Cần thống nhất tư duy về sách giáo khoa mới

Lời tòa soạn - Những ngày gần đây, có nhiều ý kiến thảo luận nóng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cả trên nghị trường Quốc hội và tại các diễn đàn khác nhau. Hầu hết các ý kiến chỉ tập trung vào vấn đề có cần làm thêm một bộ sách giáo khoa "của Nhà nước" hay không, song như thế lại chưa bảo đảm chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" như Nghị quyết của Quốc hội. Để rộng đường dư luận, Nhân Dân cuối tuần xin giới thiệu bài viết của TS Tô Văn Trường, chuyên gia nghiên cứu độc lập, gửi riêng cho tòa soạn.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu ý kiến thảo luận về sách giáo khoa. Ảnh: Anh Sơn
Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu ý kiến thảo luận về sách giáo khoa. Ảnh: Anh Sơn

THEO chủ trương đã được quy định rõ tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 (Nghị quyết số 88) của Quốc hội và Luật Giáo dục thì Chương trình Giáo dục phổ thông mới là "chuẩn" cần quan tâm, còn mỗi sách giáo khoa chỉ là một tài liệu dạy học được cơ sở giáo dục lựa chọn cho phù hợp với điều kiện và đối tượng dạy học của mình.

Ở những nước thực hiện "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", giáo viên không nhất thiết chỉ dạy theo một quyển sách mà có thể phối hợp nhiều sách, thậm chí tự viết sách giáo khoa để dạy cho phù hợp với học sinh của mình, cốt làm sao giúp học sinh đạt được yêu cầu của chương trình.

Việt Nam đã chọn định hướng "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" thì trước sau cũng sẽ phát triển như vậy. "Một chương trình, nhiều sách giáo khoa" tất yếu dẫn đến xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa. Đây là một chủ trương đúng đắn, huy động được nguồn lực xã hội, từ trí lực đến tài lực, vật lực để không ngừng nâng cao chất lượng ấn phẩm đặc biệt này, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trong nhiều lĩnh vực, nhờ xã hội hóa, chấm dứt độc quyền mà người dân được hưởng dịch vụ ngày càng tốt hơn. Trong lĩnh vực sách giáo khoa, có thể thấy từ nội dung đến hình thức, sách giáo khoa mới có chất lượng cao hơn sách trước đây, đáp ứng từng bước yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh.

Để cạnh tranh về chất lượng, bộ sách giáo khoa nào hiện nay cũng kèm theo phiên bản sách điện tử với nhiều hình ảnh đẹp, nhiều bài tập, trò chơi có sự tương tác với người dùng sách. Để sản xuất được một quyển sách giáo khoa điện tử như vậy chắc chắn là rất tốn kém, thí dụ chỉ để làm được một phim hoạt hình ngắn trong sách điện tử thì chi phí cũng phải đến vài chuc triệu đồng. Tuy nhiên, hàng trăm quyển sách điện tử này đều đang được phục vụ miễn phí - nói như vậy cũng là để đánh giá công bằng hơn về giá sách giáo khoa mới, nhất là khi so sánh với sách giáo khoa cũ.

Đến nay, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã diễn ra được bốn năm. Sách giáo khoa mới của ba lớp cuối cùng đang được thẩm định; sau khi đưa lên mạng lấy ý kiến của giáo viên và các chuyên gia giáo dục, sẽ được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Trong tương lai, theo chủ trương xã hội hóa, chắc chắn sẽ có những sách giáo khoa mới ra đời, chứ không chỉ có một số bộ sách như hiện nay.

Một luồng ý kiến nữa cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa "của Nhà nước" là buông lỏng quản lý nhà nước hoặc ít nhất là không thể hiện được vai trò quản lý nhà nước. Hiểu về quản lý nhà nước như vậy là không đúng. Ở nước nào cũng vậy, trách nhiệm của Nhà nước là tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho người dân sinh sống, làm ăn, chứ không phải là ôm đồm, lấn sân làm những việc không đúng chức năng quản lý nhà nước.

Trong lĩnh vực sách giáo khoa, Nhà nước bảo đảm an toàn cho người dân và các nhà đầu tư bằng các biện pháp quản lý như: Ban hành chương trình làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa và thực hiện các hoạt động dạy, học, kiểm tra, đánh giá; thẩm định, phê duyệt; quản lý giá; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm liên quan sách giáo khoa,… theo quy định của pháp luật.

Nếu nói rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không đứng ra biên soạn bộ sách giáo khoa "của Nhà nước" nghĩa là buông lỏng quản lý nhà nước thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không đứng ra làm "lúa gạo của Bộ", Bộ Y tế không tổ chức sản xuất "thuốc của Bộ"… cũng là buông lỏng quản lý nhà nước trong những lĩnh vực này hay sao?

Cũng cần nói thêm rằng: Ở nước ta, lĩnh vực nào cũng có doanh nghiệp nhà nước tham gia sản xuất, kinh doanh. Ngành Giáo dục có Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà xuất bản này đã và đang tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành hai bộ sách giáo khoa mới. Vậy, có cần rót ngân sách nhà nước làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa để thể hiện vai trò của Nhà nước không?

ĐỂ thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, riêng trong lĩnh vực quản lý chương trình, sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đang còn rất nhiều việc phải làm, như: phát triển chương trình, hướng dẫn tổ chức dạy các môn học tích hợp, sửa đổi quy định về lựa chọn sách giáo khoa để bảo đảm chất lượng dạy học, xây dựng phương án thi, kiểm tra đánh giá,… Thiết nghĩ, đó là những vấn đề mà người dân, trước hết là các chuyên gia giáo dục cần quan tâm thảo luận, góp ý cho ngành giáo dục để tiếp tục triển khai có kết quả các nghị quyết, quyết định của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.

Các cơ quan quản lý nhà nước, trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu rõ yêu cầu, nội dung và thách thức của việc đổi mới. Đổi mới bất cứ lĩnh vực nào trước hết cũng cần đổi mới tư duy. Làm cái mới bằng tư duy cũ thì khó có thể thành công.