Những con số... biết trước
Số liệu khảo sát việc làm sinh viên (SV) sau tốt nghiệp của Sở GD-ÐT Thanh Hóa vừa công bố khiến mọi người giật mình. Tính đến 20-2-2013, tỉnh này có 24.956 HS-SV (trong đó trình độ trên đại học là 45, tốt nghiệp ÐH 5.674) đã tốt nghiệp chưa có việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất là Sư phạm (3.762 SV), Công nghệ thông tin (3.650 SV). Nghệ An cũng không khả quan hơn, với 12.191 SV tốt nghiệp từ TCCN trở lên chưa có việc làm (trong đó có 3.047 ÐH, 4.042 CÐ). Ðợt thi tuyển công chức năm 2013 của Nghệ An chỉ tiêu chỉ 120 người nhưng gần 2.000 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Ngành thuế tuyển 53 chỉ tiêu, nhưng tới 2.500 SV đủ điều kiện dự thi (trong đó hơn 200 trường hợp tốt nghiệp loại giỏi - hệ chính quy); còn ngành giáo dục, chỉ tuyển 74 biên chế nhưng nhận được hơn 500.
Tại Bình Ðịnh, lượng hồ sơ dự thi ÐH, CÐ qua Sở GD- ÐT những năm gần đây lên đến hơn 50.000. Mỗi năm, chỉ riêng các trường ÐH, CÐ trên địa bàn tỉnh đã có hàng chục nghìn SV ra trường, chưa kể hệ trung cấp nghề và người Bình Ðịnh đi học ÐH, CÐ ở các nơi khác. Trong khi đó, chỉ tiêu biên chế vào các cơ quan hành chính và doanh nghiệp không nhiều, do đó cơ hội kiếm việc đã khó lại càng khó.
Theo công bố vừa qua của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Ðại học KHXH-NV (ÐHQG Hà Nội), có tới 26,2% số cử nhân chưa hoặc không tìm được việc làm. Trong đó 58,2% không biết xin việc ở đâu, 42% còn lại bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được yêu cầu. Và có lẽ ở nhiều tỉnh thành khác, dù có hay chưa điều tra nhưng chắc chắn số SV chưa có việc làm trên thực tế là không nhỏ.
Có nhiều cách lý giải nguyên nhân cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp không tìm được việc làm: do suy thoái kinh tế toàn cầu hay xã hội còn mang nặng tâm lý trọng bằng cấp, hướng nghiệp yếu kém, không dự báo được nhu cầu nguồn nhân lực...? Khách quan mà nói, có một phần từ những nguyên nhân trên, nhưng về chủ quan không thể phủ nhận trách nhiệm của những người làm công tác hoạch định chính sách chiến lược, với chức năng quản lý nhà nước những năm qua đã làm chưa tốt vai trò của mình.
Nếu trước đây xã hội quen với câu cửa miệng là "đào tạo không đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp", thì nay lại là vấn đề quy hoạch mở trường, mở rộng quy mô đào tạo, phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh chưa "chuẩn" của Bộ GD-ÐT. Lý giải vì sao việc phân luồng, hướng nghiệp không đạt được hiệu quả mong muốn, Phó Vụ trưởng Giáo dục Chuyên nghiệp Phạm Như Nghệ, cho rằng: Những năm gần đây, số học sinh tốt nghiệp THPT luôn giữ ổn định và có xu hướng giảm trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào ÐH, CÐ vẫn tăng, tổng chỉ tiêu của các loại hình đào tạo ÐH, CÐ luôn cao hơn số học sinh tốt nghiệp THPT. Khi tâm lý xã hội vẫn chuộng bằng cấp thì việc khó phân luồng để học sinh theo học các trường nghề, chuyên nghiệp cũng là điều dễ hiểu.
Chủ động hướng nghiệp
Hẳn nhiều người còn nhớ, năm ngoái nhiều trường ở tỉnh Vĩnh Phúc đã mạnh mẽ triển khai hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh THPT và đã rất hiệu quả. Thành công đó tiếp tục được phát huy trong năm nay. Chánh Văn phòng Sở GD-ÐT Vĩnh Phúc cho biết: Hiện các trường đang xúc tiến việc tư vấn làm hồ sơ dự thi ÐH, CÐ cho học sinh. Các giáo viên giới thiệu khái quát tình hình nghề nghiệp và những thông tin dự báo nguồn nhân lực trên địa bàn huyện, tỉnh để các em có sự lựa chọn phù hợp cho mình. Tại Trường THPT Trần Phú, TP Móng Cái (Quảng Ninh) cũng liên tục có những buổi tư vấn hướng nghiệp do giáo viên trực tiếp trao đổi về các ngành nghề mới, cách thức tìm hiểu thông tin về nghề, trường, ngành dự thi thông qua các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn. Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú Doãn Văn Toàn cho rằng: "Lựa chọn nghề rất quan trọng vì theo các em cả cuộc đời. Ngoài sở thích, năng lực để mình theo nghề đó cũng quan trọng không kém, không hẳn cứ muốn là được. Thế nên tôi thường xuyên nhắc nhở giáo viên định hướng các em chọn ngành thi không thể bằng cảm tính, hiểu biết hời hợt, mà phải lựa chọn thật kỹ, cân nhắc trước sau bằng cả khả năng và niềm đam mê của mình. Chỉ tiếc rằng những trường làm tốt công tác hướng nghiệp, để HS có lựa chọn đúng đắn trong việc "chọn lối vào đời" còn chiếm số ít". Cũng như vậy, nhiều trung tâm cung ứng dự báo nguồn nhân lực mới được thành lập, Bộ GD-ÐT cũng có một trung tâm hoạt động nhiều năm nay. Nhưng tiếc rằng, có vẻ như vai trò dự báo theo tiêu chí đề ra chưa được như mong muốn, còn nặng tính hình thức.
Khi các cơ quan quản lý nhà nước còn đang lúng túng về giải pháp thực hiện công tác hướng nghiệp, những chủ trương về quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực vẫn còn bất cập, không có cách nào tốt hơn là các nhà trường phải tự giúp mình và học sinh của mình. Ðây cũng là bài học kinh nghiệm được rút ra từ Vĩnh Phúc, như Giám đốc Sở GD-ÐT Hoàng Minh Quân chia sẻ: "Hướng nghiệp không chỉ là giúp người học hiểu biết về xu hướng ngành nghề. Vĩnh Phúc đã quán triệt tinh thần này đến từng học sinh, phụ huynh để nhà trường cùng gia đình tư vấn giúp đỡ các em đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất cho mình. Muốn thế, chúng ta cần cảm thông và thấu hiểu để chia sẻ với những băn khoăn của con em mình".
* Bộ trưởng Bộ GD-ÐT Phạm Vũ Luận:
Bên cạnh nguyên nhân đào tạo không theo nhu cầu, thiếu sự thông tin, liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động, còn có một tâm lý rất đáng quan ngại, đó là chạy theo ngành nghề đang được đánh giá cao mà không tính đến khả năng tìm được việc làm sau khi ra trường. Một trong các giải pháp là từ năm 2013 tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa "đầu ra" như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán... đồng thời kiến nghị Thủ tướng xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này.
* PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội):
Ở các nước có nền giáo dục phát triển thì sau THCS sẽ phát triển theo hai nhánh, là theo học THPT có tích hợp dạy nghề và nhánh còn lại là học THPT truyền thống. Nhưng ở Việt Nam, người học không muốn đi theo hướng học nghề bởi người ta vẫn chuộng bằng tốt nghiệp THPT hơn và lên bậc cao hơn thì lại tham vọng kiếm tấm bằng đại học bằng mọi giá. Do đó muốn thực hiện tốt phân luồng, trước tiên xã hội phải thay đổi cách quan niệm về bằng cấp. Cần phải xác định học để lấy kiến thức, có thể làm việc kiếm sống chứ không nên suy nghĩ là chỉ nhằm lấy tấm bằng.