Biến đổi và thích ứng

Nền kiến trúc dân tộc sẽ cho phép mỗi công trình nói lên tiếng nói riêng của con người và mảnh đất nơi nó được xây dựng, viết tiếp câu chuyện về sự phát triển của nền văn hóa sản sinh ra nó. Những yếu tố truyền thống của kiến trúc Việt Nam, may thay, hoàn toàn có khả năng thích ứng hoàn cảnh khí hậu cũng như thế giới quan tinh thần của người Việt Nam hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình kiến trúc cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều ở đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: MẬT ONG
Công trình kiến trúc cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều ở đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: MẬT ONG

Ưu tư thời hội nhập

Có thể nói, tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là đặc điểm rõ nét nhất của môi trường hành nghề đối với các kiến trúc sư Việt Nam sau năm 1986. Bên cạnh các cơ quan đại diện Nhà nước, xuất hiện thêm rất nhiều thực thể thuộc khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài nước tham gia thị trường này, ở tất cả các vai trò: chủ đầu tư, đơn vị tư vấn kiến trúc, xây dựng.

Nhiều đơn vị nước ngoài có ưu thế vượt trội về kinh nghiệm trong các công trình đặc thù, phức tạp, về sự hiểu biết về kỹ thuật, vật liệu hiện đại cũng như về danh tiếng chuyên môn so với kiến trúc sư địa phương. Với những dự án công, các đơn vị này giành được các hợp đồng lớn nhất, chiến thắng trong hầu hết các cuộc thi tuyển phương án kiến trúc quan trọng tầm cỡ quốc gia. Không khó để thấy sự "tung hoành" của các đơn vị tư vấn quốc tế như GMP (Đức), Heerim (Hàn Quốc) hay Nikken Seikei (Nhật Bản) trong phạm vi này. Đối với những dự án tư nhân, họ càng chiếm ưu thế lớn trước các đơn vị tư vấn trong nước. Cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản lớn đều có đối tác chiến lược chính thức hoặc không chính thức là tư vấn nước ngoài.

Không phủ nhận sự vượt trội về kinh nghiệm chuyên môn và sự nghiêm túc trong chuyên môn của các kiến trúc sư nước ngoài, nhưng sự tồn tại của tâm lý "sính ngoại", từ cả chủ đầu tư lẫn công chúng, đang là một trở ngại lớn cho các kiến trúc sư Việt Nam. Có một thực tế phũ phàng: Trong không ít dự án kiến trúc, các đơn vị tư vấn nước ngoài chỉ như một nhãn hiệu được "dán" lên sản phẩm kiến trúc, trong khi toàn bộ các công đoạn đều do người Việt Nam thực hiện.

Đến thời điểm này, cả nước đã có đến gần 20 trường đào tạo kiến trúc sư. Các cơ sở đào tạo cũng phát triển những phân ngành chuyên sâu như nội thất, cảnh quan hoặc thiết kế đô thị. Cùng với đó là sự tham gia của các du học sinh Việt Nam theo học ngành kiến trúc trở về từ nhiều quốc gia khác nhau. Sự đa dạng mang tính quốc tế hóa này một mặt phản ánh nhu cầu cao hơn về nguồn nhân lực chuyên sâu của xã hội, nhưng mặt khác, những vấn đề chuyên môn trong quá trình hội nhập quốc tế cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về chất lượng đào tạo kiến trúc sư Việt Nam.

Hai mặt của sự đa dạng

Từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, nhiều tổ hợp công trình đa chức năng gồm trung tâm thương mại, tháp văn phòng cho thuê, khách sạn, nhà chung cư được ồ ạt xây dựng tại các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tạo ra một cú huých cho các công trình dịch vụ thương mại. Phần lớn sự xuất hiện của những công trình thương mại này có một tác động tích cực, tạo ra các không gian công cộng cho người dân cũng như làm thay đổi cảnh quan đô thị.

Nhà ở đứng vị trí tiếp theo trong danh mục phát triển. Các khu đô thị mới được xây dựng ở khắp nơi trên cả nước ở nhiều quy mô khác nhau. Đến thời điểm này, ở bất kỳ một địa phương nào trên cả nước, cũng có sự xuất hiện của các dự án xây dựng các khu đô thị mới với nhiều loại hình cư trú: từ nhà biệt thự đơn lập, song lập, nhà chia lô cho đến chung cư cao tầng. Bước nhảy của kiến trúc nhà ở này đã tạo một thị trường thiết kế đa dạng, nhiều sắc thái. Từ đó, các dạng nhà phân lô, nhà đơn lẻ, nhà biệt thự đã trở thành điểm tựa cho sự thành công và danh tiếng của nhiều kiến trúc sư Việt Nam.

Trước những năm 2000, rất nhiều đặc điểm của các trường phái kiến trúc khác nhau trên thế giới xuất hiện trên các công trình ở Việt Nam. Bên cạnh những thiết kế vẫn đi theo chủ nghĩa hiện đại Soviet thịnh hành từ thời bao cấp, có vô số những công trình, đặc biệt là nhà ở tư nhân, mang các phong cách đa dạng, từ kiểu tân cổ điển thế kỷ 19, Art Deco, Art Nouveau đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa biểu hiện những năm 60 cho đến hậu hiện đại và tân hiện đại những năm 80-90 của thế kỷ trước. Dường như, hành trình phát triển kiến trúc thế giới của hơn 100 năm đã hội tụ tại Việt Nam chỉ trong vòng hơn một thập niên. Tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa quá nhanh khiến cả nước mang dáng dấp một công trường lớn. Kiến trúc sư thoải mái bộc lộ cá tính riêng, nhưng việc khao khát thể hiện cá nhân quá đà sau nhiều năm bị kìm nén đã phần nào dẫn đến trạng thái hỗn loạn trong sản phẩm kiến trúc.

Ở giai đoạn từ năm 2000 cho đến nay, sự thâm nhập của các kiến trúc sư và tổ chức tư vấn nước ngoài vào lĩnh vực kiến trúc xây dựng Việt Nam ngày càng sâu rộng. Cùng với đó là sự hoàn thiện và lớn mạnh của đội ngũ kiến trúc sư địa phương, nhất là trong khu vực tư nhân. Những sản phẩm kiến trúc dần trở nên giàu chất lượng hơn, "sạch sẽ" hơn. Tuy nhiên, sự hiện diện của kiến trúc sư và các đơn vị tư vấn thiết kế Việt Nam lại có phần "nhạt" hơn so với giai đoạn trước. Kể từ sau nhà ga T1-sân bay Nội Bài hoàn thành vào năm 2001, các kiến trúc sư Việt Nam không còn chủ trì thiết kế công trình tầm cỡ quốc gia nào nữa. Một loạt công trình trọng điểm của Nhà nước, bộ, ngành, hoặc những công trình điểm nhấn của khối tư nhân (nhưng mang tính biểu tượng cao, đại diện cho sự phát triển của đất nước cũng như nền kiến trúc Việt Nam) đều do người nước ngoài thiết kế.

Mặt khác, sự phát triển kinh tế khiến cho nhiều trang thiết bị kỹ thuật trong công trình mà không lâu trước đó được xem là xa xỉ, trở thành điều kiện tiêu chuẩn của kiến trúc hiện nay. Minh chứng rõ nhất là điều hòa không khí. Mặt tích cực của thiết bị này là tạo ra sự tiện nghi, thoải mái cho người sử dụng, nâng cao giá trị cho không gian kiến trúc, đặc biệt là các không gian khối tích lớn trong công trình. Nhưng sự lạm dụng điều hòa không khí khiến cho nhiều kiến trúc sư xa rời những giải pháp cách nhiệt, làm mát và thông gió trong kiến trúc truyền thống, nhất là trong bối cảnh nóng lên của khí hậu toàn cầu cùng khuynh hướng tiết kiệm năng lượng trong kiến trúc hiện nay.

Chúng ta chỉ có thể thấy rằng, tất cả những biến đổi của kiến trúc Việt Nam nói trên đều đến từ quá trình mở cửa, hòa nhập và thích ứng với thế giới bên ngoài, đứng vào dòng chảy của quá trình toàn cầu hóa. Bởi vậy, sự cọ xát, cạnh tranh của các luồng tư tưởng văn hóa là điều không thể tránh khỏi. Kiến trúc luôn bị đặt giữa nan đề: tính quốc tế đối diện tính địa phương. Một mặt, kiến trúc phải nói được tiếng nói của thời đại, biểu đạt được sự phát triển của xã hội, của đất nước. Nhưng mặt khác, kiến trúc là sản phẩm của một địa phương cụ thể, một quốc gia cụ thể, một cộng đồng dân tộc cụ thể. Trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam, khát vọng biểu đạt tính địa phương, tính dân tộc đó càng mãnh liệt.