Chiến lược “động”

Sự sa sút của hai doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán lẻ là Thế giới di động (trực tiếp) và Tiki (trực tuyến) đang bộc lộ những dấu hiệu sa sút chỉ trong thời gian ngắn đã đặt ra dấu hỏi lớn về chiến lược cho nhiều doanh nghiệp trong ngành.
0:00 / 0:00
0:00

Cửa hàng Điện máy xanh Phú Lâm, nằm ở một trong những khu vực đông đúc và đắc địa bậc nhất giữa Quận 6 và quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), cách đây chưa lâu vẫn còn rất đông đúc thì hiện đã đóng cửa.

Không quá khó để nhận ra lý do mà Thế giới di động và Điện máy xanh đóng cửa một loạt cửa hàng, đó là không hiệu quả về mặt kinh doanh, tiền thuê mặt bằng quá cao. Từ chỗ liên tục miễn phí vận chuyển, giờ đây Tiki thắt chặt hầu bao, tính trọng lượng từng món hàng để cho ra phí vận chuyển, các chương trình giảm giá, khuyến mãi của sàn thương mại điện tử (TMĐT) này cũng không còn sôi động như trước. Nhiều người vốn là khách hàng trung thành của Tiki giờ chuyển hẳn sang các sàn TMĐT khác giá rẻ hơn, được miễn phí vận chuyển.

Những câu chuyện nêu trên chỉ ra rằng, bán lẻ dù trực tuyến hay trực tiếp thì nếu sai lầm vẫn sẽ gặp khó khăn. Với Thế giới di động, việc đóng các cửa hàng mới bắt đầu trong năm nay có thể nói là quá muộn khi phải gánh chi phí cao trong suốt cả năm 2022 mà kinh doanh không hiệu quả. Với Tiki, việc siết chi phí lại tiến hành quá đột ngột, nghĩa là không chuẩn bị đủ nguồn lực để “đua” với các đối thủ khác hoặc không có sự chuyển đổi một cách bài bản và phù hợp.

Xu hướng chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến trong bán lẻ là rất rõ ràng, nhưng chỉ trực tuyến là chưa đủ mà phải có bài bản, chiến lược phù hợp. Mặt khác, không phải tất cả đều trực tuyến khi vẫn có những ngành nghề, mặt hàng bán lẻ truyền thống vẫn có thể bán trực tiếp. Đơn cử như trong mảng siêu thị, bách hóa, những cái tên như Co.opmart hay Aeon Mall vẫn thu hút đông đảo và ổn định khách hàng đến các siêu thị của mình. Và còn nhớ 10-15 năm trước, khi những cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini mọc lên như nấm, đe dọa vị trí của các chợ truyền thống thì hiện tại các chợ truyền thống, cửa hàng bách hóa vẫn sống khỏe, chỉ những “tân binh” kia gặp khó khăn.

Với thách thức của các hệ thống bán lẻ như Thế giới di động, thực tế không phải cứ đóng cửa hàng là xong, vì đóng cửa hàng thì độ phủ sóng, độ nhận diện của thương hiệu sẽ có nguy cơ giảm đi. Như vậy, đóng cửa hàng thì có thể giảm chi phí, nhưng rủi ro kèm theo có thể là giảm cả doanh thu, dẫn đến khả năng chưa chắc cải thiện được lợi nhuận. Cần biết rằng, doanh thu cũng rất quan trọng với hệ thống bán lẻ, vì đó là cơ sở để nhà bán hàng thỏa thuận với các nhà sản xuất về giá đầu vào, qua đó tối ưu hóa các loại chi phí để cho ra lợi nhuận tốt nhất. Tất cả các thách thức này chỉ ra rằng, doanh nghiệp sẽ phải có chiến lược động, theo từng giai đoạn để thích nghi thay vì chỉ “một màu” như trước. Chiến lược động vẫn sẽ có một tầm nhìn xuyên suốt, nhưng phải luôn chuẩn bị những kịch bản để thay đổi nếu các biến số bên ngoài thay đổi. Có như vậy mới có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.