Cảnh giác với “chợ đen”

Tuần rồi, giới kinh doanh trò chơi điện tử (game) và các thiết bị, phụ kiện có liên quan được một phen rúng động trước thông tin một cá nhân sở hữu bốn cửa hàng game bỗng dưng “không liên lạc được”.
0:00 / 0:00
0:00

Chủ một hệ thống phân phối game có tiếng thậm chí đã gọi đây là cú lừa lớn nhất trong lịch sử với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Những thông tin ban đầu được đăng tải trên các nhóm chat, diễn đàn mạng xã hội cho thấy chủ mưu đã chủ động nhập hàng không trả tiền và nhận tiền (cọc) nhưng không giao hàng, qua đó chiếm dụng số vốn và hàng hóa lớn.

Một người bán hàng trực tuyến kỳ cựu chia sẻ, việc này thật ra… bình thường, năm nào cũng có và rơi vào nhiều ngành hàng. Chẳng hạn, trên những nhóm (group), trang (fanpage) mua bán trên mạng, thường được gọi là “chợ đen” vẫn có những người rao bán hàng hóa rẻ hơn giá thị trường 15-20%, nhất là những mặt hàng phổ biến như điện thoại di động. Nhiều người vào mua và mua được hàng tốt lẫn giá tốt, nhưng cũng chỉ mang tính thời điểm, vì có khi sau đó, cũng chính người bán đó có thể ôm luôn tiền cọc, tiền đặt hàng rồi… biến mất. Thủ đoạn lừa đảo như vậy không mới, nhưng vẫn luôn có nạn nhân, và nạn nhân ở đây không chỉ có cá nhân “ham rẻ” mà có cả các “nhà buôn” khác.

Nói đến đây hẳn sẽ có câu hỏi, các “nhà buôn” hoàn toàn có thể chủ động nhập hàng, sao lại phải lấy từ một số đầu mối chưa có uy tín để dẫn đến nguy cơ bị lừa như vậy? Câu trả lời vẫn chỉ là vấn đề… giá. Thông thường, những món hàng này sẽ nằm ở dạng xách tay, và tất nhiên có giá rẻ hơn chính hãng rất nhiều. Các nhà buôn tất nhiên ban đầu sẽ lấy hàng theo hình thức “tiền trao cháo múc” nhưng các đối tượng lừa đảo ban đầu cũng luôn tỏ ra uy tín, chỉ đến một thời gian sau mới bắt đầu chiêu trò nhận tiền trước để đặt hàng, và khi cùng một lúc, số tiền nhận đặt hàng đã ở mức cao thì đó chính là thời điểm đối tượng “biến mất”.

Mặc dù chiêu trò lừa đảo không mới, nhưng sở dĩ vẫn tồn tại được là nhờ việc các nạn nhân “ham rẻ”, ngoài ra còn có một yếu tố khác là những thông tin trên chợ đen thường không lan tỏa rộng. Nạn nhân bị lừa thì cũng là giao dịch giữa cá nhân với nhau, thông tin chỉ lan truyền trên các trang cá nhân. Đó là còn chưa kể nguồn gốc hàng hóa thường là hàng xách tay, trôi nổi… nên người chịu thiệt thường chỉ biết tự trách mình. Với cách thức mua bán này, ngoài người mua, thì những ai đang có mong muốn hay tập tành kinh doanh cũng cần cẩn thận, vì nếu mua hàng từ những “đầu nậu” ở chợ đen sẽ rất dễ rơi vào cảnh tiền mất tật mang.