Để điện ảnh Việt Nam ghi “dấu ấn” với thế giới

Những năm gần đây, việc tìm kiếm giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế vẻ như “mặc định” cho các nhà làm phim độc lập. Đội ngũ này ít nhiều cũng gặt được thành tựu cho những đứa con tinh thần của mình nhưng vẫn còn quá mỏng, quá xa để nền điện ảnh Việt Nam được nhận diện trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn Mai Vũ (bên phải) nhận giải thưởng tại LHP Cannes.
Đạo diễn Mai Vũ (bên phải) nhận giải thưởng tại LHP Cannes.

Muốn “có danh” phải được nhận diện ở các LHP hạng A

Dắt lưng vốn kinh nghiệm trong việc tìm kinh phí sản xuất và đưa phim đến các liên hoan phim (LHP) quốc tế qua hai dự án phim “Bi, đừng sợ” và “Cha và con và…”, đạo diễn Phan Đăng Di khẳng định: “Một nền điện ảnh chỉ được nhận diện khi xuất hiện ở các LHP hạng A với tư cách phim dự thi và… thắng giải. Trên thế giới có ba LHP hạng A lớn là Canne, Berlin và Venice. Tiếp đó là các LHP của Thụy Sĩ, Hà Lan…; hoặc vào chung kết Oscar; hoặc tranh giải ở LHP Toronto của Canada (mở cửa vào thị trường Bắc Mỹ). Các nền điện ảnh lớn của châu Á, Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc đều đã được nhận diện ở các LHP lớn nhất này. Đơn cử như điện ảnh Nhật Bản, sau bộ phim “Rashòmon” giành được giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm 1950, điện ảnh nước này đã trở thành nền điện ảnh được nhận diện trên toàn thế giới”.

Mang tâm thế phim phải được nhận diện tại các LHP hạng A, sau bộ phim “Bi, đừng sợ” có mặt tại gần 50 LHP lớn nhỏ trên thế giới, Phan Đăng Di gửi gắm nhiều hy vọng ở bộ phim “Cha và con và…” tham dự LHP Berlin 2015. Đây là bộ phim Việt Nam đầu tiên do một đạo diễn trong nước thực hiện tham gia tranh giải chính thức ở LHP Berlin. Đáng tiếc, phim không có giải thưởng. Năm 2022, điện ảnh Việt Nam xuất hiện trở lại tại LHP Berlin với hai phim “Chiếc xe tải của bố” (đạo diễn Mauricio Osaki) và “Miền ký ức” (đạo diễn Bùi Kim Quy) nhưng cũng không thu được thành tựu, dù trước và sau LHP này cả hai phim đều gặt hái được giải thưởng từ các LHP quốc tế khác.

Vì “khát giải thưởng” tại các LHP hạng A nên khi “Giấc mơ gỏi cuốn” thắng giải Light on Women Award (trị giá 30 nghìn euro) tại LHP Cannes 2022 và sau đó là tin vui từ LHP Ba châu lục khi “Tro tàn rực rỡ” nhận giải Khinh khí cầu vàng, niềm hy vọng lại được thắp lên về một tương lai không xa điện ảnh Việt sẽ chạm tới giải thưởng ở các LHP hạng A cao quý.

Bước ra từ LHP Cannes 2022, đạo diễn phim “Giấc mơ gỏi cuốn” Mai Vũ chia sẻ: “Điện ảnh Việt xuất hiện còn thưa thớt trên các sân chơi lớn của thế giới. Đang có một khoảng cách rất lớn giữa điện ảnh Việt Nam và thế giới. Nhưng khoảng cách đó cũng có thể được rút ngắn… nếu chúng ta biết cách đi và đi đúng hướng. Tất nhiên, chỉ nỗ lực của những người làm phim thôi thì chưa đủ”.

Phải làm gì để được “nhận diện”?

Chỉ tính riêng giải Oscar, Việt Nam đã 17 lần tham dự giải thưởng này nhưng chỉ có phim “Mùi đu đủ xanh” (1993) của Trần Anh Hùng giành được đề cử. Các phim còn lại không nhận được đề cử và rơi vào im lặng. Nói là phim Việt Nam nhưng “Mùi đu đủ xanh” được đầu tư kinh phí và sản xuất tại Pháp, chỉ có câu chuyện, bối cảnh và diễn viên… là của Việt Nam. Cũng bởi phim là câu chuyện mang yếu tố Việt nên đạo diễn Trần Anh Hùng đã xin phép để tác phẩm được đại diện Việt Nam dự giải Oscar. Tuy không gặt giải nhưng việc bộ phim được đề cử ở giải thưởng quan trọng này đã mặc định trong suy nghĩ của các nhà điện ảnh thế giới điện ảnh Việt có Trần Anh Hùng. Hay nói một cách khác, qua Trần Anh Hùng, giới chuyên môn quốc tế hứng thú với câu chuyện đậm bản sắc Việt, hứng thú với bức tranh Việt được tạo dựng một cách từ tốn, nắn nót và tinh tế.

Sống và làm việc ở nước ngoài, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh - tác giả phim “Mùa len trâu” gây ấn tượng ở nhiều LHP quốc tế khẳng định, điện ảnh Việt đang thiếu những đề tài vừa mang bản sắc riêng, vừa chứa đựng thông điệp chung mà quốc tế quan tâm. Cách khai thác, hay phong cách “kể chuyện”của các đạo diễn cũng thiếu sự mới mẻ; nếu không quá cũ thì lại là rập khuôn những gì mà các nền điện ảnh hiện đại đã quá quen thuộc. Cá tính độc đáo của các nhà làm phim chưa được phát huy một cách triệt để theo tinh thần học hỏi chọn lọc và tạo ra con đường riêng của mình để tôn vinh bản sắc dân tộc. Theo chủ quan của ông, nếu làm phim về đề tài thời chiến, thay vì tập trung xây dựng những người hùng và chiến trận như trước đây nên khai thác những số phận bình thường bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, hoặc thông qua cái nhìn của lớp người trẻ hôm nay về chiến tranh sẽ có sức hấp dẫn khán giả thế giới hơn.

Đạo diễn Đào Bá Sơn chỉ ra những điểm yếu của phim Việt cần khắc phục đó là kịch bản: “Tôi nhiều lần ngồi ghế giám khảo tại các LHP, xem nhiều phim Việt, thấy đề tài phong phú nhưng tính cách nhân vật chính khá tương đồng, chung chung, mờ nhạt nên không hấp dẫn. Điện ảnh Việt hiện có nhiều phim giải trí nhưng quá ít phim hay hướng tới sự nhân văn, hướng tới vẻ đẹp trong tâm hồn Việt và cuộc sống đương đại”.

Các nhà điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran… đã mang đến cho chúng ta rất nhiều bài học. Dù bộ phim là một sản phẩm hàng hóa nhưng đừng quên nó là một sản phẩm văn hóa và điều quan trọng là nó phải bám lấy những vấn đề về con người và sắc màu văn hóa của dân tộc mình. Tất cả những cái đó sẽ tạo ra bản sắc riêng và sự khác biệt với thế giới và thế giới sẽ đón nhận. Thừa nhận điện ảnh Việt thiếu những kịch bản chất lượng đáp ứng nhu cầu muốn khám phá của khán giả thế giới, đạo diễn Phan Đăng Di khẳng định, điện ảnh Việt không thiếu người tài nhưng lại thiếu một chiến lược phát triển điện ảnh với đường hướng mạch lạc, hiệu quả; thiếu sự quan tâm đầu tư cho những tác giả trẻ - những người đã và đang tạo dựng cá tính riêng trong tác phẩm, gặt hái được những thành tựu ban đầu tại các LHP quốc tế hạng A qua những bộ phim ngắn.

Và như vậy, thay vì để các nhà làm phim trẻ có năng lực phải lọ mọ tìm kiếm kinh phí để làm phim thì cần đầu tư kinh phí xứng tầm cho các dự án của họ.