Khơi dậy sức mạnh văn hóa:

Giữ văn hóa trà trong thời đại mới

Theo nhiều chuyên gia, nghệ nhân tham gia chương trình Văn hóa trà Việt (tập 2) do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vừa tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, để văn hóa trà phục hồi và phát triển cần thêm cách làm mới. Cái nhìn cởi mở hơn với các chế phẩm trà hiện đại cũng là giải pháp lan tỏa trà truyền thống trong cuộc sống ngày nay.
0:00 / 0:00
0:00
Thưởng thức trà là nét văn hóa độc đáo trong đời sống ẩm thực.
Thưởng thức trà là nét văn hóa độc đáo trong đời sống ẩm thực.

Trà sữa: Tại sao không?

Nhiều năm tìm hiểu về trà Việt, nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, cần tìm các giải pháp thiết thực, hấp dẫn hơn để thu hút người trẻ bước vào thế giới trà. Đừng áp đặt phải chọn trà truyền thống thay hiện đại, mọi thứ phải chứng minh bằng: chất lượng.

“Bây giờ ai cũng muốn trà sữa. Đây là xu thế trà đương đại, chúng ta phải chấp nhận. Hãy cứ để mọi người tiếp cận, mọi thứ sẽ dần thay đổi. Trà sữa khi mới du nhập vào thị trường nước ta, vị ngọt luôn lấn át vị trà. Nhưng đến nay, đa phần người thưởng thức đều muốn được thấy nhiều vị trà hơn. Khi thay đổi cách uống, dần dần họ sẽ thay đổi cả cách chọn trà. Đây là thời điểm thích hợp để giới thiệu cho mọi người thấy giá trị và lợi ích trà truyền thống cũng như nét đẹp của văn hóa trà Việt. Câu chuyện này nên bắt nguồn từ người trẻ vì họ sáng tạo, biết cách lan tỏa điều mà bản thân cho rằng độc đáo, thú vị”, ông Tuấn phân tích.

Trước tiên phải giúp người trẻ thoát khỏi tâm lý ngại tiếp xúc với trà, cho rằng đó là thức uống của các cụ, quy trình phức tạp hoặc sợ trà đắng “cắm tăm” gây mất ngủ, mệt người… Ông Tuấn quan niệm, trà đâu nhất thiết phải đắng, có nhiều loại trà trẻ con vẫn uống say mê thì tại sao lại để giới trẻ lo sợ điều này. Vấn đề là phải đẩy mạnh câu chuyện quảng bá, giới thiệu theo hướng gần gũi, đầy đủ thông tin. Việt Nam có 34 vùng trà với đa dạng thể loại, không khó để mỗi người chọn ra những nhóm trà phù hợp nhu cầu, thể trạng và tuổi tác của mình. Bên cạnh đó, việc giữ đúng nét mộc mạc khi thưởng thức cũng sẽ giúp người trẻ đến gần hơn với văn hóa trà truyền thống.

Theo nhà nghiên cứu và sưu tầm trà Nguyễn Lê Uyên Viễn, văn hóa trà Việt đang trên đà hồi phục với nhiều tín hiệu tích cực. Điều thấy rõ nhất là nhiều tiệm trà đã và đang xuất hiện trên khắp cả nước với đa dạng hình thức hoạt động. Các hội, nhóm yêu trà cũng xuất hiện ngày một đông với thành viên chủ chốt là người trẻ. Nhà sáng lập nhóm “Uống trà đi” lý giải: “Muốn nói về văn hóa truyền thống, chúng ta phải hiểu giá trị cốt lõi của nó. Chọn cách chia sẻ kiến thức cho cộng đồng để lan tỏa văn hóa thì mình phải đưa ra giá trị thiết thực. Suy cho cùng, trà vốn là thức uống giản dị và gần gũi với người Việt từ xưa tới nay. Nhưng hiện giờ có một số bộ phận phức tạp hóa vấn đề uống trà lên, đi xa bản chất của trà Việt”.

Chất lượng vẫn là yếu tố then chốt

Chương trình Văn hóa trà Việt (tập 2) gồm hai nội dung là tọa đàm “Chế phẩm trà truyền thống và trà hiện đại” và phần chia sẻ, hướng dẫn về “Văn hóa trà Việt trong thời 4.0” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nghệ nhân. Trước đó, tập 1 của chương trình là tọa đàm “Văn minh trà Việt trong phát triển kinh tế và du lịch”. Sau hai tập tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, bốn tập còn lại của chương trình sẽ diễn ra tại các tỉnh, thành khác với nhiều góc độ tiếp cận.

Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam sẽ thành lập Chi hội Văn hóa trà và triển khai các chiến lược quảng bá, lan tỏa giá trị trà Việt. Ông Lã Quốc Khánh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội cho rằng, các tọa đàm sẽ giúp các nhà nghiên cứu, chuyên gia và đơn vị sản xuất, kinh doanh trà hiểu cách nghĩ của đa dạng người dùng. Khi hiểu được khách hàng và sự biến đổi của xã hội, chắc chắn sẽ có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn. “Ai cũng thắc mắc tại sao thời nay giới trẻ mê trà sữa, trà trái cây hơn dù biết rằng trà truyền thống rất tốt cho sức khỏe. Vậy thì chúng ta phải hỏi họ, đồng thời tìm hiểu những điều mới lạ của chế phẩm trà hiện đại. Nếu phù hợp, hãy đưa những sản phẩm trà hiện đại chất lượng, độc đáo vào văn hóa trà để mọi người dễ tiếp cận, lan tỏa hơn. Đó là cách đưa trà gần với đời sống thường ngày”, ông Khánh nói thêm.

Bên cạnh việc quảng bá, lan tỏa những cái hay, cái đẹp, khâu bảo đảm chất lượng trà đến tận tay người tiêu dùng cũng được coi là yếu tố quan trọng trong quá trình phát huy văn hóa truyền thống này. Muốn người uống gắn bó lâu dài, trà không chỉ ngon mà còn phải đúng phẩm chất, tốt cho sức khỏe. “Khi vẫn còn trà giả, trà trộn, trà kém chất lượng trên thị trường thì rất khó nghĩ đến chuyện phát triển văn hóa trà. Người làm trà hãy làm tốt hơn, những người kinh doanh trà hãy chân thật hơn, cùng nhau chung tay tạo nên sản phẩm giá trị cho người tiêu dùng. Chúng ta có rất nhiều giống trà quý thì tại sao không tự hào, không nhân rộng mà lại vì cái lợi trước mắt mà cung cấp hàng kém chất lượng khiến người dùng mất lòng tin”, ông Tuấn trăn trở.

Việt Nam tự hào khi có vùng nguyên liệu trà cổ xưa đẳng cấp thuộc tốp 3 thế giới. Nhưng làm sao để bảo tồn nguồn “vàng xanh” tại những vùng trà di sản không phải là chuyện đơn giản. Do đó, cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ và thời gian triển khai. Ngay cả khi nắm trong tay vốn quý, các bên đều cần được trang bị đầy đủ kiến thức để phát huy tối đa giá trị của trà Việt. Theo ông Viễn, giai đoạn này phải xây dựng lại những yếu tố nền tảng nhất để ai cũng nắm rõ quy chuẩn trà chất lượng và cách trồng, sản xuất, sử dụng nó. Người trồng cần được cập nhật giống mới, tập huấn kỹ thuật trồng trọt hiện đại để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng chè, ổn định nguồn thu sau quá trình đầu tư, chăm sóc. Các loại máy móc, thiết bị hỗ trợ cần được tư vấn, chọn lựa kỹ càng sao cho phù hợp loại cây, điều kiện canh tác và thu hoạch ở Việt Nam, tránh trường hợp thấy nước khác làm tốt đem về áp dụng thì không thu được kết quả khả quan.

Theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta chỉ đạt khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka.