Những con số đáng báo động
Theo CNN, rác thải điện tử là thuật ngữ chung để chỉ bất kỳ sản phẩm vứt bỏ nào có phích cắm hoặc pin, thường chứa các chất độc hại và nguy hiểm, chẳng hạn như thủy ngân và chì. Khi thế giới ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào thiết bị điện tử, lượng sản xuất và tiêu thụ loại sản phẩm này ngày càng bùng nổ.
Báo cáo do LHQ công bố hồi cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, năm 2022, thế giới đã thải ra 62 triệu tấn rác điện tử. Số rác thải này có thể lấp đầy hơn 1,5 triệu chiếc xe tải có trọng tải 40 tấn. Nếu đặt nối tiếp nhau, lượng xe này có thể tạo thành một đường đủ dài để quấn quanh đường xích đạo. Lượng rác thải điện tử toàn cầu năm 2022 đã tăng 82% so năm 2010. Ước tính, năm 2030, tỷ lệ này sẽ tăng thêm 32%, lên 82 triệu tấn.
Ông Kees Baldé, chuyên gia khoa học cấp cao của Viện Đào tạo và nghiên cứu của LHQ cho biết: “Thông thường mỗi người dân ở một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ có thể tạo ra tới 20 kg rác thải điện tử mỗi năm. Chúng tôi ước tính khoảng 800.000 tấn rác thải điện tử cũ hằng năm đang được chuyển từ các nước phát triển sang các nước ở nam bán cầu. Số lượng các tấm pin mặt trời bị lãng phí đang tăng nhanh chóng và sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay vào năm 2030. Đó là nguyên nhân chủ yếu tạo nên rác thải điện tử”.
Không chỉ vậy, năm 2023, khoảng 1,39 tỷ chiếc điện thoại di động đã được bán trên toàn cầu và ước tính hơn 5 tỷ chiếc đã bị vứt đi. Tại Ấn Độ, một trong những quốc gia tích cực số hóa, lượng rác thải điện tử cũng ngày càng nhiều hơn. Ở Việt Nam, kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường cũng chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là đồ gia dụng điện tử, văn phòng và ước tính đến năm 2025, riêng rác thải ti-vi có thể lên tới 250.000 tấn.
Mặc dù số lượng rác thải điện tử tăng chóng mặt, song công suất tái chế lại không theo kịp đà tăng này. Báo cáo của LHQ tính toán kể từ năm 2010, tốc độ tăng trưởng của rác thải điện tử đã nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của hoạt động thu gom và tái chế chính thức gần gấp 5 lần. Chẳng hạn, trong tổng số sản phẩm điện tử bị bỏ đi trong năm 2022, chỉ khoảng 22,3% được thu gom và tái chế. Theo các chuyên gia LHQ, các thiết bị điện tử nhỏ như đồ chơi, máy hút bụi và thuốc lá điện tử có tỷ lệ tái chế đặc biệt thấp, khoảng 12%, mặc dù chiếm khoảng một phần ba tổng lượng rác thải điện tử. Tỷ lệ tái chế có xu hướng cao nhất đối với các thiết bị nặng và cồng kềnh hơn như máy điều hòa không khí và màn hình ti-vi, do kích thước của chúng và các mối lo ngại liên quan sức khỏe.
Bà Vanessa Gray, chuyên gia về rác thải điện tử tại Liên minh Viễn thông quốc tế nhận định, trong bối cảnh khoảng cách giữa rác điện tử được thải ra và tốc độ tái chế tiếp tục nới rộng, tỷ lệ tái chế thật sự có thể giảm trong vài năm tới. Báo cáo của LHQ dự đoán tỷ lệ thu gom và tái chế sẽ giảm xuống 20% vào năm 2030.
Một trong hàng trăm cửa hàng bán linh kiện điện tử của các thiết bị hỏng ở Ghana. |
Hành động trước khi quá muộn
Ông Jim Puckett, người sáng lập và Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Mạng lưới hành động Basel, một nhóm giám sát chất thải điện tử, đánh giá kết luận báo cáo nói trên của LHQ là “ảm đạm”. Những con số trong báo cáo cho thấy, các nhà sản xuất đang thể hiện “sự thiếu trách nhiệm” về những gì xảy ra với sản phẩm của họ khi hết vòng đời.
Ông Puckett khẳng định, tác hại của rác thải điện tử đến môi trường, khí hậu và sức khỏe con người là không phải bàn cãi. Cụ thể, về mặt khí hậu, việc sản xuất thiết bị điện tử đòi hỏi nguyên liệu thô, bao gồm kim loại đất hiếm, được phân tách và xử lý theo quy trình tốn nhiều năng lượng, chủ yếu là nhiên liệu hóa thạch. Khi nhu cầu tăng lên và người tiêu dùng được khuyến khích thay đổi thiết bị thường xuyên hơn, tác động của rác thải điện tử đến khí hậu cũng ngày một lớn.
Do đó, theo báo cáo của LHQ, việc quản lý và xử lý rác thải điện tử đúng cách sẽ giúp giảm ô nhiễm carbon toàn cầu. Ông Kees Baldé nhấn mạnh: “Chúng ta càng tái chế nhiều kim loại thì càng ít phải khai thác”. Việc tái chế kim loại từ rác thải điện tử thay vì chiết xuất nguyên liệu thô mới đã tránh được khoảng 52 triệu tấn khí thải làm hành tinh nóng lên vào năm 2022. Hơn nữa, hoạt động tái chế còn mang lại lợi ích kinh tế. Cụ thể, lượng rác thải điện tử bỏ đi năm 2022 có chứa lượng kim loại trị giá khoảng 91 tỷ USD, trong đó có số vàng trị giá 15 tỷ USD.
Mặc dù mối lo ngại toàn cầu về rác thải điện tử ngày một tăng, song chỉ có 81 quốc gia có chính sách về rác thải điện tử vào năm 2023, bao gồm các nước thuộc EU và Ấn Độ. Tại Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, từ lâu người dân đã có thói quen sửa chữa các đồ bị hỏng thay vì mua mới. Thói quen đó áp dụng từ giày dép, quần áo và đến nay được áp dụng cho các thiết bị điện tử. Việc cố gắng sửa chữa sẽ hạn chế việc vứt bỏ sản phẩm điện tử. Trong điều kiện những thiết bị không thể sửa được, chúng sẽ được thu gom và phân tách. Linh kiện còn có thể sử dụng hoặc tái chế sẽ được để riêng để bán cho thương lái.
Trong khi đó, đầu năm nay, Nghị viện châu Âu (EP) đã ủng hộ mạnh mẽ quyền được sửa chữa ở tất cả 27 quốc gia thuộc EU. Một số quốc gia còn phát phiếu sửa chữa, bảo hành cho người dân, chi phí sẽ do nhà nước chi trả. Pháp cũng dán tem khả năng sửa chữa lên sản phẩm để người dân nắm được thông tin trước khi chọn mua.
Trong khi đó, Mỹ - một trong những quốc gia có lượng rác thải điện tử lớn nhất thế giới - vẫn chưa có luật liên bang quy định việc tái chế đồ điện tử. Riêng Thủ đô Washington D.C đã thực hiện các quy định về loại rác thải nói trên. Tuy nhiên, giới chức LHQ cho biết, ngay cả ở những nơi có luật về rác thải điện tử, việc thực thi “vẫn là một thách thức thật sự”.
Theo ông Baldé, một trong những cách tốt nhất để bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải điện tử là các nước phát triển cần chấm dứt việc mang rác thải điện tử đến các quốc gia không có khả năng giải quyết chúng. Bởi, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, rác thải điện tử đều được đưa đến bãi chôn lấp do hệ thống tái chế không có khả năng xử lý, từ đó đe dọa gây ô nhiễm và tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, chuyên gia của LHQ còn kêu gọi các nước trên thế giới cần nhanh chóng đầu tư nhiều hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hơn nữa việc sửa chữa và tái sử dụng, ngăn chặn vận chuyển rác thải điện tử bất hợp pháp…