Công thức thành công cho lễ hội

Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, diễn ra từ ngày 10 đến 14/3, là sự kiện văn hóa - du lịch rất đáng chú ý trong tuần vừa qua tại khu vực Tây Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00

Mặc dù phải đến tối 14/3 mới diễn ra lễ bế mạc lễ hội nhưng có thể khẳng định, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức một sự kiện lớn thành công, có sức hút tương tự như Festival biển Nha Trang hay Festival hoa Đà Lạt…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phân tích: “Để một sự kiện văn hóa đủ sức thúc đẩy ngành du lịch tại địa phương phải có những đặc điểm quan trọng, bao gồm: có đông đảo du khách cùng người dân địa phương tham dự; có tính định kỳ; năng lực tổ chức phải đáp ứng với quy mô, tầm vóc của sự kiện”.

Là người tham gia tổ chức tất cả các kỳ Festival biển Nha Trang (từ năm 2003) và cũng thường xuyên tham dự Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột, ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa đánh giá: Sự thành công của tỉnh Đắk Lắk trước tiên nằm ở yếu tố con người khi sự hiếu khách, một nét văn hóa đặc biệt của người dân nơi đây, giúp mỗi người trở thành một đại sứ du lịch, giới thiệu, quảng bá để có rất nhiều du khách đến với Lễ hội Cà-phê rất tự nhiên, nồng hậu. Nghĩa là một sự kiện văn hóa muốn thu hút được du khách trước tiên phải chinh phục được người dân địa phương, đánh thức được sự tự hào về bản sắc văn hóa, để tạo nên nội lực mạnh mẽ.

Không chỉ tại Buôn Ma Thuột mà đường phố tại một số huyện như Buôn Đôn, Krông Ana, Lắk… cũng tấp nập người và xe trong dịp lễ hội. Chính sự đông đảo này tạo ra không khí lễ hội đặc trưng và theo nguyên tắc thì đã đông sẽ lại càng đông hơn, không chỉ có du lịch mà còn kích cầu cả mua sắm, chi tiêu, di chuyển… tạo ra những nguồn thu rất đáng kể. Tuy nhiên đông đảo cũng cần có những giải pháp kiểm soát hiệu quả. Chẳng hạn, ngay tại khu vực Ngã 6, trung tâm TP Buôn Ma Thuột, hiện diện rất nhiều cán bộ công an để phân luồng giao thông, bảo đảm trật tự. Ngay tại khách sạn Sài Gòn Ban Mê, một trong những điểm lưu trú quan trọng trong mùa Lễ hội cũng có các cán bộ công an. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc khách sạn Sài Gòn Ban Mê cho biết, các cán bộ công an tạo sự yên tâm đặc biệt cho cả du khách lẫn những nhân viên khách sạn, vì bảo đảm công tác an ninh khi khách sạn đầy 100% công suất luôn là thách thức cực lớn.

Và trong công tác tổ chức Lễ hội, vốn luôn phát sinh những bất ngờ mà chỉ những người có kinh nghiệm, tâm huyết mới có thể xử lý được linh hoạt và nhanh chóng. Cần phải khẳng định, không thể có một sự kiện nào mà không có những rủi ro, phát sinh, hay đạt được sự hài lòng lên đến 100%, vấn đề quan trọng là cách thức xử lý khủng hoảng. Tại Lễ hội Cà-phê Buôn Ma Thuột mới đây, trước một bức xúc của du khách liên quan đến cơ sở lưu trú được đăng tải trên mạng, dù không phản ánh trực tiếp đến cơ quan quản lý, nhưng một cán bộ của UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đã tiến hành xác minh và xử lý ngay lập tức.

Nếu ví lễ hội như một sản phẩm văn hóa - du lịch đặc biệt quan trọng thì cũng như các sản phẩm khác, trước tiên phải có thương hiệu, được “sản xuất hiệu quả” và “bán được nhiều” tức là có nhiều người tham dự và một điều quan trọng nữa là phải “bảo hành” thật tốt, thật nhanh chóng nếu có sự cố xảy ra. Đây cũng chính là công thức thành công của các lễ hội.