Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2022

Chờ mỹ thuật trẻ tự tin “cất giọng”

Thấp thỏm chờ đợi sau hai năm nhưng trong “bữa tiệc” của mỹ thuật trẻ vừa bày ra cho công chúng thưởng thức, hầu như vẫn thiếu những món mới, khác lạ như mong đợi.
0:00 / 0:00
0:00
Điêu khắc sắt “Lũ thượng nguồn 2” một trong ba tác phẩm đạt giải nhất tại Festival.
Điêu khắc sắt “Lũ thượng nguồn 2” một trong ba tác phẩm đạt giải nhất tại Festival.

1/Festival mỹ thuật trẻ lần thứ 6 trình làng các tác phẩm được sáng tác trong hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Theo kỳ vọng, đây là quãng thời gian xã hội có những biến cố lớn, tạo khoảng lặng và cơ hội để các tác giả từ 18-35 tuổi chiêm nghiệm và thể hiện.

126 tác phẩm/bộ tác phẩm của 102 tác giả đã được tuyển chọn để trưng bày và trao giải từ 512 tác phẩm của 216 tác giả tại 40/63 địa phương gửi về tham dự. Qua đó, 27 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm được trao giải thưởng (28 tác phẩm) với 3 giải nhất, 6 giải nhì, 9 giải ba và 10 giải khuyến khích. Các tác phẩm được trao giải chủ yếu thuộc về các thể loại mỹ thuật truyền thống như hội họa, điêu khắc, đồ họa vẫn mang ngôn ngữ thể hiện cũ, chưa mang tính đột phá. Vẫn như kỳ liên hoan trước, các thể loại nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, video art… có rất ít tác phẩm tham gia và chỉ có một giải nhì cho video art “Vô sinh” của nhóm tác giả tại TP Hồ Chí Minh và một giải ba cho tác phẩm sắp đặt “Trói” của tác giả Trịnh Thu Vân (Hà Nội).

Chờ mỹ thuật trẻ tự tin “cất giọng” ảnh 1

Tiếng nói đương đại trong một tác phẩm trưng bày.

2/Khá hiếm những yếu tố đột phá nên giải thưởng thuộc về các tác phẩm được sáng tác công phu và thể hiện ý tưởng mới trên các chất liệu cũ. Như tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu sắt uốn “Lũ thượng nguồn 2” của Trần Đình Thắng (giải nhất). Phải mất nửa năm để anh sắp xếp, uốn và đan xen những thanh sắt với nhau mô tả dòng lũ cuồn cuộn như những trận lũ lụt lịch sử tại quê nhà Quảng Bình. Cũng với chất liệu truyền thống, hai tác phẩm đạt giải nhất khác là “Tâm” (Lâm Tú Trân - hội họa trên lụa) và “Lặp” (Phạm Thùy Dương - đồ họa trên vải lanh). Phạm Thùy Dương vừa tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, in đồ họa những công đoạn làm vải thủ công truyền thống của H’Mông lên các dải lanh dài được treo thành khung cửi tạo được yếu tố thị giác mới cho người xem. Lâm Tú Trân thể hiện quan niệm đương đại trên chất liệu lụa, với những suy nghĩ khá già dặn, trăn trở, đầy tâm trạng trong góc nhìn cuộc sống 4.0 hiện nay.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Festival nhận xét, có thể nói, đến Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần thứ 6 này, những người trẻ đã đủ tự tin và can đảm để vào cuộc. Họ cất giọng ở mọi chất liệu khác nhau, chia sẻ cách nhìn khác nhau về xã hội Việt đương đại. Các họa sĩ trẻ không ngần ngại lựa chọn những đề tài khó, những câu chuyện khó để bộc lộ trên tác phẩm. Đấy là sự can đảm đáng yêu của những người trẻ dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, ông cho biết, lối “kể chuyện” của các nghệ sĩ trẻ vẫn còn cũ kỹ, chọn cách thể hiện an toàn và chưa tìm được tiếng nói của đương thời. Festival lần này cũng chưa hội tụ đầy đủ những người trẻ khác, những người đang còn băn khoăn chưa dám “lộ diện” tại sân chơi đã rất tự do để bất kỳ ai cũng có thể “cất giọng”.

3/Nhìn rộng ra, Festival mỹ thuật trẻ giúp các nhà quản lý nghệ thuật và xã hội có cái nhìn cụ thể hơn nữa về mỹ thuật và nguồn lực mỹ thuật, qua đó xây dựng một thương hiệu mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhưng thực tế, Festival lần này chưa thể hiện đầy đủ bộ mặt của mỹ thuật trẻ nước nhà. Một phần bởi, bên cạnh liên hoan thường kỳ do Nhà nước tổ chức, trong những năm trở lại đây xuất hiện khá nhiều “sân chơi” thu hút các nghệ sĩ trẻ tham gia. Các “sân chơi” này được đầu tư chuyên nghiệp, thậm chí có nơi cung cấp nguồn tài trợ tốt cho nghệ sĩ sáng tạo. Trong khi, kinh phí hạn hẹp của Nhà nước khó có thể đầu tư sâu hơn để động viên các nghệ sĩ tham gia đông đảo. Có nhiều ý tưởng hay không thể trở thành tác phẩm do hạn chế về kinh phí, do không có nguồn tài trợ. Ngay trong việc tổ chức triển lãm, do không có không gian chuyên nghiệp (vẫn tổ chức tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam), nên còn hạn chế trong việc trưng bày.

Bên cạnh đó, ở khía cạnh khác, nhiều nghệ sĩ còn e ngại bởi môi trường mỹ thuật còn chưa an toàn khiến họ chưa tự tin để “cất giọng”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định, thị trường mỹ thuật Việt Nam đang có nhiều bất cập. Trong đó, nạn tranh giả chưa chấm dứt được khiến người yêu tranh lo ngại. Chính điều đó cản trở xu thế của mỹ thuật Việt Nam hội nhập với thế giới cũng như làm chậm sự phát triển của công nghiệp văn hóa trong đó có mỹ thuật.

Qua sự kiện thường kỳ này, có thể thấy mỹ thuật Việt Nam đang rất cần sự chung tay từ các nhà quản lý, hội nghề nghiệp cho đến cá nhân các nghệ sĩ và công chúng với những hành động cụ thể nhằm khơi gợi, động viên và thúc đẩy hơn nữa để những người trẻ trong giới cùng đồng thanh “cất tiếng”.

Festival mỹ thuật trẻ lần thứ 6 năm 2022 diễn ra từ ngày 19/8, các tác phẩm được tiếp tục trưng bày đến hết ngày 28/8 tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, Hà Nội).