Chiến công hàng nghìn bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ

Tại triển lãm ảnh “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ”, nhiều người không khỏi xúc động trước bức ảnh “Tấn công lên đồi Him Lam, trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ” của ông. Giữa bóng các chiến sĩ chớp nhoáng lướt qua khuôn hình, xung phong diệt địch, có cả hình ảnh những người trúng đạn ngã xuống.
0:00 / 0:00
0:00
Đánh chiếm đồi A1, cái đinh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TRIỆU ĐẠI
Đánh chiếm đồi A1, cái đinh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TRIỆU ĐẠI

1/Đây là một trong 70 bức ảnh tại triển lãm được lựa chọn từ hàng nghìn khoảnh khắc quý giá trong chiến dịch Điện Biên Phủ được người phóng viên chiến trường Triệu Đại ghi lại. Ông là phóng viên duy nhất có bộ ảnh hoàn chỉnh về chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc mở màn cho đến ngày toàn thắng.

Sinh năm 1920, nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại học nghề nhiếp ảnh từ những năm 1941 tại Central photo ở Hà Nội, thuộc lớp những nhà nhiếp ảnh cách mạng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đảm nhận công tác phóng viên mặt trận từ năm 1947, ông tham gia hầu hết các chiến dịch của quân đội ta. Năm 1953, sau đợt chỉnh quân chính trị, ông được Bộ Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp điều động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến công hàng nghìn bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ ảnh 1

NSNA Triệu Đại.

Những hình ảnh cảm động và chân thực của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ được ông ghi lại rất phong phú. Từ lúc mở đường cho chiến dịch đến lúc liên hoan mừng chiến thắng. Giữa trận chiến khốc liệt, sống chết trong gang tấc, các khoảnh khắc không bao giờ lặp lại, ông đã dũng cảm xả thân, thao tác rất nhanh, chính xác. Các bức ảnh ông chụp có bố cục chặt chẽ và nghệ thuật, ghi lại chân thực diễn biến của chiến trường, toát lên tinh thần chiến đấu anh dũng của bộ đội ta. Suốt chiến dịch, dù luôn ở những điểm nóng nhất nhưng ông chỉ bị thương một lần khi bị bom đánh sập hầm.

Chiến công hàng nghìn bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ ảnh 2

Nhiều bức ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ được công bố lần đầu .Ảnh: ANH QUÂN

2/Có mặt tại triển lãm, Đại tá nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng chia sẻ, khi tôi về Báo Quân đội Nhân dân thì ông đã thành danh lâu rồi. Tôi coi ông là người thầy của mình, bởi đã học được rất nhiều từ ông mặc dù ông chưa dạy tôi một ngày nào cả. Ông là con người rất cá tính và yêu nghề. Tôi chờ đợi cuộc triển lãm này đã rất lâu rồi, đây là cuộc triển lãm ảnh ý nghĩa nhất, chất lượng nhất về Điện Biên Phủ. Những khoảnh khắc ông ghi được trong thời điểm ấy là phim đen trắng nên rất thật, rất chính xác. Từng bức ảnh ở đây đều rất có giá trị và ông xứng đáng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những cống hiến đó.

Nói về bức ảnh Triệu Đại chụp quân ta tiến công đồi Him Lam, Đại tá Nguyễn Thành Hữu, cán bộ nghiên cứu lịch sử của Bộ Tổng tham mưu cho biết, ngày 13/3/1954, trận Him Lam bắt đầu và chỉ mất có 2 tiếng đồng hồ thì cứ điểm địch đã bị san phẳng. Nhưng nếu như không có bức ảnh này thì mọi người không thể biết để có thời khắc lá cờ tung bay trên cứ điểm, 100 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và 200 chiến sĩ bị thương. Tất cả chiến thắng đều phải xây bằng lòng quả cảm, sự hy sinh của biết bao nhiêu người.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại mất năm 1992. Với những cống hiến có giá trị to lớn của mình ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước đợt 1 năm 2001. Triển lãm ảnh “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ” trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đến hết ngày 12/5/2024.

Hàng nghìn bức ảnh chiến dịch Điện Biên Phủ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại là một tập biên niên sử bằng ảnh rất có giá trị cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt bức ảnh Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” phất cao trên nóc hầm De Castries của ông đã trở thành biểu tượng chiến thắng chủ nghĩa thực dân của nhân dân Việt Nam và của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Nói về Triệu Đại, sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét:”Tôi đánh giá cao về anh Triệu Đại, những bức ảnh về Điện Biên Phủ của anh rất tốt. Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại...”.