Xu thế tất yếu trên thế giới
Theo Izvestia, từ đầu thế kỷ 19, xe chạy bằng nguồn năng lượng điện đã có vị thế cạnh tranh so xe chạy bằng động cơ hơi nước. Vào những năm 1832-1839, Robert Anderson (Scotland) đã phát minh ra loại xe điện chuyên chở đầu tiên. Năm 1842, hai nhà phát minh người Mỹ là Thomas Davenport và Scotsmen Robert Davidson trở thành những người đầu tiên đưa pin vào sử dụng cho ô-tô điện. Đến năm 1865, Camille Faure thành công trong việc nâng cao khả năng lưu trữ điện trong pin, giúp cho xe điện có thể di chuyển một quãng đường dài hơn. Vào thế kỷ 18, Pháp và Vương quốc Anh là hai quốc gia đầu tiên đưa ô-tô điện vào phát triển trong hệ thống giao thông. Đến đầu thế kỷ 20, xe điện trở nên yếu thế so ô-tô sử dụng động cơ đốt trong do không cạnh tranh được về chi phí nguyên liệu và giá thành chế tạo. Đến năm 1935, xe điện đã gần như biến mất.
Bắt đầu từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, thế giới phải đối mặt hai vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu mỏ, than đá bắt đầu cạn kiệt; môi trường ngày càng ô nhiễm, trong đó nguồn phát thải lớn là từ các phương tiện giao thông, đặc biệt là ô-tô chạy bằng xăng. Trong bối cảnh đó, xe ô-tô điện được xem là giải pháp tối ưu giúp giải quyết cả 2 vấn đề này. Đó là lý do khiến xe điện ngày càng được quan tâm đặc biệt từ nửa sau thế kỷ 20 trở lại đây. Hiện trên thị trường đang lưu hành 3 loại xe điện chính: BEV (Battery Electric Vehicle), bao gồm các xe chạy hoàn toàn bằng điện; PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicle), xe sử dụng song song động cơ điện và xăng, dầu; HEV (Hybrid Electric Vehicle), xe hybrid, sử dụng động cơ xăng thông thường làm nguồn năng lượng chính, nhưng cũng được động cơ điện vận hành đến một mức độ nào đó.
Công ty chuyên phân tích dữ liệu GlobalData tại Mỹ cho biết, lĩnh vực xe điện trên thế giới dự kiến mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm là 15,9% giai đoạn 2023-2035, khẳng định thị trường xe điện thương mại và xe điện chở khách sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Trong đó, số lượng ô-tô điện chạy bằng pin được dự báo sẽ đạt khoảng 44 triệu chiếc vào năm 2035, vượt nhiều lần so con số gần 7,3 triệu chiếc ô-tô điện được bán vào năm 2022. Hồi tháng 10/2023, hãng phân tích thị trường Canalys cũng đưa ra báo cáo ghi nhận thế giới đã tiêu thụ 6,2 triệu xe điện các loại, cao hơn 49% so cùng kỳ năm 2022. Trong phân khúc xe dân dụng hạng nhẹ, các dòng xe điện chiếm 16% thị phần, cao hơn rất nhiều so con số 12,4% trong nửa đầu năm 2022.
Ở Liên minh châu Âu (EU), hãng xe Jaguar lên kế hoạch chỉ bán xe điện từ năm 2025, hãng Volvo là từ năm 2030 và hãng xe Lotus (Anh) đặt mục tiêu chỉ sản xuất xe điện từ năm 2028. Theo Volkswagen, 70% doanh số của hãng sẽ là xe điện kể từ năm 2030. Lượng xe điện bán ra tại thị trường Đức và Anh tăng khoảng 30%, đạt 1,53 triệu xe. Nhiều chính phủ trên thế giới cũng đặt mục tiêu cấm bán ô-tô động cơ đốt trong (chạy bằng nhiên liệu hóa thạch). Sự kết thúc của ô-tô xăng, dầu được cho là “tất yếu” bởi phù hợp với xu hướng “xanh hóa” của thế giới và liên quan nhiều yếu tố khác, trong đó yếu tố quyết định là công nghệ đang diễn ra rất nhanh.
Tại Trung Quốc, ghi nhận doanh số bán xe điện tăng 80%, lên 4,53 triệu chiếc vào năm 2022. Ô-tô điện phát triển mạnh nhất tại Trung Quốc khi trung bình cứ ba ô-tô bán mới thì có một chiếc là xe điện. Nhà sản xuất xe điện lớn nhất tại Trung Quốc BYD là một trong những đối thủ sừng sỏ cạnh tranh với hãng xe điện Tesla (Mỹ) nổi tiếng toàn cầu của tỷ phú Elon Musk. Xếp ngay sau Trung Quốc là thị phần châu Âu với 24% xe điện bán ra trong nửa đầu 2023 và 19% tổng số ô-tô bán mới tại “lục địa già”. Đứng thứ ba về sự phát triển của ô-tô điện là tại thị trường Mỹ. “Xứ cờ hoa” chiếm xấp xỉ 13% thị phần ô-tô điện toàn cầu và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tesla tiếp tục là nhà sản xuất ô-tô điện số một tại Mỹ. Trang Fast Company nhận định trong cuộc chiến giá cả, Tesla chiếm ưu thế tuyệt đối nhờ hệ thống dây chuyền, công nghệ sản xuất hoàn thiện, mô hình kinh doanh không qua các đại lý phân phối và nguồn hàng dồi dào.
Bên cạnh những “ông lớn” ngày càng phát triển thị phần ô-tô điện ra toàn cầu như BYD, Tesla... năm 2023 cũng chứng kiến một số nhà sản xuất có những bước tiến đáng kể về ô-tô điện, trong đó Tata Motors mạnh mẽ vươn lên dẫn đầu về xe điện tại thị trường Ấn Độ - quốc gia đông dân nhất thế giới (doanh số 30.000 xe trong nửa đầu năm 2023). Trong khi đó, doanh số xe điện MG hiện đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á và thị trường Ấn Độ, thứ ba tại Australia, thứ nhất tại Anh.
Tại thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là tại Singapore, xe ô-tô điện có sự phát triển đột phá, định hướng trong tương lai tại quốc gia này là kế hoạch loại bỏ dần xe ô-tô chạy bằng xăng, dầu vào năm 2040. Sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực này chủ yếu là do điện khí hóa ngành vận tải toàn cầu, khi thế giới chuyển sang các phương tiện thay thế carbon thấp cho các phương tiện động cơ đốt trong truyền thống. Ở nhiều quốc gia và khối ASEAN, thời hạn đã được áp đặt cho việc loại bỏ hoàn toàn các phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Chuyên gia năng lượng tại GlobalData A.Saibasan nhận định, giá xăng càng tăng thì cơ sở hạ tầng xe điện càng phát triển, gồm số lượng trạm sạc, trung tâm bảo trì và cơ sở liên quan xe điện cũng như mối lo ngại về ô nhiễm môi trường là những lý do chủ yếu thúc đẩy sự gia tăng việc áp dụng xe điện trên toàn thế giới.
Xe ô-tô điện Tesla Model 3. Ảnh: REUTERS |
Ưu điểm vượt trội
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), triển vọng toàn cầu về thị phần bán ô-tô điện dựa trên các chính sách hiện hành và mục tiêu đã tăng lên 35% vào năm 2030, tăng từ mức dưới 25% triển vọng trước đó. Dự kiến đến 2035, tổng số xe ô-tô điện trên thế giới sẽ đạt 125 triệu chiếc. Dự kiến năm 2024, giá xe ô-tô điện sẽ cạnh tranh với xe xăng giúp thị trường xe ô-tô điện phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Tất cả những số liệu thống kê về thị trường xe ô-tô điện trong những năm gần đây cho thấy khách hàng đang hướng tới các phương tiện “xanh”, giúp xe điện trở thành một xu thế tất yếu trên toàn thế giới. Các công ty hàng đầu trong làng sản xuất ô-tô cũng đã mạnh tay hơn cho các khoản đầu tư vào thị phần “xanh” để hướng tới tương lai bền vững.
Hiện nhiều hãng xe trên thế giới đã và đang nghiên cứu để ra mắt các mẫu xe ô-tô điện mới hiện đại. Xu hướng dịch chuyển từ sử dụng ô-tô chạy bằng nguyên liệu xăng, dầu sang xe ô-tô điện có rất nhiều lý do, như bảo vệ môi trường. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì vấn đề bảo vệ môi trường càng trở nên nan giải, do đó việc lựa chọn và sử dụng xe ô-tô điện không gây ô nhiễm môi trường càng được đánh giá cao.
Tiếp đó là tận dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm chi phí hoạt động. Những mẫu xe ô-tô điện hiện nay hoàn toàn có thể tận dụng từ những nguồn năng lượng tái tạo thiên nhiên như điện mặt trời, điện gió… bảo đảm cung cấp nguồn năng lượng bền vững. Theo giới chuyên gia, chi phí duy trì hoạt động, bảo trì xe ô-tô điện cũng thấp hơn vì động cơ điện sẽ ít hỏng hóc hơn so động cơ đốt trong.
Ô-tô điện chính là xu hướng tất yếu của thời đại với quá trình “xanh hóa” nền kinh tế. Sự chuyển đổi sang xe điện đã và đang thúc đẩy sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực ô-tô bao gồm pin, hệ thống điều khiển cùng những công nghệ khác liên quan xe thông minh.