Thủ đoạn của các trang giả mạo không mới. Kẻ lừa đảo tạo ra một fanpage giống hệt fanpage thật, up ảnh và đăng status đều đặn nhưng số điện thoại và tài khoản khác, sau đó giả vờ nhận đặt phòng và thu tiền của khách du lịch. Gần đây nhất, một nạn nhân đã bị một fanpage giả mạo một resort ở Ninh Bình lừa đảo chuyển khoản số tiền lên tới hơn 1 tỷ đồng. Điều đáng nói, fanpage giả resort này thậm chí còn có tích xanh - một chứng nhận vốn được coi là uy tín của Facebook. Những fanpage này chỉ hoạt động một thời gian sẽ biến mất, nạn nhân mất tiền cũng rất khó khăn trong việc truy tìm dấu vết. Khi tìm kiếm nguồn gốc, một số fanpage cho thấy chúng được lập tại Campuchia, Philippines. Tuy nhiên, một số fanpage giả gần đây - như fanpage giả Y Tý Clouds thậm chí còn không truy vết được.
Ly Xá Xuy cho hay, anh không biết đã có nạn nhân nào của fanpage giả chưa. Nhưng homestay đã tìm ra 2 fanpage giả với lượng người follow và theo dõi còn cao hơn cả fanpage chính, con số này có thể không chỉ có vậy. Bản thân Facebook của Xuy và fanpage của homestay cũng chưa có tích xanh nên Xuy khá lo lắng có thể trong tương lai, sẽ có nhiều nạn nhân dính bẫy và chuyển khoản.
Hiện giả mạo nhiều nhất có thể kể tới các homestay ở Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La). Ngay sau vụ việc một nạn nhân mất hơn 1 tỷ đồng với fanpage giả resort ở Ninh Bình, cũng đã có hàng loạt homestay cảnh báo vì bị giả mạo. Với tình trạng lẫn lộn thật giả, nhiều khách tỏ ra e ngại khi đặt phòng. Thực tế, các trang mạng xã hội vẫn đang là nguồn khách đáng kể của nhiều homestay. Tình trạng giả mạo này có thể gây ảnh hưởng lớn tới việc kinh doanh du lịch của các cơ sở du lịch nhỏ lẻ, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại.