1.Triển lãm do Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom phối hợp Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tổ chức từ ngày 26-4 đến 26-5, giới thiệu tới công chúng hơn 200 bức tranh, đa phần là ký họa được sáng tác trực tiếp trong chiến tranh. Trong đó có nhiều bức ký họa trực tiếp tại đường Trường Sơn những năm 1960 - 1975 của cố họa sĩ Đào Đức, cố họa sĩ Hoàng Đình Tài, các họa sĩ Trần Huy Oánh, Chu Thảo, Lê Trí Dũng, Phạm Lực, Nguyễn Đức Dụ.
Triển lãm còn trình chiếu các bộ phim tài liệu, video art, sắp đặt nghệ thuật dãy núi Trường Sơn gắn hình ảnh, nhật ký, hồi ký, thư tay của các nghệ sĩ… Đây là cuộc trưng bày nghệ thuật có quy mô lớn và dài ngày nhất từ trước tới nay tại Việt Nam về đề tài đường Trường Sơn - tuyến đường vận tải chiến lược mang tầm vóc lịch sử đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Ký họa chiến tranh cũng như ký họa Trường Sơn là thể loại đặc thù của hội họa Việt Nam và phần lớn các họa sĩ là những người lính, họ vẽ về chính cuộc sống chiến đấu của mình. Tình yêu hội họa và lòng yêu nước ở họ như hòa vào một và tự nhiên như hơi thở. Những bức ký họa chiến tranh cũng như ký họa Trường Sơn đều có cái giá của sinh tử, của mạng sống, cho nên đã hơn nửa thế kỷ nhưng khi xem vẫn cảm thấy như vừa vẽ xong, vẫn thấy “nóng”, vẫn thấy sống động đầy ắp không khí chiến đấu. Hơn 200 bức chỉ là một phần trong kho ký họa về cuộc kháng chiến, về đường Trường Sơn nhưng người xem vẫn thấy đầy đủ về cuộc sống và chiến đấu của những người lính, những thanh niên xung phong, những trọng điểm, những vùng đất… trên khắp nẻo của chiến trường Trường Sơn.
![]() |
Một cựu binh xúc động khi xem lại những hình ảnh, nhật ký về Trường Sơn.
2.Là giám tuyển của triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: Người xem sau khi xem triển lãm này giống như vừa được đọc xong lịch sử về Trường Sơn bằng hội họa. Đây là một sự kiện rất hay và ý nghĩa vì đã có nhiều sự kiện kỷ niệm đường Trường Sơn, bằng âm nhạc, nhiếp ảnh nhưng triển lãm hội họa nhân 60 năm đường Trường Sơn thì quả thật rất độc đáo. Còn nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - tác giả của Trường ca “Hành lang thép” đang được giới thiệu tại triển lãm nhận xét: Triển lãm được làm với một tinh thần, vừa cổ điển, vừa đương đại khi có những bức ký họa rất xưa cũ, nhưng lại có những video art, sắp đặt rất mới nên thật sự hấp dẫn. Và đặc biệt là những kỷ vật chiến tranh được trưng bày rất trang trọng tại triển lãm.
Có mặt tại triển lãm, cựu chiến binh Nguyễn Đình Sỹ (quê Thanh Hóa) nguyên là lính thông tin đoàn 559 Trường Sơn xúc động: Đã đi qua tất cả các binh trạm dọc Trường Sơn, tôi nghĩ rằng mình còn sống đến hôm nay và được dự triển lãm “Ký ức Trường Sơn” này là điều cực kỳ may mắn và hạnh phúc. Tôi như được quay trở lại với ký ức Trường Sơn, được sống lại những khoảnh khắc dữ dội và bi tráng.
Họa sĩ Nguyễn Đức Dụ, lính Trường Sơn đoàn 559, tác giả của nhiều bức ký họa ấn tượng tại triển lãm cho biết: Chúng tôi ở Trường Sơn những năm kháng chiến vô cùng khốc liệt, những đoàn xe, những đoàn hành quân chúng tôi đều theo sát và ghi chép một cách đầy đủ nhất. Những ký họa và những bức tranh sơn dầu về Trường Sơn hôm nay là kết tinh của một thời kỳ oanh liệt của tuổi trẻ Việt Nam.