Cởi mở với triển lãm nữ họa sĩ bắc, trung, nam

Sau triển lãm đầu tiên năm 2010, nhóm nữ họa sĩ ba miền sẽ triển lãm chung lần thứ 10 tại Hà Nội. Triển lãm sẽ diễn ra tại Nhà triển lãm Mỹ thuật, 16 Ngô Quyền, Hà Nội từ ngày 7 đến 15/4.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Thanh Thục bên một số tác phẩm tranh vải.
Họa sĩ Thanh Thục bên một số tác phẩm tranh vải.

Các họa sĩ gồm: Bùi Mai Hiên, Tào Thu Hương, Trần Thanh Thục, Nguyễn Thị Lan Hương, PGS, TS Trang Thanh Hiền, Trần Thảo Hiền, Nguyễn Ngọc Đan, Hồ Thị Xuân Thu, Ngô Đình Bảo Vi, Trần Thị Đào. Trong đó các họa sĩ tham gia lần đầu gồm Trang Thanh Hiền, Nguyễn Ngọc Đan, Nguyễn Thảo Hiền, Trần Thị Đào. Vẫn theo tiêu chí xuyên suốt qua các kỳ triển lãm, nhóm luôn rộng mở đón chào các tay cọ mới.

Họa sĩ Trần Thị Đào đến từ Đắk Lắk. Vốn được đào tạo về ngành y, nhưng đam mê hội họa từ nhỏ. Chị đã cố gắng học tập để theo đuổi đam mê của mình. Giờ đây, chị đi theo khai thác những thế mạnh của dòng tranh lụa, với lối vẽ tả thực. Ngô Đình Bảo Vi lại làm nên sắc thái mới cho tranh trúc chỉ ở Huế. Chị có duyên với dòng tranh này nhân một lần vào Lâm Đồng du lịch, gặp họa sĩ Phan Hải Bằng tổ chức triển lãm Trúc chỉ ở XQ Đà Lạt Sử quán. Cuộc gặp đó giúp chị bén duyên với tranh trúc chỉ. Bảo Vi đã bỏ luôn cả công việc kinh doanh đang khá phát đạt để tìm đến trúc chỉ.

Cũng “lận đận” vì yêu tranh, họa sĩ Bùi Mai Hiên từng nổi tiếng với dòng tranh sơn mài từ năm 1990. Chị còn tự thuê đất trồng cây sơn để làm tranh sơn mài. Chị mở ra cái nhìn mới về hội họa từ chất liệu này, đưa nghệ thuật truyền thống Việt Nam hòa nhập cùng dòng tranh đương đại thế giới. Năm 2014, chị chuyển sang chất liệu sơn dầu và acrylic với một bút pháp hoàn toàn khác, giã từ tư duy trừu tượng, quay trở về với phong cách hiện thực trên con đường khám phá bản thân. Chị đắm đuối với cảnh sắc vùng cao, nhất là Sa Pa (Lào Cai) và tiếp tục dấn thân với đề tài này. Năm 2022, Bùi Mai Hiên tổ chức triển lãm cá nhân có tên “Vô cực” gồm nhiều bức tranh nửa siêu thực, với một lối biểu đạt hoàn toàn mới.

Tranh của họa sĩ Hồ Thị Xuân Thu từ trước đến nay vẫn trung thành với chủ đề Tây Nguyên. Những chuyển động trong đời sống văn hóa, tinh thần của xứ sở cao nguyên, từ bung biêng lễ hội đến dung dị sinh hoạt thường ngày đều tự nhiên đi vào tranh của bà với hình tượng người phụ nữ làm chủ đạo. Không chỉ thành công trong nghiên cứu mỹ thuật tôn giáo, họa sĩ, PGS, TS Trang Thanh Hiền còn được biết đến là một nghệ sĩ say mê với đề tài mang tính biểu tượng về Thiền định trên chất liệu truyền thống như giấy dó, mực nho. Nguyễn Thị Lan Hương lại tha thiết với lối vẽ truyền thống, nhưng tươi rói cảm xúc. Người thưởng tranh có thể trải nghiệm cùng chị cảm giác được sống với nó, thắc thỏm nhìn ngắm, và xót xa khi những cuống hoa, cánh hoa không cưỡng nổi quy luật thời gian và sinh học…

Họa sĩ Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, mục tiêu chung của mỗi triển lãm là đoàn kết - sáng tạo. Đó cũng là môi trường để mỗi họa sĩ trao đổi và học tập lẫn nhau. “Tiêu chí cho nhóm triển lãm là các họa sĩ có cùng đam mê và nhiệt huyết sáng tạo, có sắc thái riêng. Nhờ đó sẽ tạo nên sự phong phú cho các cuộc triển lãm”, họa sĩ Lan Hương nhấn mạnh.

Những năm trước đây, nhóm còn tổ chức triển lãm, giao lưu ở nước ngoài. Triển lãm lần này giới thiệu 50 tác phẩm trên nhiều chất liệu. Chia sẻ về lần tham gia triển lãm này, họa sĩ Trần Thanh Thục - người từng để lại dấu ấn với người yêu hội họa ở dòng tranh cắt vải cho hay: “Mọi cuộc triển lãm đã tổ chức đều do các họa sĩ tự túc. Vì thế, ngoài việc lựa chọn chất lượng tranh, còn là cách chơi nữa. Từ đó chúng tôi tiếp lửa, nâng đỡ nhau trong cuộc sống và sự sáng tạo. Một thú vị khác, nhóm cũng không chốt danh sách cố định, mà hoạt động theo hướng mở. Với mỗi triển lãm, họ lại có thêm những cá tính hội họa mới”.

Mỗi người phụ nữ là một đóa hoa, và mỗi tác phẩm đặc sắc mà những đóa hoa kia nhân thêm, sáng tạo ra cũng là những bông hoa làm đẹp cho đời. “Chúng tôi mong rằng, triển lãm sẽ được đón nhận, từ đó có thể động viên nhóm chúng tôi tiếp tục sáng tạo, phát triển trên con đường nghệ thuật”, họa sĩ Trần Thị Đào chia sẻ.