về mỹ thuật và các trường văn hóa - nghệ thuật trên phạm vi cả nước, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.

Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được 839 tác phẩm của 494 tác giả từ 55 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự. Hội đồng Giám khảo đã chọn được 100 tác phẩm vào vòng chung khảo và qua vòng chung khảo đã chọn được 30 tác phẩm đạt giải gồm: 1 giải xuất sắc, 1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba và 22 giải khuyến khích.

PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam (Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi) nhấn mạnh, cuộc thi hoàn toàn xã hội hóa. Hầu hết các tác phẩm dự thi đều bám sát chủ đề, phản ánh những nét hay, nét đẹp, nét độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của đất nước, gồm nhiều loại hình về di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Nhiều tác phẩm rất công phu cả về ý tưởng, nội dung, phương pháp thể hiện.

Các tác phẩm dự giải được thể hiện trên nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, sơn khắc, tranh lụa, tranh in, chất liệu tổng hợp trong hội họa và nghệ thuật sắp đặt. 100 tác phẩm trưng bày và đạt giải được chọn là các tác phẩm thể hiện rõ nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật được đánh giá cao.

Di sản văn hóa thăng hoa qua hội họa ảnh 1

Cuộc thi giúp lan tỏa bản sắc văn hóa Việt Nam tới công chúng.

2/Công tác tại ngành dầu khí, nhưng họa sĩ Lại Lâm Tùng (Cà Mau) lại là người đoạt giải cao nhất với tác phẩm “Lễ hội Khmer ở Cà Mau”. Xúc động trong ngày nhận giải tại Hà Nội, ông chia sẻ, tôi sinh ra tại Thái Bình, nhưng công tác tại Cà Mau. Tác phẩm tôi vẽ về lễ hội Sen Đôn Ta, được ấp ủ thực hiện từ 10 năm trước. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của người Khmer, thể hiện lòng tôn kính, hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Trong quá trình công tác tại ngành dầu khí, tôi vẫn tranh thủ thu thập, gom góp các tài liệu cho tác phẩm. Thông điệp của tôi qua tác phẩm là mong muốn mọi người trân trọng và gìn giữ vốn văn hóa cổ của Việt Nam nhất là sự hiếu lễ đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Còn họa sĩ Lê Thị Thanh, người đoạt giải nhất với tác phẩm đồ họa “Nghìn xưa lưu dấu” cho biết, đây là tác phẩm được Trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám tài trợ toàn bộ chi phí nên chị đã tập trung thực hiện tác phẩm trong năm 2022. Vốn hứng thú với các hoa văn, họa tiết cổ của dân tộc qua các công trình kiến trúc, điêu khắc, nữ họa sĩ đã bỏ công sưu tầm các tư liệu về di sản văn hóa Việt Nam tại các đình làng, đền thờ, lăng mộ… đặc biệt là tại khu di tích quốc gia Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Để thực hiện tác phẩm, chị in dập nổi trên các bia đá, khắc lại những họa tiết, hoa văn… rồi in lưới những họa tiết để tạo thành hình tượng rõ ràng, sắc nét.

Họa sĩ tâm sự, trong quá trình làm việc cũng như dạy học, tôi đã đưa sinh viên đi thăm rất nhiều các công trình di sản của Việt Nam và thật sự ngưỡng mộ vẻ đẹp thẩm mỹ mà cha ông ta để lại. Tôi muốn tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp đó, đưa vào tác phẩm của mình nhằm giới thiệu cho công chúng cũng như bạn bè quốc tế thấy được thẩm mỹ tuyệt vời của người Việt.

Trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đòi hỏi phải luôn năng động, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp hoạt động, làm cho tình yêu di sản văn hóa, ý thức trách nhiệm đối với di sản văn hóa ngày càng lan tỏa, thấm sâu, nâng cao trong toàn xã hội. 100 tác phẩm lọt vòng chung khảo của cuộc thi được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 16/1. Hội Di sản văn hóa Việt Nam sẽ tổ chức cuộc thi định kỳ hai năm một lần. Lần tiếp theo sẽ được thực hiện vào năm 2025 với cơ chế, cơ cấu giải thưởng và trị giá giải thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Cuộc thi đã thu hút khá nhiều gương mặt trẻ gửi tác phẩm tham dự. Họa sĩ Đỗ Phấn, thành viên ban giám khảo nhận xét, cái được nhất là ban giám khảo đã tìm ra được các tác phẩm của những người trẻ và có những thành công đáng khích lệ. Giải thưởng có ý nghĩa rất tốt đẹp bởi nó mang tinh thần giáo dục di sản cho nhiều thế hệ. Chính vì thế, giải thưởng tuy quan trọng nhưng quan trọng hơn là sự lan tỏa về tinh thần tự hào và bảo vệ các giá trị di sản văn hóa của dân tộc.