Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Bồi bổ văn hóa cho việc quản lý văn hóa

Công tác quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa đang gặp không ít khó khăn, thách thức và bộc lộ những bất cập. Cần có những giải pháp để đưa công tác quản lý văn hóa lên tầm “nghệ thuật”, nâng cao năng lực đội ngũ công tác trong ngành, phát huy tốt tiềm năng của di sản văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Văn miếu Mao Điền (Hải Dương).
Văn miếu Mao Điền (Hải Dương).

Quản lý còn nhiều bất cập

Liên quan việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã có nhiều ý kiến mong làm rõ vấn đề văn hóa quản lý cả về mặt cơ sở lý luận lẫn thực tiễn. Từ đó, nhằm hướng tới nhận thức khoa học về ứng xử với di sản, tiếp thu kinh nghiệm trong văn hóa quản lý di sản từ các nền văn hóa tiên tiến trong khu vực và trên thế giới để ứng dụng sáng tạo vào Việt Nam.

Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp khác nhau để gìn giữ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, công trình kiến trúc và cảnh quan có giá trị. Nhưng những chính sách và biện pháp còn thiếu hệ thống và chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập. Những bất cập tồn tại này có nguyên nhân từ sự thiếu đồng bộ và kém hiệu lực trong thực thi chức năng quản lý của các cấp, các ngành. Do đó, dẫn đến hàng loạt những bất cập như: công tác quản lý di tích, quản lý đầu tư, chất lượng của hoạt động bảo tồn, nguồn kinh phí, năng lực đội ngũ chuyên môn, đội ngũ quản lý... GS, TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Di sản văn hóa nhận xét, việc quản lý bộc lộ những hạn chế như thiếu cơ sở lý luận, không thống nhất quan điểm, sự vận dụng không hiệu quả lý thuyết và kinh nghiệm nước ngoài vào hoàn cảnh của Việt Nam, chồng chéo trong quản lý, thiếu thống nhất về tên gọi...

Phải nâng lên tầm “nghệ thuật”!

Việc bảo vệ, khai thác và phát huy nguồn vốn văn hóa dân tộc có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào công tác quản lý văn hóa. Theo đó, quản lý không phải để áp đặt hay làm giảm đi sự sáng tạo của xã hội mà là tạo điều kiện, gợi mở, khuyến khích, động viên để những sáng tạo văn hóa được phát huy ở mức cao nhất.

Dễ nhận thấy, vấn đề quản lý lễ hội truyền thống nói riêng và những sinh hoạt văn hóa truyền thống nói chung luôn là niềm trăn trở đối với những người làm văn hóa. Mùa lễ hội nào cũng xảy ra những hiện tượng phản cảm. Nhiều cuộc họp bàn, trao đổi, thanh kiểm tra, hội nghị, hội thảo, những quy chế, chỉ thị, thông tư, cả những quyết định khiển trách, cảnh cáo... đã được ban hành. Nhưng, theo nhiều chuyên gia, quản lý phải nâng lên tầm nghệ thuật. Văn hóa quản lý đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy, điều chỉnh, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức trong quá trình quản lý. Cũng như góp phần điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, làm “mềm hóa” những căng thẳng, mâu thuẫn không cần thiết. Văn hóa quản lý cũng thể hiện bản lĩnh, trình độ, phong cách và kỹ năng quản trị của người quản lý. GS, TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng: Nếu quản lý có văn hóa thì mọi công việc sẽ diễn ra suôn sẻ và kết quả công việc đạt chất lượng cao, bằng không sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, trắc trở. Bởi đó là những công việc không phải thuần túy hành chính, sự nghiệp mà gắn với những sáng tạo, những phong tục tập quán, tín ngưỡng vừa tế nhị vừa phức tạp.

Dễ dàng nhận thấy, việc quản lý các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong thời gian qua, nếu không có những sự khéo léo, linh hoạt và có tầm của người quản lý, sẽ dẫn đến những bức xúc, phản ứng trong nhân dân, đôi khi gây nên những mâu thuẫn, mất đoàn kết hay những hành động cực đoan không đáng có.

Nâng tầm nhân lực hiện có, đào tạo lực lượng lâu dài

Để hoạt động quản lý trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung đạt hiệu quả cao, theo GS, TS Trương Quốc Bình, cần tăng cường việc đổi mới công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống các văn bản pháp quy. Nhà nước cần tăng cường đầu tư kinh phí, mở rộng việc huy động các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thông qua chính sách thuế, Nhà nước cần dành sự ưu tiên cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh đã tích cực tài trợ cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong xu thế hiện nay, không thể thiếu việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của bảo tàng, di tích, tin học hóa công tác quản lý di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Một việc rất cần nữa là khẩn trương hoàn tất việc xây dựng ngân hàng dữ liệu về di sản văn hóa Việt Nam.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực làm công tác quản lý di sản văn hóa ở cả ba cấp trung ương, địa phương và cơ sở để có đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu xã hội đặt ra. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững, phù hợp xu thế phát triển bảo tàng hiện đại. Lực lượng này phải có kỹ năng hoạch định chính sách và làm việc/giao tiếp - đối thoại với cộng đồng. Cũng như, phải có khả năng ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào lĩnh vực di sản.