Đồng hành, chia sẻ với ngư dân
Sáu giờ sáng ngày 1-5, tàu cá số hiệu QB 98145 TS của anh Hoàng Nồm ở xã Quảng Văn (huyện Quảng Trạch) xin cập bến. Trong khi tổ công tác của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình nhanh chóng kiểm tra sản phẩm, cấp giấy chứng nhận đánh bắt ở vùng biển an toàn thì các chủ nậu cũng chuẩn bị các khay nhựa để chuyển cá đưa vào xe đông lạnh. Anh Nồm mừng rỡ nói: “Cảng cá đông vui thế này thì yên tâm lắm rồi. Anh em bạn tàu có thu nhập thì mới tiếp tục bám biển ổn định cuộc sống được...”. Hơn 21 tấn cá các loại của tàu nhanh chóng được tiêu thụ.
Phía ngoài cầu cảng, Sài Gòn Co.op Mart cũng cử tổ công tác ra Quảng Bình để mua hải sản đánh bắt xa bờ cho ngư dân. Ông Trần Quốc Việt, đại diện Sài Gòn Co.op Mart nói: “Chúng tôi cam kết sẽ mua hơn 2.000 tấn hải sản trong đợt này”. Các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cũng đang thường xuyên cử các tổ công tác trực 24/24 giờ tại các cảng cá để kiểm tra, cấp giấy chứng nhận giúp ngư dân bán được cá trong thời gian sớm nhất, đồng thời để giải phóng cầu cảng. Trực tại cảng cá Sông Gianh, Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Đạt khẳng định: “Chúng tôi thực hiện giám sát chặt chẽ việc mua bán để tránh tình trạng ép giá, đồng thời hỗ trợ bà con ngư dân thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm đánh bắt xa bờ”. Cũng từ chiều 2-5, Sở Công thương Quảng Bình phối hợp với UBND thành phố Đồng Hới tổ chức các điểm bán cá sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người tiêu dùng, do đó hoạt động thu mua và tiêu thụ hải sản tại các chợ bắt đầu nhộn nhịp trở lại.
Ngày 4-5, Quảng Bình có gió phơn tây nam thổi nên nắng nóng hơn, ổn định được nguồn thu mua cá, ngư dân yên tâm tiếp tục ra khơi. Anh Nguyễn Minh Thiệu ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch - chủ tàu cá QB 9382 TS cho biết: Lần vươn khơi này tổ đoàn kết của anh có tám tàu cá, đánh bắt trên Vịnh Bắc Bộ. Với giá mua ở thời điểm hiện tại là 40 nghìn đồng/kg thì mỗi tàu thu được hơn 60 triệu đồng. Còn ngư dân Nguyễn Nhật Linh, chủ tàu QB 91096 TS thì nói: “Sau khi bán hết năm tấn cá ngừ tối 30-4 tui cũng không nghỉ mà lên đường ngay, đang vào vụ cá chính, trời đẹp nếu không bám biển thì phí lắm”.
Tại cơ sở Chính Thủy (thị trấn Thuận An, Thừa Thiên - Huế), có nhiều lao động đang tất bật nhập hàng lên xe đông lạnh chuẩn bị chở ra Hà Tĩnh, với số lượng khoảng 10 tấn cá đã được xác nhận an toàn. Hàng xuất đi chủ yếu là cá xước (cá lá tre), cá nục mắt to đã được xác nhận an toàn. Trong khu vực cảng cá Thuận An có hơn 50 xe tải thùng đông lạnh mang biển số nhiều tỉnh chờ nhận hàng hải sản. Ngư dân trên địa bàn bán được cá, lập tức các thuyền viên trong tàu nhanh chóng chuẩn bị đá, dầu, nhu yếu phẩm… và kiểm tra lại ngư lưới cụ để vươn khơi chuyến kế tiếp. Theo thống kê của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong ba ngày trở lại đây, tại các cảng cá của tỉnh, các tàu của ngư dân đánh bắt xa bờ do Chi cục Thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận hải sản sạch đều được thu mua hết hải sản với số lượng hơn 300 tấn...
Cửa biển Thạch Kim (Lộc Hà), Cửa Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) những ngày của tháng 5 nhộn nhịp không khí kẻ mua, người bán trở lại. Từ bốn, năm giờ sáng, tàu thuyền đánh cá tấp nập cập bến… Được biết, riêng ở huyện Lộc Hà có 19 cơ sở chế biến cùng 54 kho cấp đông với sức chứa hơn 2.000 tấn sẽ góp phần giải bài toán thu mua hải sản sạch cho ngư dân trong giai đoạn khó khăn này. Không chỉ có vậy, các đoàn công tác liên ngành của tỉnh thường xuyên có mặt tại các bãi cá để kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các loại hải sản vừa đánh bắt được nhằm hỗ trợ ngư dân tiêu thụ. Nhờ vậy, sau ba ngày triển khai Công văn 1777 về việc chỉ đạo các ngành, địa phương kêu gọi, vận động các doanh nghiệp (DN)…, đến chiều ngày 3-5, các DN và cơ sở thu mua chế biến đã thu mua được gần 150 tấn hải sản các loại. Đây là tín hiệu lạc quan đến với các ngư dân mà theo chủ tàu HT-90169 Nguyễn Viết Lĩnh: “Chúng tôi rất vui trước sự đồng hành của các cấp chính quyền, các DN, HTX với ngư dân trong việc tiêu thụ hải sản. Tuy giá cả còn rẻ nhưng đây là động lực để bà con tiếp tục ra khơi, bám biển”. Theo báo cáo của ngành chức năng đến chiều ngày 3-5 đã có 566/983 tàu xa bờ và tàu khai thác lộng ra khơi đánh bắt hải sản, 1.189/2.767 tàu ven bờ ra khơi khai thác.
![]() |
Các loại cá biển tươi ngon đã được đưa đến tận tay người tiêu dùng.
Lo trước mắt, không quên chuyện lâu dài
Việc không thể ra khơi do cá chết bất thường trong gần một tháng qua đã làm cho đời sống của hơn 1.500 người dân Quảng Bình và hàng chục nghìn hộ dân sống bằng các nghề đánh bắt ven bờ ở Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế càng thêm khó khăn. Anh Nguyễn Văn Nam ở xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình băn khoăn: Ngư dân đánh bắt xa bờ đã ra khơi và được Nhà nước thu mua hải sản, lại được bù giá, còn ngư dân gần bờ ngoài gạo, được tỉnh hỗ trợ một triệu đồng mỗi thuyền ra thì chúng tôi vẫn gặp khó. Đa số ngư dân đang mong mỏi câu trả lời thời điểm nào được ra khơi, và hải sản đánh bắt về được tiêu thụ thế nào?
Cũng chung niềm đau đáu đó, ngư dân Hà Tĩnh sau những ngày đầu hoang mang, giờ đây đã tin tưởng vào sự quan tâm của Chính phủ, bộ, ban, ngành cùng chính quyền các cấp. Bởi đích thân Thủ tướng Chính phủ cùng các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng liên quan đã đến kiểm tra thực tế, đưa ra các biện pháp mạnh để giải quyết tình hình cùng các chính sách hỗ trợ ngư dân sớm ổn định cuộc sống.
Để hỗ trợ cho các hộ ngư dân ven biển, ngay chiều ngày 3-5, tỉnh Hà Tĩnh đã có 6.300 hộ ngư dân với 26 nghìn nhân khẩu đã được cấp phát 600 tấn gạo cứu trợ để không còn lo cái đói do những ngày qua không ra khơi được. Ngoài ra, Hà Tĩnh còn chuẩn bị cấp phát bổ sung thêm 1.259 tấn gạo cho 14.626 hộ, gần 56 nghìn người bị ảnh hưởng gián tiếp tại các địa phương thuộc sáu huyện, thị ven biển, từ Nghi Xuân vào đến thị xã Kỳ Anh. Cùng với đó, tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước cởi “nút thắt” khó khăn cho nhân dân bằng công việc khác nhau trong đó thể hiện rõ nhất bằng Công văn hỏa tốc số 1777… Trước đó Quảng Bình đã xuất 500 tấn gạo để hỗ trợ các hộ đánh bắt, nuôi thủy sản bị ảnh hưởng với mức 10kg/khẩu/tháng… Riêng tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ hỗ trợ từ 1 đến 1,5 tháng gạo cho ngư dân với 15kg/khẩu; hỗ trợ lãi suất cho các đơn vị thu mua cá tiêu thụ trong sáu tháng, giảm lãi, giãn nợ, khoanh nợ cho các chủ thuyền đóng tàu đánh bắt cá, hỗ trợ kinh phí tiêu hủy cá lồng chết tại các địa phương…
Việc các địa phương Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh… kịp thời hỗ trợ gạo để người dân có cái ăn là cần thiết nhưng đến nay, nguyên nhân mà môi trường biển nhiễm độc chưa được làm rõ nên ngư dân gần bờ chưa thể ra khơi, khó khăn chưa thể giải quyết được rốt ráo, người dân vẫn chưa yên tâm. Trước đây, tỉnh Quảng Bình có đề án chuyển đổi nghề khai thác gần bờ ra vùng khơi nhưng do trình độ nhận thức của ngư dân các xã bãi ngang còn thấp, lại thiếu vốn và không có cửa biển nên việc chuyển đổi này chưa thành công. Trong số hàng nghìn hộ sống bằng nghề gần bờ, mới có khoảng năm hộ vay vốn đầu tư tàu to máy lớn để vươn khơi, số đông còn lại vẫn quẩn quanh với chiếc thuyền nan gối trên bãi. Do vậy, qua sự việc này, Chính phủ cần có chiến lược đầu tư hỗ trợ để chuyển đổi nghề để nâng cao và ổn định đời sống cho người dân vùng bãi ngang các tỉnh miền trung. Điều này sẽ tạo động lực giúp bà con ngư dân phấn khởi, yên tâm và tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản để ổn định cuộc sống.