Các tuyến đường buôn lậu tại Sahel

Súng, vàng, xăng dầu lậu, thuốc giả và thậm chí cả con người là những mặt hàng bị buôn bán thông qua các tuyến thương mại đã tồn tại hàng thiên niên kỷ chạy khắp khu vực Sahel. LHQ cùng các đối tác đang nỗ lực tăng cường hợp tác để ngăn chặn những tuyến đường buôn lậu và các đường dây buôn bán người, một trong những vấn đề gây nhức nhối tại châu Phi.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhóm vũ trang, khủng bố đang hoành hành tại khu vực Sahel. Ảnh: AP
Các nhóm vũ trang, khủng bố đang hoành hành tại khu vực Sahel. Ảnh: AP

“Một khu vực khủng hoảng”

Sahel được LHQ mô tả là “một khu vực khủng hoảng” với những người dân đang phải sống trong bất an dưới tác động của biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, các cuộc đảo chính và sự gia tăng những mạng lưới tội phạm, khủng bố. Các cơ quan của LHQ ước tính rằng, số người cần hỗ trợ nhân đạo tại khu vực Sahel trong năm 2023 sẽ vượt mốc 37 triệu người, tăng khoảng

3 triệu người so con số ghi nhận trong năm 2022.

Trang tin chính thức của LHQ là UN News cho biết, một mạng lưới buôn người phức tạp đã được dệt nên trên khắp Sahel, khu vực trải dài gần 6.000 km từ Đại Tây Dương tới Biển Đỏ và là nơi sinh sống của hơn 300 triệu người tại các nước Burkina Faso, Cameroon, Chad, Gambia, Guinea, Mali, Mautitania, Niger, Nigeria và Senegal. Người dân ở khu vực Sahel đang đối mặt những khó khăn chưa từng thấy khi có tới hơn 2,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa do xung đột và bạo lực được phát động bởi các nhóm vũ trang. Hơn 11.000 trường học và 7.000 trung tâm y tế đã bị đóng cửa.

An ninh từ lâu đã là vấn đề nổi cộm tại Sahel. Tình hình an ninh khu vực được đánh giá là xuống cấp rõ rệt vào năm 2011 sau cuộc can thiệp quân sự ở Libya do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu. Sự bất ổn, hỗn loạn sau đó tại Lybia đã cản trở những nỗ lực ngăn chặn dòng chảy của các hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Vũ khí được những kẻ buôn lậu tuồn từ Libya đi khắp Sahel, góp phần gây nên các cuộc nổi dậy vũ trang và sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố. Các nhóm vũ trang hiện kiểm soát các vùng đất của Libya, nơi đã trở thành một trong những trung tâm buôn lậu vũ khí lớn nhất tại khu vực.

Trên khắp Sahel có thể dễ dàng tìm thấy nhiều địa điểm công khai bán hàng lậu, từ thuốc giả cho đến các vũ khí tấn công như súng trường. Nhiên liệu cũng là một trong những mặt hàng buôn lậu phổ biến được cung cấp bởi các nhóm khủng bố và mạng lưới tội phạm tại các địa phương. Theo báo cáo của LHQ, lợi nhuận có được từ buôn lậu nhiên liệu là khoản thu quan trọng đối với nhiều nhóm vũ trang, các nhóm khủng bố, tổ chức tài chính bất hợp pháp và cả những quan chức tham nhũng ở các nước.

Theo số liệu của LHQ thu thập được, thuốc giả là nguyên nhân góp phần dẫn đến cái chết của 500.000 người châu Phi cận Sahara mỗi năm. Sahel là khu vực có tỷ lệ mắc bệnh sốt rét cao nhất thế giới, trong khi các bệnh truyền nhiễm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở khu vực này. Thuốc chữa sốt rét giả hoặc không đạt chất lượng là nguyên nhân khiến 267.000 người châu Phi cận Sahara chết mỗi năm. Khoảng 170.000 trẻ em khu vực tử vong mỗi năm do thuốc kháng sinh trái phép được sử dụng để điều trị viêm phổi nặng. Năm 2022 từng chứng kiến sự việc 70 trẻ ở Gambia tử vong sau khi uống phải siro chữa ho mua từ những kẻ buôn lậu.

Báo cáo của Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) cho thấy, một đối tượng trong đường dây đưa người di cư trái phép có thể kiếm được khoảng 1.400 USD mỗi tháng, gấp 20 lần thu nhập trung bình ở Burkina Faso. Một đối tượng ở Nigeria khai nhận với UNODC rằng, nếu may mắn, khoản thu có thể lên tới 15.000 cho đến 20.000 USD mỗi tháng. Trong khi đó, nhằm trốn tránh các lực lượng an ninh đang được tăng cường, các tuyến đường vận chuyển người di cư trái phép ngày càng trở nên bí mật và đa dạng. Điều này khiến người di cư và người tị nạn có thể gặp nhiều rủi ro và nguy hiểm hơn.

Các tuyến đường buôn lậu tại Sahel ảnh 1

Binh sĩ Burkina Faso tuần tra chống buôn lậu tại Sahel. Ảnh: CNN

Vai trò của cách tiếp cận tập thể

Nhằm triệt phá các đường dây buôn lậu và ngăn chặn các mối đe dọa khác, với sự hỗ trợ của LHQ, nhóm năm quốc gia trong khu vực gồm Burkina Faso, Mali, Mauritania, Nigeria và Chad đã thành lập một lực lượng chung có tên G5 Sahel. Hợp tác xuyên biên giới nhằm trấn áp và phá hủy các mạng lưới tội phạm được tăng cường.

Lực lượng G5 Sahel đã ký thỏa thuận hợp tác với nhiều cơ quan của LHQ, trong đó có Tổ chức Di cư quốc tế (IOM). Tổng Giám đốc IOM Antonio Vitorino cho rằng, thỏa thuận với các nước trong khu vực sẽ tạo ra tiền đề cho các cách tiếp cận chung, phù hợp để giải quyết các hệ luỵ phức tạp của xung đột, bất ổn. Ông Antonio Vitorino nhấn mạnh, hợp tác cấp khu vực là điều cần thiết để bảo đảm di cư an toàn, có trật tự, ứng phó hiệu quả các thách thức đặt ra.

UNODC là một trong những cơ quan tiên phong của LHQ trong các nỗ lực ngăn chặn các dòng chảy của hàng hóa bất hợp pháp. Năm 2020, UNODC phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) thực hiện thành công chiến dịch KAFO II, thu giữ được 50 khẩu súng, hơn 40.500 que thuốc nổ, hơn 6.000 viên đạn, 1.473 kg cần sa, 2.263 hộp thuốc lậu và 60.000 lít nhiên liệu. Các chiến dịch như KAFO II cho thấy tình trạng buôn lậu ngày càng diễn biến phức tạp, đồng thời chứng tỏ tầm quan trọng của cách tiếp cận bao trùm ở cấp độ khu vực và việc kết nối giữa các cơ quan liên quan trong các chuyên án nhằm triệt phá các nhóm tội phạm, khủng bố.

Gần như tất cả các quốc gia Sahel, trừ Chad, đều là thành viên của Nghị định thư về chống đưa người di cư trái phép, phần bổ sung cho Công ước LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. UNODC công bố báo cáo cho thấy, các hoạt động chống đưa người di cư trái phép đang đạt nhiều tiến bộ. Trong số nhiều thí dụ được UNODC trích dẫn trong báo cáo có chiến dịch của cảnh sát Nigeria bắt giữ thành công những kẻ cầm đầu và phá hủy một mạng lưới tội phạm có tổ chức đã đưa trái phép hàng nghìn người di cư đến Tây Ban Nha. UNODC khuyến nghị các quốc gia cần ưu tiên giải quyết các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng di cư, chống tham nhũng, tăng cường tạo cơ hội việc làm tại các địa phương.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh rằng, chống tội phạm có tổ chức là một trụ cột trung tâm trong cuộc chiến ở quy mô rộng lớn hơn để đối phó với cuộc khủng hoảng an ninh khu vực. Cảnh báo tầm ảnh hưởng của khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực và tội phạm có tổ chức có thể vượt ra khỏi phạm vi khu vực và lục địa châu Phi, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các bên liên quan và cộng đồng quốc tế tập trung vào cách tiếp cận tập thể để giải quyết những vấn đề nhức nhối hiện nay ở Sahel.