Đánh thức công viên núi lửa Lý Sơn - Sa Huỳnh

Sự biến thiên của đất trời hàng triệu năm để lại di sản địa tầng, địa chất hùng vĩ vùng biển Lý Sơn - Sa Huỳnh. Được ví như “công viên núi lửa”, công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đang được đánh thức, hòa vào di sản công viên địa chất trên thế giới…

Còn lưu giữ nguyên vẹn nhiều miệng núi lửa cùng di sản địa chất độc đáo, đảo Lý Sơn được ví như “công viên núi lửa”.
Còn lưu giữ nguyên vẹn nhiều miệng núi lửa cùng di sản địa chất độc đáo, đảo Lý Sơn được ví như “công viên núi lửa”.

Di sản dưới đáy đại dương

Trong chuyến khảo cứu địa tầng trầm tích vùng biển đảo Bé, Lý Sơn, từ những chỉ dẫn của ngư dân, các nhà khảo cổ đã phát hiện vòm núi đá nham thạch nằm sâu dưới đáy biển. Cách mặt biển 5 m và độ sâu 15 m, vòm núi đá chiều dài vòng cung 100 m, lớn hơn cổng Tò Vò hiện có trên đảo Lý Sơn. Núi lửa phun trào hàng triệu năm trước đã tạo nên vòm núi đá nham thạch - tuyệt tác thiên nhiên kỳ vĩ trong lòng đại dương. Ở đây hệ tầng thủy sinh tự nhiên phong phú, đa dạng tạo chung quanh vòm núi đá nham thạch tạo không gian thủy mặc bí ẩn, kỳ vĩ.

Gắn bó với hành trình khảo cổ dưới nước, Ths Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia khảo cổ học dưới nước ngỡ ngàng trước di sản địa chất độc đáo, tuyệt tác thiên nhiên trong đại dương sâu thẳm.

“Khi phát hiện ra chúng tôi thật sự ngỡ ngàng, chúng tôi ví như là núi dưới đáy biển. Di sản thiên nhiên này thật sự độc đáo, là điểm nhấn khác biệt của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh với các công viên địa chất khác”, Ths Nguyễn Tuấn Lâm nhận định.

Kiến tạo của thiên nhiên hàng triệu năm trước tạo nên thế giới quan địa chất, địa tầng độc đáo vùng biển Quảng Ngãi. Không chỉ vậy, vùng cát trắng miền trung này còn ẩn chứa ký ức hải trình quá khứ. Từ những năm 1999 đến 2012, ngư dân cùng các nhà khảo cổ đã phát hiện “nghĩa địa tàu cổ” có một không hai trên thế giới. Ít nhất sáu tàu cổ bị đắm được phát hiện trên vùng biển Bình Châu - Lý Sơn. Con tàu cổ 700 năm cùng 5.000 cổ vật, gốm sứ được khai quật ở vùng biển Bình Châu năm 2013 đã gắn kết hiện tại và quá khứ, gợi mở ký ức con đường gốm sứ giữa đại dương. “Nghĩa địa tàu cổ” vùng biển Bình Châu, Lý Sơn đang tiếp tục được khảo cứu, mở ra cái nhìn rõ hơn về thương cảng cổ sầm uất ở vùng biển Quảng Ngãi.

Được ví như “ông vua cổ vật”, ông Đoàn Sung, Giám đốc Công ty Đoàn Ánh Dương có hàng chục năm khai quật tàu đắm và cổ vật vùng biển Cù Lao Chàm - Quảng Nam, Bình Châu - Quảng Ngãi, Vũng Tàu… Chuyên gia cổ vật chia sẻ, sự tích hợp giữa di sản địa chất và di sản văn hóa dưới nước hình thành một Lý Sơn - Bình Châu độc đáo, đặc sắc mà chưa có nơi nào trên thế giới có được.

“Vùng biển Quảng Ngãi ẩn chứa nhiều di sản địa chất độc đáo và di sản văn hóa dưới nước như cổ vật, nghĩa địa tàu đắm tạo nên không gian văn hóa khác biệt cho công viên địa chất (CVĐC) Lý Sơn - Sa Huỳnh mà không dễ nơi nào có được. Nhưng di sản trong vùng lõi này sẽ tạo nên nét riêng để đưa Lý Sơn - Sa Huỳnh thành công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC)”, ông Đoàn Sum lý giải.

Vùng ven biển Bình Châu, Sa Huỳnh, Lý Sơn gắn liền danh lam thắng cảnh, miệng núi lửa cổ ở Ba Làng An, Hang Cau, Chùa Hang, núi Thới Lới… được hình thành bởi dòng chảy nham thạch, mảnh đá bom núi lửa trầm tích cùng nước biển hàng triệu năm trước. Dòng chảy thời gian gắn liền những di sản ấy vẫn sừng sững mặc bao biến thiên của đất trời tạo nên sắc thái riêng cho CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh.

Đánh thức tiềm năng CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh

Chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản, UNESCO và các nước Pháp, Nhật, Hàn Quốc khảo sát 1.130 địa điểm, vị trí vùng lõi và vệ tinh trong phạm vi CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh. Các chuyên gia đều nhận định, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh có đầy đủ tiềm năng, giá trị về địa chất lẫn văn hóa, khảo cổ học để được UNESCO công nhận là CVĐCTC. Dường như, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh vẫn thật sự chưa muốn “thức giấc”.

Khảo cứu dọc dài miền hải đảo Quảng Ngãi, ông Guy Martini, Tổng Thư ký Chủ tịch hội đồng CVĐCTC, kiêm Tổng Thư ký Mạng lưới CVĐCTC thấy được tầng giá trị của CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh và khát vọng vươn đến di sản địa chất ra thế giới. Thế nhưng dường như chưa thật sự sẵn sàng. Ông Guy Martini trăn trở, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh có hơn 80 di sản địa chất, văn hóa, tâm linh, phi vật thể cần bảo tồn và khai thác ngay. Thế nhưng sau nhiều năm, ở đây chưa có chỉ dẫn địa lý, hệ thống thuyết minh, biển bảng giới thiệu các cụm di sản cảnh đẹp, bảo tàng tự nhiên về núi lửa, san hô, di chỉ văn hóa Sa Huỳnh.

“Không phải chờ khi được công nhận là CVĐCTC thì mới hình thành, xây dựng chỉ dẫn, thuyết minh di sản. Phải làm ngay, bảo tồn và khai thác du lịch để phát huy giá trị văn hóa đó. Phải có sự tham gia của cộng đồng, người dân trong phạm vi công viên. Người dân tham gia và hưởng lợi từ CVĐC thì mới đạt được mục tiêu, ý nghĩa mà UNESCO đề ra ”, ông Guy Martini khuyến nghị.

Lực cản lớn cũng làm cho Lý Sơn - Sa Huỳnh chưa hòa nhập cùng những di sản CVĐCTC trên thế giới bởi vấn nạn môi trường. Tại vùng lõi của di sản địa chất, di sản văn hóa vùng biển Quảng Ngãi rác thải tràn lan, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Cần phải có sự tham gia, hợp tác tích cực của chính quyền, cộng đồng địa phương. Nhiều biện pháp tích cực đã được thực hiện nhưng căn cơ nhất về rác thải vẫn chưa như kỳ vọng.

“Khảo sát khu vực CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh, không ít chuyên gia bày tỏ sự ngao ngán trước thực trạng rác thải tràn lan. Thậm chí có người chùn chân dừng lại, dù một di sản rất đẹp ở ngay trước mắt nhưng nằm giữa những đống rác ngổn ngang. Vấn đề này nếu không được giải quyết thấu đáo, căn cơ thì thật sự khó, nhất là khi Lý Sơn - Sa Huỳnh đã được công nhận là CVĐCTC”, PGS, TS Trần Tân Văn nhấn mạnh.

Sự công nhận CVĐCTC của UNESCO là góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, người dân được hưởng lợi. Do vậy, xây dựng chiến lược để duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, tăng thu nhập cho người dân, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể, đa dạng hóa mặt hàng, sản phẩm truyền thống từ tỏi Lý Sơn, gốm Sa Huỳnh, gốm Mỹ Thiện, đúc đồng Chú Tượng… nâng cao giá trị sản phẩm gắn với danh hiệu CVĐCTC UNESCO.

Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trăn trở, sau khi công nhận CVĐCTC thì đời sống của nhân dân ở vùng lõi, vùng phụ cận mở rộng phát triển, người dân hưởng lợi từ thành quả sản xuất, canh tác tiến bộ, thu lợi từ hoạt động di sản. “Chúng tôi đang nỗ lực để hoạch định lại chính sách, tìm hướng đi bền vững hơn để đồng hành cùng cộng đồng, người dân. Phải xây dựng những giá trị mới khi Lý Sơn - Sa Huỳnh được công nhận là CVĐCTC. Chính người dân hưởng thành quả trên những giá trị đấy”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

Tiềm năng và giá trị hiện hữu, Lý Sơn - Sa Huỳnh đang hướng đến là thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Di sản “công viên núi lửa” Lý Sơn - Sa Huỳnh giữ vững vị trí và uy tín khi được hòa cùng văn hóa bản địa, cộng đồng, người dân cả trong mai sau.

CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh mở rộng trên 4.600 m², trải dài trên địa bàn chín huyện, thành phố của tỉnh Quảng Ngãi. Di sản địa chất, địa mạo độc đáo, được chia thành bốn cụm, gồm cụm di sản đảo Lý Sơn có nhiều thắng cảnh đẹp, là bảo tàng tự nhiên về núi lửa, về san hô; cụm di sản ven biển phía bắc Quảng Ngãi gồm bãi biển đẹp, các vách bazan dạng cột, các bậc thềm mài mòn và ngấn nước biển; cụm di sản phía nam Quảng Ngãi có di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, đầm nước ngọt, nước mặn; cụm di sản khu vực Trà Bồng với thác nước, núi, đèo hùng vĩ.
Hiện Quảng Ngãi đang tập trung hoàn thiện và dự kiến nộp hồ sơ Công viên Địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cho UNESCO tháng 11 tới. Sau đó, địa phương tiếp tục lập hồ sơ trình Ủy ban Di sản Quốc gia công nhận và trình lên Hội đồng Di sản thế giới để UNESCO công nhận Lý Sơn - Sa Huỳnh là Công viên Địa chất toàn cầu.