Muộn hơn không!
Đây là một trong những pháo đài cổ có vị trí quan trọng hàng đầu ở Việt Nam vào thế kỷ 19. Năm 1988, Thành Điện Hải được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia nhưng vẫn chưa thật sự được quan tâm bảo tồn, gìn giữ, có nguy cơ trở thành một phế tích. Hiện nay, trên di tích này có Bảo tàng Đà Nẵng, chung quanh có rất nhiều công trình đồ sộ, kiên cố được xây dựng. Tại Thành Điện Hải đang trưng bày bộ sưu tập 11 khẩu súng thần công, được phát hiện dưới lòng đất thuộc di tích Thành Điện Hải.
Gần đây, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia đã hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt công nhận Thành Điện Hải là Di tích văn hóa - lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Ngày 15-12, lần đầu tiên, Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị Di tích Thành Điện Hải”.
Nhìn đúng thực trạng và giá trị lịch sử “độc nhất” này, dẫu có muộn màng, nhưng Đà Nẵng đang từng bước khắc phục thực trạng Thành Điện Hải bị xâm hại thời gian qua.
Cần cẩn trọng khi trùng tu
Các chuyên gia cho rằng, vì các hạng mục nguyên gốc trong thành đều đã mất nên cần hết sức thận trọng khi phục hồi và phải nghiên cứu kỹ tư liệu, đối chiếu các bản vẽ, bản ảnh lưu trữ và các ghi chép trong chính sử. Khi chưa có đủ tư liệu phục hồi thì nên làm các khu vườn hoa tạo cảnh, không nên xây dựng những công trình mới, làm sai lạc dấu tích gốc.
PGS, TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Phó Chủ tịch Hồi đồng Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng, là một bộ phận di sản kiến trúc đô thị, vấn đề quy hoạch tổng thể bảo tồn Thành Điện Hải phải gắn với phát triển du lịch bền vững của Đà Nẵng. TS, KTS Nguyễn Hoàng Tuấn, Phân Viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền trung, nêu rõ: Cần khoanh vùng và cắm mốc ranh giới khu vực di tích đã được phê duyệt; xây, phục hồi hệ thống tường kè tại mặt bắc, tây, nam của Thành; xây dựng công viên, cây xanh, bãi đỗ xe, tôn tạo hạ tầng, cảnh quan trong khu vực, phục hồi các yếu tố kiến trúc gốc trong khu vực Thành Điện Hải.
PGS, TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho biết: Chính trụ sở Bảo tàng Đà Nẵng, một công trình kiên cố cao tầng với kiến trúc hiện đại nằm ngay trong khu vực bảo vệ 1 tại khuôn viên Thành Điện Hải lại chính là sự vi phạm nặng nhất đến tính toàn vẹn của di tích. Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng khi nói đến vấn đề phục dựng hệ thống phòng thủ trên mặt thành và các cửa thành, hình thành nhà trưng bày chuyên đề dành cho Thành Điện Hải đã khẳng định: “Đây là hạng mục nếu được phục dựng sẽ đáp ứng không chỉ yêu cầu bảo tồn mà còn phát huy giá trị. Địa điểm phục dựng theo tôi không chỗ nào bằng chỗ hiện nay là... Bảo tàng Đà Nẵng. Bảo tàng Đà Nẵng hiện nay hoàn toàn không hài hòa với kiến trúc tổng thể của Thành Điện Hải...”.
Đến thời điểm này, hơn 80 hộ dân sống chung quanh bờ tây Thành Điện Hải đã tự nguyện tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà cửa đến nơi tái định cư. Đây là một trong những bước đầu tiên của quy hoạch tổng thể Di tích Thành Điện Hải được giải quyết. Đó cũng là vấn đề tiên quyết để các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, triển khai các bước tiếp theo. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng kỳ vọng: Sau khi trùng tu và tôn tạo, Thành Điện Hải sẽ là một địa chỉ đỏ trên mạng lưới các di sản văn hóa - lịch sử Đà Nẵng và cả nước.