"Chìa khóa thần kỳ" mở cửa những trái tim

"Con ước được hoàn toàn tự do", "Mong muốn của con là có thể nói lên suy nghĩ của mình mà không làm tổn thương người khác, nhất là mẹ"… Năm nào, tại mỗi khóa của Lớp học văn Hạnh phúc, cô Hà Việt Anh cũng dành ra một buổi để các bạn nói lên ước mơ của mình. Và những điều các bạn học sinh lớp ba, lớp bảy viết ra, đôi khi, vẫn khiến người lớn ngỡ ngàng…
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết học của Lớp học Văn hạnh phúc.
Một tiết học của Lớp học Văn hạnh phúc.

Lớp học "chuộc lỗi"

-Trở về nước sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ và Văn học tại LB Nga, chị đã từng công tác tại nhiều tòa soạn báo. Điều gì khiến chị chuyển sang nghề giáo?

- Chia sẻ thật lòng, mình giống như đang "sám hối". Ngày trước, khi còn bận rộn với công việc thư ký tòa soạn tạp chí Mẹ và bé, mình hoàn toàn mất kết nối với con trai lớn, khi bạn ấy bước vào lứa tuổi teen. Mặc dù bản thân đã gặp và lắng nghe rất nhiều câu chuyện của các phụ huynh về các khó khăn của họ khi giao tiếp với con, thậm chí có thể cho họ thật nhiều lời khuyên, nhưng không ít lần mình phải kêu lên với chồng: "Nó làm em phát điên!". Sau này, mình mới hiểu, trong lúc ấy có lẽ con mình cũng đang khổ sở kể với ai đó: "Mẹ làm mình phát điên!".

Thật may, mình đã "sửa sai" ngay với bạn thứ hai. Nhưng, cảm giác có lỗi với con lớn vẫn nguyên đó! Quay ngược thời gian là điều không thể, nên mình quyết định mở ra Lớp học văn Hạnh phúc, mong nơi này trở thành nơi an toàn cho các bạn học sinh, đồng hành với các bạn trên chặng đường trưởng thành, trở thành nhịp cầu kết nối các bạn với bố mẹ-những người luôn yêu thương các bạn nhưng do cuộc sống mưu sinh bận rộn và sự khác biệt về thế hệ mà sự kết nối dần đứt gãy.

Nếu không được lắng nghe và thấu hiểu, sẽ có rất nhiều em phải trải qua giai đoạn tuổi teen một cách chống chếnh, cô đơn.

- Vì sao lại là Lớp học văn Hạnh phúc, thưa chị?

- Ban đầu mình chọn tên là Lớp học Hạnh phúc, với định hướng mở ra một nơi để các em được học về những giá trị nhân văn mà UNICEF đã nêu: Hòa bình, bao dung, hợp tác, trung thực, khiêm tốn, dũng cảm,.... Thông qua những buổi chuyên đề, mình muốn giúp các bạn xác định được giá trị cốt lõi của bản thân, để tự tin vươn lên và trưởng thành, đồng thời có thể hiểu và hòa hợp với những người chung quanh.

Mình gọi đó là những khóa học hạnh phúc. Chúng ta tự tin thì chúng ta sẽ hạnh phúc. Sự tự tin được xây dựng trên nền tảng hiểu cặn kẽ về bản thân, nhận ra được những điểm còn chưa hoàn thiện để thay đổi, biến mình trở thành một phiên bản tốt hơn so với chính mình của ngày hôm qua.

Sau đó, mình nhận ra thêm một nhu cầu nữa của học sinh Việt Nam, đó là viết văn. Việc luôn phải viết theo văn mẫu khiến các bạn nhỏ dần mất đi khả năng sáng tạo, sợ và ngại viết văn. Mình quyết định tích hợp dạy văn vào lớp học giá trị sống. Và khóa học được đổi tên thành Lớp học văn Hạnh phúc. Các con sẽ được trang bị thêm tư duy ngôn ngữ, làm cho các con yêu hơn tiếng mẹ đẻ của mình. Chủ yếu mình mang đến cho các con tư duy gợi mở, tức là dạy các con cách quan sát, lắng nghe để các con có thể phát huy tối đa các giác quan của mình trong việc viết văn. Thí dụ như với đề văn: Hãy tả mẹ hay hãy tả cơn mưa, mình muốn giúp các con viết dựa trên những cảm nhận, những quan sát rất cá nhân. Cho nên trong lớp học có 20 bạn thì mình sẽ nhận được 20 cơn mưa rất khác nhau, 20 người mẹ hiện lên sống động tuyệt vời qua từng trang giấy.

Thấu cảm, đừng phán xét

- Có đề tài nào chị đặc biệt ưu tiên trong các buổi dạy của mình không?

- Có chứ! Ước mơ luôn luôn là một đề tài không thể thiếu trong mỗi khóa học.

Các con ở những độ tuổi khác nhau sẽ có những ước mơ rất khác nhau, và chính các con của năm học này có lẽ cũng khác với các con của năm học sau. Nhưng cũng có những bạn rất kiên định: Năm lớp ba các bạn ước mơ trở thành nhà thiên văn học, và đến năm lớp tám các bạn vẫn theo đuổi ước mơ đó.

Ở độ tuổi nhỏ, ước mơ về nghề nghiệp của các bạn thường bị ảnh hưởng bởi các hình ảnh khuôn mẫu lý tưởng mà các bạn thường gặp. Nhưng với các bạn lứa tuổi teen hiện tại, có lẽ từ "ước mơ" gần hơn với những mong muốn, những khao khát. Các bạn bắt đầu "già" đi, không còn tin vào những Ông già Noel, vào những phép màu nữa.

Một bạn lớp bảy đã viết về mong muốn khát khao tột cùng là… phải có thật nhiều tiền. Bạn ấy lập luận: "Người ta cứ nói rằng tiền không mua được hạnh phúc và sức khỏe, nhưng em thấy là có tiền chúng ta mới có thể chữa bệnh. Vậy là rõ ràng tiền mua được sức khỏe. Tình yêu có thể không mua được trực tiếp bằng tiền, nhưng nếu có tiền, mình có thể chăm sóc cho người mình yêu thương đầy đủ và chu đáo hơn, và như vậy tất cả đều vui vẻ và hạnh phúc". Lập luận ấy không phải không có lý, nhưng lại cần làm rõ cùng bạn về giá trị của đồng tiền, và những giá trị tinh thần trong cuộc đời mỗi người…

Hay có bạn lại ước "đến một ngày mình phải chết, thì khi đó bản thân đã hoàn thành xong tất cả những mục tiêu mình đã đề ra trong cuộc đời". Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều bạn trẻ phải chịu đựng nhiều áp lực căng thẳng, đặc biệt là trong việc học hành, đến nỗi làm điều dại dột. Thật may, bạn chia sẻ rằng sẽ không bao giờ chọn cách đó. Và bạn cũng ý thức được rằng bạn ấy sẽ phải nỗ lực mỗi ngày, ngay từ bây giờ, để có thể hài lòng và mãn nguyện khi từ biệt cuộc sống.

Có bạn ước mơ nghe tưởng chừng là giản đơn, nhưng thật ra lại rất khó. Bạn ấy ước bản thân có thể chia sẻ, giãi bày với người thân, đặc biệt là với mẹ về những suy nghĩ thật lòng của mình mà không làm ai tổn thương.

Khi trẻ em chia sẻ ước mơ của mình, chúng ta có thể sẽ gạt phắt đi, vì nghĩ rằng chúng viển vông. Khó khăn của cuộc sống là đúng, là thực tế, nhưng liệu chúng ta có cần phải nói với con trẻ những điều đó quá sớm hay không? Bởi nếu như điều gì cũng bị người lớn "bóc trần", sẽ khiến các bạn nhỏ dần bị bó hẹp, bị thui chột khả năng sáng tạo, và chẳng còn dám ước mơ gì nữa…

- Chị thấy các học trò thay đổi như thế nào, khi đã có thể nói ra những suy nghĩ của mình?

- Điều tự hào nhất mình dám khẳng định, là các con trở nên căng đầy năng lượng và hạnh phúc. Mình luôn nói với các con vào đầu mỗi khóa học: "Trong giờ của cô Việt Anh có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là không có câu trả lời nào là sai. Chỉ cần con có thể nói cho cô lý do tại sao con lại nghĩ thế và làm thế!".

Chúng ta phải hết sức cẩn thận với bất cứ lời nào mình định buông ra với người khác, đặc biệt là với trẻ em. Bởi người lớn có thể phản bác và tranh luận, nhưng trẻ em lại khác, đặc biệt là trẻ em tuổi teen. Chỉ cần cảm nhận thấy bản thân bị đánh giá, bị "chụp mũ", chúng sẽ "dựng hàng rào" với người lớn ngay lập tức. Vậy nên, bằng cách tạo ra tiếng cười và lắng nghe không phán xét, mình mới có thể tạo ra một không gian "an toàn"-từ khóa mở ra cánh cửa dẫn tới trái tim các bạn. Chỉ khi cảm thấy an toàn, chúng mới thoải mái nói ra suy nghĩ của bản thân.

- Vậy cuối cùng, "lắng nghe, không phán xét" cần được thực hành như thế nào, thưa chị?

- Xét cho cùng, quan trọng nhất vẫn là "thân giáo". Trẻ sẽ nhìn vào những gì bố mẹ làm và nói để rút ra những kết luận riêng. Cũng như nhìn vào cách bố mẹ đánh giá những vấn đề bên ngoài cuộc sống để lựa chọn có chia sẻ với người lớn hay không. Ta khích lệ, ta động viên, ta không phán xét, ta gạn đục khơi trong tìm ra những tài năng, những điều mà các bạn nhỏ làm được, làm giỏi, khích lệ, động viên để các bạn tự tin hơn!

Trường lớp dạy chúng ta trở thành bác sĩ, cán bộ, nhưng không dạy chúng ta làm sao để trở thành cha mẹ tốt, nên chúng ta đành phải tự học. Một mẹo nhỏ, chúng ta có thể tìm hiểu con đang nghe gì, con đang đọc gì, con đang xem gì, bố mẹ có thể xem thử, nghe thử để khi cần có thể nói chuyện với con, làm bạn với con.

Chúng ta phải thử, và thử không phải là tra tấn.

-Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

* "Ước mơ của em là trên thế gian này không còn khái niệm lòng tham nữa. Con người luôn muốn có mọi thứ, càng được nhiều lại càng mong có nhiều hơn và cũng nhanh chán những thứ đã có được. Nếu cứ như vậy thì sẽ chẳng bao giờ có được hạnh phúc".

* "Ước mơ lớn nhất của em là có được sự vui vẻ và hạnh phúc trong gia đình. Nơi tràn ngập hạnh phúc và tình yêu thương sẽ giúp em có thêm động lực làm những điều khó khăn nhất ngoài kia".

- Nhật ký về ước mơ của một số em tại Lớp học văn Hạnh phúc.