Chi phí phát sinh tăng vọt
Cuối năm 2021, Công ty Đóng tàu Phà Rừng bàn giao tàu chở hàng rời Trường Nguyên Ocean trọng tải 23.500 tấn cho Công ty Trường Nguyên. Đây là một trong những tàu "khủng" được đóng và hoàn thành ngay giữa "vòng xoáy" của dịch Covid-19. Tổng Giám đốc Công ty Vũ Hữu Chiến cho biết, trong năm qua, do giãn cách xã hội, người lao động ở các vùng lân cận như Hải Dương, Quảng Ninh không đến làm việc được nên công ty bị thiếu hụt lao động. Bên cạnh đó, công ty phải gánh thêm các chi phí phòng, chống dịch cả vật tư và con người, chi phí sinh hoạt của người lao động khi thực hiện phương án sản xuất "ba tại chỗ",… Với nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, năm 2021 sản lượng và doanh thu của công ty vượt khoảng 3-5% so kế hoạch, thu nhập người lao động duy trì ổn định, bình quân khoảng 10-11 triệu đồng/tháng.
Đánh giá lại tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021, ông Cao Thành Đồng, Tổng Giám đốc SBIC cho biết, khi triển khai xây dựng kế hoạch, các đơn vị thành viên của SBIC không thể lường hết được sự khốc liệt của diễn biến dịch Covid-19. Trong bối cảnh bình thường, lao động ngành đóng tàu vốn đã thiếu, cộng thêm bị phong tỏa, lực lượng lao động càng thiếu hụt. Số lượng đơn hàng cũng giảm đi đáng kể, nhiều khách hàng tiềm năng dừng/hoãn dự án đầu tư, kể cả hoạt động sửa chữa tàu.
Một khó khăn lớn khác là nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất bị gián đoạn, giá vật tư tăng đột biến, nhất là giá thép đóng tàu tăng gần 50%; các chi phí sản xuất khác cũng tăng theo do giá vật liệu tăng, năng suất lao động giảm, thời gian lưu thông hàng hóa và phí vận chuyển tăng cao do phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện nay, việc tuyển dụng nhân lực tại các đơn vị, đặc biệt là lao động có tay nghề rất khó khăn, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nhân lực đóng tàu. Việc sử dụng nhân lực thầu phụ khiến gia tăng nhiều chi phí, làm giảm hiệu quả sản xuất.
Đối mặt các khó khăn, thách thức của thị trường và đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị đóng tàu đã chủ động tìm hướng đi mới với các dòng sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, giúp người lao động có việc làm, thu nhập, thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch đề ra. Sẵn sàng đóng tàu số lượng đơn chiếc đòi hỏi kỹ thuật cao trong mỗi đơn hàng để khẳng định năng lực và thâm nhập trở lại thị trường…
Gian nan giữ chân người lao động
Là thợ hàn bậc cao với thâm niên 18 năm trong nghề, anh Đỗ Xuân Giao, công nhân Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) từng được cử đi tu nghiệp ở Nhật Bản mấy năm, sau đó về làm việc tại nhà máy. Anh cho biết, thời kỳ khủng hoảng khiến "người khổng lồ" Vinashin sụp đổ hơn 10 năm trước cũng không ghê gớm như "làn sóng" dịch lần thứ tư vừa qua. Đặc thù nghề đóng tàu hết sức vất vả, anh em công nhân phải đứng cheo leo trên giàn cao làm việc, hoặc phải chui trong hầm tàu chật chội để hàn, thừa tiếng ồn, khói bụi và thiếu ánh sáng, khí thở. Ngành đóng tàu đào tạo thợ tay nghề kỹ thuật cao hơn nên rất dễ bị các doanh nghiệp cơ khí khác "hút máu", nguy cơ thợ bỏ việc rất cao nếu chế độ đãi ngộ không tương xứng. Trước đây, có nhiều nơi mời gọi anh về làm việc với thu nhập khá hơn nhưng anh vẫn không nỡ rời xa vì đã gắn bó thời gian dài với nghề, quen môi trường làm việc và được đơn vị tạo điều kiện làm việc.
Chủ tịch Công ty Saigon Shipmarin Đỗ Văn Khoa thổ lộ: Tác động tiêu cực của dịch đối với ngành đóng tàu quá khắc nghiệt, số lượng hợp đồng đóng mới và sửa chữa tàu giảm rất mạnh. Trước đây, công ty có 1.000 công nhân lao động, nếu tính cả quân số thầu phụ lên tới 1.500 người, nhưng hiện nay chỉ duy trì được khoảng 300 người, cả thầu phụ mới đến 500 người.
Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Nam Triệu Vũ Thanh Tùng cho hay, công tác tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất rất khó khăn do cạnh tranh nhân công gay gắt trên thị trường lao động thành phố Hải Phòng, một số khu công nghiệp lân cận đang phát triển nóng, môi trường làm việc tốt và thu nhập cao hơn hẳn nghề đóng tàu. Có thời điểm, gần 100 công nhân tự chấm dứt hợp đồng lao động. Khi công ty có việc, mời họ về lại cũng không được. Dù hết sức khó khăn, công ty cũng cố không để "lọt lưới" nguồn nhân lực khung gồm khoảng 60 kỹ sư tay nghề cao, để chuẩn bị khôi phục sản xuất cho giai đoạn tiếp theo.
Lo lắng trước thực trạng này, Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Phà Rừng Vũ Hữu Chiến cũng thổ lộ, Trường đại học Hàng hải mấy năm qua không có kỹ sư đóng tàu do sinh viên không đăng ký đầu vào, đây là tình trạng rất nguy hiểm khiến thiếu hẳn thế hệ kỹ sư đóng tàu kế tiếp. Sau này, khi thị trường vận tải biển hồi phục, có nhiều đơn hàng đóng tàu mới, sẽ hụt thợ tay nghề bậc cao để thiết kế, tổ chức thi công…
Công nghiệp tàu thủy là ngành công nghiệp lớn, liên quan mật thiết nhiều ngành công nghiệp khác, nhất là cơ khí, luyện kim, máy móc cơ khí thủy, điện, điện tử, tự động hóa,... Tuy tỷ suất lợi nhuận của ngành không cao, nhưng lại tác động lan tỏa lớn đến nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển. Vấn đề rất quan trọng của ngành đóng tàu là nguồn nhân lực, phải đáp ứng được tiến độ thi công để không bị "kéo giãn" hợp đồng, khiến doanh nghiệp bị thua thiệt. Để chuẩn bị đáp ứng xu hướng đóng tàu thế hệ mới, ngay từ bây giờ, các đơn vị phải chuẩn bị nguồn nhân lực tốt, sẵn sàng thích ứng tiến độ gắt gao do chủ hàng yêu cầu. Các doanh nghiệp đóng tàu mong mỏi Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý để thu hút, đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời ưu đãi về thuế, vay vốn ngân hàng,... tạo động lực thúc đẩy ngành phát triển.