Chơi tranh Tết

NDO - Chơi tranh Tết là phong tục cổ truyền và là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Vừa hồn nhiên, sống động, vừa lắng đọng, đậm đà hồn dân tộc, tranh Tết thể hiện tính thẩm mỹ và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, trong gia đình người Việt thường có tranh treo để cảnh sắc thêm vui tươi, rực rỡ, con người thêm hân hoan, sảng khoái. Tranh Tết là hình ảnh cô đọng của sinh hoạt hằng ngày - người ta thường ngắm nó mà nhớ lại năm qua và hình dung những việc sẽ làm trong năm tới. Tranh Tết còn thể hiện rõ ước vọng về một cuộc sống thuận hòa, hạnh phúc cùng khát khao hướng tới chân - thiện - mỹ.

Tranh Tết có đủ loại, dùng cho nhiều đối tượng và mục đích: tranh thờ, tranh đố, tranh cầu lộc, tranh người lớn, tranh trẻ em... Những gia đình trí thức thường thích tranh bộ: nhị bình - hai bức (như chim công múa - cá chép trông trăng), tứ bình - bốn bức (như mai - lan - cúc, trúc, tượng trưng cho bốn mùa hoặc bốn tố nữ chơi đàn - thổi sáo - gõ phách, ca hát). Nhiều người lại chuộng tranh Trung Quốc vẽ những điển tích trong các pho truyện nổi tiếng: Chính đông - chính tây, Tam quốc diễn nghĩa...

Bà con nông dân thường thích treo những bức tranh dân gian thuộc nhiều đề tài khác nhau. Ngoài cổng, có nhà dán hai bức tranh: một bên là ông Tiến Tài, bên kia là ông Tiến Lộc và đều mặc quần áo kiểu quan văn, mỗi vị mang một tấm biển (Tiến Tài, Tiến Lộc) - với mong ước năm mới sẽ làm ăn phát đạt. Có nhà thì dán cặp tranh thần Vũ Ðinh và Thiên Ất, đều mặc võ phục, cầm long đao, mặt đỏ, mắt xếch, trông rất uy nghi - với quan niệm xua đuổi ma quỷ, không cho những kẻ xấu vào nhà.

Trong nhà thì treo các bức tranh tươi sáng, xinh xắn và ngộ nghĩnh. Tranh Gà trống sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho ngũ quý - năm đức tính quý báu: văn (vẻ đẹp, mào gà), vũ (cựa gà, vũ khí), nhân (biết thương yêu đồng loại, kiếm được thức ăn ngon là gọi bầy đàn đến), dũng (gặp kẻ thù là sẵn sàng giao chiến), tín (hằng ngày gáy báo giờ rất đúng, giữ chữ 'tín' từ hành động bình thường nhất). Tranh Mẹ con đàn gà và Mẹ con đàn lợn thể hiện cảnh sinh hoạt dân dã cùng mơ ước gia đình đông vui, hòa thuận.

Loại tranh lịch sử như Trưng Trắc cưỡi voi đuổi giặc, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Ðinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận... cũng rất được ưa chuộng trong dịp Tết vì nó tạo cảm giác oai hùng và niềm tự hào về đất nước. Gia đình có nhiều trẻ con thường treo các tranh : Phú quý (vẽ hình đứa bé tóc trái đào, đang giữ con vịt), Vinh hoa (đứa bé ôm con gà trống), Thất đồng (bảy cậu bé đang hồn nhiên hái quả), Tử tôn vạn đại (bốn em bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)...

Ðặc biệt, từ lâu con rồng đã trở thành đề tài phổ biến, hấp dẫn của tranh Tết, biểu tượng cho tính cao cả, mạnh mẽ và sự thành đạt vẻ vang. Rồng là đối tượng cuốn hút mãnh liệt cảm hứng sáng tác của các họa sĩ. Có loại tranh rồng thuần túy (một rồng hoặc nhiều rồng). Có loại tranh rồng tổng hợp như rồng và phượng, rồng và người, rồng phun nước, rồng phun lửa... Tranh rồng thường là tranh thờ hoặc tranh chơi, với nền phông phổ biến vẽ mây hoặc nước. Tranh Lưỡng long triều nhật (đôi rồng chầu mặt trời), Lưỡng long triều nguyệt (đôi rồng chầu mặt trăng), tượng trưng cho sự hoàn hảo, cân bằng của vũ trụ và nhân gian. Tranh Lý ngư hóa long diễn tả sự thành công mỹ mãn, giống như truyền thuyết cá chép hóa rồng. Tranh Cửu long tranh châu vẽ chín con rồng đang vờn quanh một viên ngọc như là chín vị anh hùng đang đọ tài để tranh đoạt một vật báu. Tranh Phụng long khắc họa cảnh quấn quít giữa rồng và phượng - tiêu biểu cho hạnh phúc của một cặp vợ chồng. Tranh Múa rồng thật tưng bừng với cảnh rước hình rồng và nhảy múa - một trò chơi phổ biến trong những ngày lễ, Tết truyền thống. Tranh Ðinh Bộ Lĩnh cưỡi rồng qua sông thì diễn tả sự tích lịch sử độc đáo: thuở nhỏ, Ðinh Bộ Lĩnh vì giết trâu của chú khao bạn bè nên bị chú đuổi đánh. Chạy đến bờ sông, đang lúc cùng đường, bỗng một con rồng vàng nổi lên cõng Ðinh Bộ Lĩnh sang sông. Người chú kinh ngạc, cho đó là điềm báo hiệu cháu mình sau này sẽ làm vua, liền chắp tay lạy liên hồi. Bức tranh vẽ một con rồng vàng đang gồng mình bơi qua sông, trên lưng là Ðinh Bộ Lĩnh với nét mặt oai nghiêm nhìn ông chú khúm núm vái lạy...

Ở nước ta có nhiều nơi làm tranh Tết, nhưng nổi tiếng nhất là phố Hàng Trống (Hà Nội) và làng Ðông Hồ (Bắc Ninh). Tranh Hàng Trống thuộc loại tranh thờ (vẽ hổ, rồng, thần thánh...), kỹ thuật làm kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ với việc tô mầu phẩm bằng tay, dùng bút mềm quết phẩm nước, tạo được nhiều sắc mầu lung linh, rực rỡ. Tranh Ðông Hồ rất đa dạng và được in bằng tay trên bản gỗ nổi, giấy in là giấy dó, quét phủ một lớp điệp, mầu in chế từ các nguyên liệu tự nhiên (mầu đen chế từ lá tre khô, vàng từ hoa hòe hay quả dành dành, xanh từ lá chàm, trắng từ vỏ sò nghiền mịn, đỏ tươi từ bột son...). Nhìn chung, kỹ thuật  làm tranh Tết khá phức tạp, đòi hỏi các nghệ nhân phải thật khéo léo, sáng tạo.