Để di sản là của mọi người

Tọa đàm “Di sản là của ai? Từ nghiên cứu, sáng tạo đến ứng dụng di sản” vừa diễn ra tại Hà Nội. Là người thuyết trình trong tọa đàm, PGS, TS Trần Trọng Dương, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chia sẻ với Thời Nay giải pháp để phát huy tốt nhất giá trị di sản.
0:00 / 0:00
0:00
Tham quan di tích bằng ứng dụng công nghệ hiện đại là giải pháp mới đang được quan tâm.
Tham quan di tích bằng ứng dụng công nghệ hiện đại là giải pháp mới đang được quan tâm.
Để di sản là của mọi người ảnh 1

Phóng viên (PV): Thưa ông, tọa đàm chạm đến một vấn đề khá được quan tâm hiện nay, mục tiêu đặt ra là gì?

PGS, TS Trần Trọng Dương: Tọa đàm đánh động về một vấn đề rất quan trọng là bảo tồn và đưa di sản vào đời sống. Nhà nước đã có chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng phát huy như thế nào, cơ sở hành lang pháp lý đến đâu thì các quy định chưa rõ ràng, chưa sát với cuộc sống. “Cuộc sống đi trước, luật bước theo sau” là một hiện tượng thường thấy. Một số nhà nghiên cứu, nhà mỹ thuật thời gian qua đã đưa di sản vào đời sống thì bị mang tiếng là trục lợi, ăn trên di sản. Điều đó cần phải có sự đánh giá lại, như thế có đúng không và làm sao để tạo ra hành lang pháp lý, giúp các nhà nghiên cứu, họa sĩ có thể sống được bằng nghề, sống bằng di sản từ đó tiếp tục góp phần vào phát huy giá trị di sản.

PV: Việc đưa di sản vào thiết kế mới có gặp phải sự khó tiếp nhận của người dân?

PGS, TS Trần Trọng Dương: Trong bối cảnh hiện tại, văn hóa truyền thống ngày càng được nhiều người quan tâm, thậm chí có người muốn đem di sản về nhà. Nhưng đem di sản gốc về nhà là phạm luật, chúng ta chỉ có thể làm tiêu bản thôi. Kể cả hiện vật, kết cấu kiến trúc bị tách rời nằm trong không gian cổ (không gian di sản) là thuộc sở hữu cộng đồng, sở hữu chung của nhà nước hoặc một gia tộc nào đó. Việc đưa một di sản nguyên gốc về tư gia là điều không được phép. Giới chơi cổ vật, sưu tầm hoặc các bảo tàng tư nhân có thể lưu giữ, nhưng họ phải có giấy phép, có quy định hoạt động tuân thủ pháp luật để tránh tình trạng “chảy máu” cổ vật, ăn trộm cổ vật. Nhưng dựa trên các hiện vật, bảo vật quốc gia gốc có sẵn, chúng ta có thể làm các tiêu bản, nghiên cứu sáng tạo ra sản phẩm mới như là những di sản phái sinh, để giúp di sản hiện diện trong đời sống. Đó thật sự là việc tạo ra một đời sống cho di sản trong đời sống đương đại, giúp nhiều người biết đến và trân quý hơn các giá trị di sản.

PV: Theo ông, cần các giải pháp gì để công chúng dễ tiếp nhận di sản hơn?

PGS, TS Trần Trọng Dương: Công nghệ (thực tế ảo Virtual Reality, thực tế tăng cường Augmented Reality, vũ trụ ảo metaverse,…) đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và được dự báo sẽ trở thành xu hướng mới trong việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy di sản. Công nghệ này giúp người trải nghiệm bước chân vào quá khứ, dễ dàng truyền tải thông điệp và giá trị của di sản qua lăng kính của thị giác.

Ở một phương diện khác, trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng công nghệ này tạo ra các chuyến du lịch ảo đã chứng minh được sự phù hợp và hữu ích. Du khách chỉ cần ở nhà, với thiết bị hỗ trợ có chi phí thấp là hoàn toàn có thể tham gia, tương tác thực tế với điểm đến. Những trải nghiệm này là cơ sở giúp du khách so sánh để tìm được điểm du lịch phù hợp thị hiếu, sở thích của mình.

PV: Có nghĩa, khi thực hiện điều này, người dân, du khách không phải đến các bảo tàng cũng có thể tiếp xúc được di sản?

PGS, TS Trần Trọng Dương: Theo cách truyền thống thì phải đến các bảo tàng mới được tiếp xúc với di sản, cổ vật. Nhưng giờ đây, di sản trở thành công cụ giao tiếp, phương tiện ngoại giao văn hóa thì phải thiết kế di sản phái sinh, phải ứng dụng di sản, thiết kế và sáng tạo để tạo thành các sản phẩm có thể tái đầu tư trong đời sống đương đại. Việc nghiên cứu, sáng tạo các di sản mới đó, có thể làm nguyên bản các bảo vật quốc gia. Ngoài ra chúng ta có thể thiết kế mới dựa trên các họa tiết, hoa văn của bảo vật qua các thời kỳ để làm nên những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, thậm chí là các đồ dùng trong cuộc sống hằng ngày, để những hình ảnh, tinh hoa của văn hóa truyền thống có thể đến với từng người, từng gia đình.

PV: Nhưng chỉ với các nhà sưu tầm, nghiên cứu di sản thì có thể thực hiện được không, thưa ông?

PGS, TS Trần Trọng Dương: Để di sản quay trở lại đời sống, đương nhiên mấu chốt là vấn đề kinh phí và cơ chế. Hiện nhiều tập đoàn tư nhân có thể đầu tư nhưng để đưa di sản trở thành thương phẩm thì chúng ta chưa có cơ chế rõ ràng. Làm sao để đưa một sản phẩm mô phỏng một bảo vật quốc gia, trở thành một thương phẩm mang tính thương hiệu quốc gia để có thể xuất khẩu ra nước ngoài, thì chúng ta còn đang mắc. Cho nên cần có các tọa đàm, hội thảo để các nhà nghiên cứu, sưu tầm, nghệ nhân, các nhà làm chính sách cùng tháo gỡ từng vấn đề một, từ đó chúng ta có cơ hội kiến nghị, tư vấn cho nhà nước để hoàn thiện về cơ chế, chính sách, nhằm phát huy giá trị của di sản. Bởi di sản là nguồn tài nguyên của đất nước. Muốn di sản sống được thì người làm di sản phải sống được bằng di sản. Đó là một bài toán cần được giải quyết.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

PGS, TS Trần Trọng Dương: Theo tôi, ngoài công tác bảo tồn trùng tu, để công chúng dễ dàng tiếp cận di sản thì cần số hóa di sản. Để di sản không chỉ là “hiện vật không lời”, mà di sản cần được “tái sinh” bằng công nghệ, để giá trị của nó có thể vào máy tính từng cá nhân, và lan tỏa trong đời sống xã hội. Thời gian qua, một số triển lãm thực tế ảo đã giúp người xem có thể tương tác trực tiếp với hiện vật trong không gian ảo, để có thể bước đi trong di sản, chạm tay vào di sản.