Chiến lược niêm yết

Thoạt nhìn, việc niêm yết vào thời điểm thị trường chứng khoán (TTCK) không sôi động có thể khiến doanh nghiệp (DN) bị thiệt thòi vì định giá cổ phiếu (CP) sẽ thấp, nhà đầu tư (NĐT) không mặn mà… Nhưng trong thực tế, cần xem xét một cách tổng thể về vấn đề này để hướng đến việc tối ưu hóa lợi ích cho tất cả các bên.
0:00 / 0:00
0:00

Cần nhấn mạnh rằng, niêm yết không chỉ hướng đến mục tiêu CP có giá cao, và quyền lợi của cổ đông cũng không chỉ có việc bán ra giá tốt. Việc niêm yết còn đem lại những lợi ích bao gồm thanh khoản của CP, sức ép minh bạch, động lực để phát triển trong dài hạn, việc DN trì hoãn niêm yết với lý do TTCK không thuận lợi có thể làm ngưng trệ những lực đẩy này. Hoạt động niêm yết thường gắn với chiến lược hoạt động của DN, vì vậy trì hoãn niêm yết cũng có thể khiến chiến lược của DN phải thay đổi. Chẳng hạn, cổ đông chờ đợi DN niêm yết để minh bạch thông tin nhiều hơn, thì nếu chưa niêm yết, DN sẽ không chịu nhiều ràng buộc cũng như các thông lệ về công bố thông tin, như vậy cổ đông cũng phần nào bị ảnh hưởng. Một khía cạnh khác là thanh khoản, có thể niêm yết lúc trầm lắng, CP bán không được giá, nhưng với NĐT có nhu cầu về thanh khoản thì việc niêm yết cũng có thể giúp cổ đông giao dịch CP thuận lợi hơn.

Nói đến đây sẽ thấy cần tách bạch và định lượng giữa lợi ích của việc niêm yết hay không niêm yết trong bối cảnh thị trường không thuận lợi. Ban lãnh đạo DN nên hướng đến việc phải phân tích thật sự rõ ràng giữa việc niêm yết và không niêm yết sẽ đem lại lợi thế, bất lợi gì cho cổ đông. Làm như vậy, DN mới có thể bảo đảm lợi ích cho số đông chứ không chỉ cho một bộ phận cổ đông nhất định. Dưới góc độ là cổ đông nhỏ lẻ, các NĐT cũng có thể lên tiếng yêu cầu DN giải thích vì sao trì hoãn niêm yết và thậm chí nếu không đồng ý thì có thể đòi hỏi quyền lợi cho mình. Ở đây cũng cần phải đặt vấn đề cho rõ là liệu DN không niêm yết có phải vì lý do thị trường không thuận lợi, hay gặp những vấn đề khác, thí dụ như hồ sơ niêm yết chưa hoàn tất, mà nếu như vậy thì phải xem lại năng lực.

Điều cuối cùng phải lưu tâm, niêm yết là một chiến lược dài hơi và như vậy tầm nhìn sẽ phải là dài hạn. Cả DN và đơn vị tư vấn niêm yết sẽ phải có sự chuẩn bị chu đáo thay vì chỉ canh chừng lúc nào thị trường thuận lợi. Việc dự báo TTCK ngắn hạn có thể khó, nhưng trung và dài hạn sẽ không quá thách thức. Nghĩa là ở đây, DN và đơn vị tư vấn có thể chọn một khoảng thời gian thuận lợi và đặt quyết tâm niêm yết bằng được, thay vì chỉ nói chung chung theo kiểu “sẽ niêm yết” hoặc “sớm niêm yết”. Và để chu đáo với cổ đông hơn nữa, DN cũng có thể lên kịch bản, trong trường hợp TTCK diễn biến theo kịch bản 1, 2, 3 gì đó thì hoạt động niêm yết sẽ có lộ trình a, b, c… để cổ đông sẽ tránh rơi vào tình huống bị động.