1/Cuối năm 2022, họa sĩ Công Quốc Hà trở về Hà Nội sau 12 năm sống và làm việc tại Thụy Điển. Ông về một mình, thuê khách sạn ở và vẽ. Lần trở về này ông nhận ra Hà Nội đã có quá nhiều thay đổi. Những phố cổ, phố cũ thì ông vẫn thấy thân quen, vẫn có thể tự tin một mình đạp xe rong ruổi.
Nhưng sau 12 năm, Hà Nội đã có thêm những con đường mới, khu phố mới và rất nhiều chung cư cao tầng. Một Hà Nội hiện đại hơn, đổi khác hơn, sinh động hơn đã khiến Công Quốc Hà tự thấy mình cũng cần phải “mới” hơn. Vậy là ông vẽ. Ông dần thoát khỏi những đề tài quen thuộc, thậm chí quen tay. Ông chọn góc nhìn Hà Nội từ trên cao. Ở đó, những ngôi nhà nhấp nhô và rất nhiều con đường ngoằn ngoèo đan dệt. Những bức tranh về phố mới Hà Nội dần dần hiện ra, để họa sĩ kể một câu chuyện về Hà Nội trong góc nhìn và tư duy thẩm mỹ của ông. “Lâu nay, tôi đã vẽ nhiều bức tranh về phố cổ, phố cũ của Hà Nội. Đó có thể là những khoảnh khắc kỷ niệm mà tôi muốn níu giữ, vì tôi tâm niệm “mỗi góc phố đều làm nên nỗi nhớ”. Nhưng lần này, tôi muốn kể một câu chuyện mới hơn về Hà Nội, một Hà Nội đổi khác, hiện đại, hội nhập. Đồng thời tôi cũng muốn tự làm mới mình”, họa sĩ Công Quốc Hà chia sẻ.
Ở tuổi 68, dám bỏ đi những gì quen thuộc, để ngoặt rẽ vào một mảng đề tài hoàn toàn mới, trước hết, đó là sự dũng cảm. Thành công hay chưa, họa sĩ có tiếp tục dấn sâu vào mảng đề tài này trong thời gian tới hay không, điều đó chưa khẳng định. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, họa sĩ Công Quốc Hà đã dồn tâm sức vẽ gần 20 bức về phố mới bằng chất liệu sơn mài và acylic trên toan, cho thấy năng lượng dồi dào ẩn khuất trong một người con xa xứ.
2/Những tác phẩm “bẻ ghi” vào phố mới ấy, sẽ được trưng bày tại cuộc triển lãm “Nghệ thuật Công Quốc Hà nửa thế kỷ” sẽ khai mạc tại Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp (360 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội) vào lúc 17 giờ ngày 15/4. Bạn nghề và công chúng yêu hội họa, các nhà sưu tập sẽ có dịp trực tiếp xem và thẩm bình.
Họa sĩ Công Quốc Hà cho biết, những bức tranh về phố mới ấy chỉ là một phần trong cuộc triển lãm. Triển lãm còn những phần khác, sẽ góp thêm tiếng nói để dựng lên một chân dung nghệ thuật đa dạng của Công Quốc Hà. “Ngoài những bức tranh phố mới, ở mảng hội họa, tôi còn giới thiệu những tác phẩm mới hoàn thành, như “Thiếu nữ đang yêu”, “Phong cảnh Thụy Điển”, “Tình yêu Tây Nguyên”, “Nữ sinh Hà Nội”… Bên cạnh đó, là một số tác phẩm tiêu biểu đang nằm trong các bộ sưu tập tư nhân tôi mượn lại để trưng bày”, họa sĩ chia sẻ.
Có mới - có cũ, sở dĩ vậy là bởi ông tổ chức triển lãm ở Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp - nơi ông được đào tạo về mỹ thuật. Cuộc trở về mái trường xưa cũng cho ông nhiều cảm xúc, vì thế, họa sĩ muốn bày tranh ở nhiều thời kỳ, để kể một câu chuyện sự nghiệp cho sinh viên đang theo học trường này, đồng thời như một bản “báo cáo” với thầy, cô giáo về hành trình hội họa 50 năm sau khi ra trường. Ngoài mảng hội họa, cuộc triển lãm cũng còn giới thiệu những tác phẩm của Công Quốc Hà ở mảng đồ họa và điêu khắc. Ở mảng đồ họa, những mẫu bìa sách do Công Quốc Hà thiết kế từ những năm 80 của thế kỷ trước cũng sẽ được trưng bày. Bên cạnh đó là mảng tranh minh họa, tranh cắt giấy làm nên “thương hiệu” riêng của họa sĩ Công Quốc Hà suốt nhiều chục năm qua cũng được giới thiệu. Ở mảng điêu khắc, họa sĩ trưng bày một số bức tượng về phụ nữ được ông mới thực hiện trong thời gian trở về Hà Nội.
“Cá nhân tôi vô cùng tự hào được về mái trường Mỹ thuật Công nghiệp để chia sẻ những sáng tác của mình cùng các em sinh viên ngày hôm nay. Đây cũng là dịp để tôi bày tỏ lòng tri ân tới các thế hệ thầy, cô đã dìu dắt chúng tôi để trở thành những người có chuyên môn, góp phần nhỏ bé vào sự nghiệp mỹ thuật của đất nước”, Công Quốc Hà nói.