Di dời cơ sở công nghiệp để tái thiết đô thị

Tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sẽ di dời hàng nghìn nhà máy, xí nghiệp trong khu dân cư vào khu công nghiệp (KCN), góp phần bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị.
0:00 / 0:00
0:00
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm cạnh sông Đồng Nai. Ảnh: PHƯỚC TUẤN
Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nằm cạnh sông Đồng Nai. Ảnh: PHƯỚC TUẤN

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Theo Đề án triển khai thực hiện việc chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp nằm trong khu dân cư ở phía nam vào khu, cụm công nghiệp phía bắc của Bình Dương, tỉnh chọn KCN Cây Trường (huyện Bàu Bàng) và Cụm công nghiệp huyện Dầu Tiếng có diện tích 1.300 ha để bố trí di dời gần 2.900 nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư.

Ghi nhận tại địa bàn phường Tân Đông Hiệp (TP Dĩ An) cho thấy, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã hình thành và hoạt động hơn 20 năm nay, nằm xen các khu dân cư. Tương tự, tại các phường An Phú, Bình Chuẩn, Thuận Giao (TP Thuận An); phường Tân Phước Khánh, Thái Hòa (TP Tân Uyên) rất nhiều nhà máy, xí nghiệp nằm rải rác trong khu dân cư. Từ đây, tiếng ồn, khói bụi ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống hằng ngày.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh Bình Dương Vương Siêu Tín cho biết, Hiệp hội Gốm sứ của tỉnh có đến 60 doanh nghiệp nằm trong khu dân cư, tập trung nhiều nhất tại TP Thuận An. Do đó, đề nghị tỉnh có phương án hỗ trợ doanh nghiệp trong diện di dời, tạo điều kiện ổn định sản xuất.

Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương Trương Thị Thúy Liên, khi doanh nghiệp chuyển vào khu công nghiệp, vấn đề đau đầu nhất là nguồn lao động. “Doanh nghiệp rất cần lãnh đạo tỉnh hỗ trợ để làm sao đến nơi ở mới không bị xáo trộn”, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Tison (TP Thuận An) Lưu Tấn Tiến cho biết thêm.

Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với các đơn vị liên quan về tình hình di dời doanh nghiệp ra khỏi KCN Biên

Hòa 1. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2025, tất cả 71 doanh nghiệp sẽ di dời khỏi KCN Biên Hòa 1 nhưng đến nay đề án đang chậm tiến độ, chưa có doanh nghiệp di dời; tỉnh cũng chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ di dời.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên, trong quá trình thực hiện di dời, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn vì chưa tìm được địa điểm di dời. Nhiều doanh nghiệp đề nghị tỉnh gia hạn thêm thời gian di dời. Các doanh nghiệp còn băn khoăn về chính sách bồi thường khi di dời, chính sách hỗ trợ người lao động, chính sách hỗ trợ tín dụng để tái đầu tư.

Bài toán không đơn giản

Trước cuộc “đại phẫu” lớn trên, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương Nguyễn Trung Tín kiến nghị tỉnh hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp thuộc diện di dời về khả năng tiếp cận tín dụng ưu đãi, nhất là nguồn vốn vay trung, dài hạn để đầu tư nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho hay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3210 năm 2019 về phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài KCN, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN, cụm công nghiệp Bình Dương”.

Đồng thời, có kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện rõ ràng; tổ chức thực hiện thí điểm việc di dời, chuyển đổi công năng nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, trước khi nhân rộng và tổ chức thực hiện. “Trước hết, tỉnh triển khai thực hiện thí điểm dự kiến di dời 5-7 doanh nghiệp; sau đó, tổng kết, đánh giá kết quả để thực hiện các bước tiếp theo”, ông Toàn thông tin.

Dự kiến sẽ có 12 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Cụ thể có 10 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng/nhà xưởng, sử dụng đất tại vị trí cũ phù hợp với quy hoạch tỉnh; bố trí quỹ đất phù hợp để phục vụ di dời; cho nợ, giãn thời gian nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất; vay ưu đãi hỗ trợ đầu tư mới...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, việc di dời các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ra khỏi khu dân cư là chủ trương lớn của tỉnh Bình Dương. Để đạt kết quả cao, tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các giải pháp, công cụ khuyến khích doanh nghiệp di dời... Mặt khác, các sở, ngành tiếp tục tham mưu hoàn thiện chính sách di dời. Để việc di dời diễn ra thuận lợi, tạo được sự đồng thuận và bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động, tỉnh Bình Dương sẽ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.

Lộ trình thực hiện di dời các nhà máy, xí nghiệp nằm trong khu dân cư vào KCN của tỉnh Bình Dương bắt đầu triển khai từ năm 2024 đến năm 2030. Các cơ sở di dời chủ yếu tập trung ở phía nam của tỉnh gồm các thành phố Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức khẳng định, việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường là tất yếu khách quan, nhằm phát triển theo đúng quy hoạch, góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc TP Biên Hòa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế ô nhiễm môi trường nước sông Đồng Nai. Khi đề án hoàn thành, KCN Biên Hòa 1 sẽ thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ hiện đại, văn minh nằm trải dài bên bờ sông Đồng Nai, tiếp giáp quốc lộ 1A, quốc lộ 51.

Để đẩy nhanh tiến độ di dời các doanh nghiệp, ông Võ Tấn Đức yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường phối hợp với các đơn vị để thống nhất các nội dung, đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính phối hợp tham mưu cho tỉnh về các cơ chế, chính sách, giải pháp để hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đời sống người lao động và ổn định sản xuất, đặc biệt lưu ý chính sách với lao động lớn tuổi, không tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp khi di dời.

Song song đó, TP Biên Hòa khẩn trương lập phương án bồi thường, tái định cư cho người dân. Các đơn vị nghiên cứu, xem xét quy định pháp luật để tránh xảy ra khiếu kiện, tranh chấp khi di dời.