Bay lên vũ điệu sơn mài

Nhẩn nha mà nhiệt huyết, cá tính để mở mang… nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (sinh năm 1983) tiêu biểu cho sự tự khám phá và thực hành nghệ thuật sơn mài. Đến nay, suốt 22 năm gắn bó, có giai đoạn anh tìm về tận các làng nghề tiếp thu tinh hoa từ nghệ nhân kỳ cựu và việc giao lưu, học hỏi vẫn ngày một được bồi đắp ở biên độ rộng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát giới thiệu tác phẩm.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát giới thiệu tác phẩm.

1/Nguyễn Tấn Phát là người con của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Sơn Tây (Hà Nội), nhưng quê hương anh vốn không phải ở làng cổ Đường Lâm như nhiều người vẫn nghĩ. Thật ra, sự lầm tưởng cũng có cái lý, bởi ai về nơi này, liên hệ Phát thì luôn được đón tiếp đầy nồng hậu. Anh không chỉ là nghệ nhân đang thực hành sơn mài ở đây mà còn như một hướng dẫn viên bản địa am tường, sâu sắc.

Họa sĩ, nghệ nhân thế hệ 8x vốn thừa hưởng gien hội họa, điêu khắc từ ông cha và anh tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp. Duyên cớ với sơn mài tình cờ mà cũng đặc biệt. Anh rủ rỉ tâm sự, ông nội hay đi vẽ ở đền chùa, bố cũng khéo tay dù sau này theo nghề sắt xây dựng… Học sơn mài ở trường đại học, Phát đi làm thêm sớm, từ công việc làm mô hình sa bàn kiến trúc, rồi quen chơi với một số nghệ sĩ thủ công, có cửa hàng trang sức trên phố nên anh thấm dần sự hiểu biết về nghề, về thị trường theo cách tự nhiên mà cầu thị.

Vốn tính chủ động, ham học hỏi, Nguyễn Tấn Phát không ngại thử thách, tích lũy dần kiến thức và kinh nghiệm cộng với nền tảng đam mê nghệ thuật dân tộc từ nhỏ. Đã có nhiều ngày tháng, người ta dễ dàng gặp anh ở nhiều làng nghề, cơ sở làm đồ thủ công như điêu khắc, chạm bạc... Sự chân chất, hồn nhiên mà chịu thương chịu khó của anh để lại nhiều ấn tượng với các nghệ nhân cao tuổi để quan sát và mày mò học hỏi. Qua thời gian, với khởi đầu chẳng dễ dàng gì, đến nay, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã có cho riêng mình một xưởng điêu khắc các sản phẩm sơn mài đặc sắc. 5 năm trở lại đây, tên anh trở thành một từ khóa được nhiều người tìm kiếm. Nhiều cơ quan báo đài, khách du lịch, sinh viên, học sinh… tìm về cơ sở của anh và tham quan làng cổ Đường Lâm bằng những cách tiếp cận khác trước đó.

Nơi đây, du khách có thể trở thành học viên trong lớp điêu khắc sơn mài, tự làm ra những sản phẩm của mình với sự hướng dẫn tận tình, chu đáo. Cũng có khi, mọi người được Phát dẫn ra chùa Mía - nơi có nhiều pho tượng sơn mài công phu, độc đáo bậc nhất, cùng đắm say trong câu chuyện ký ức, phong tục, tín ngưỡng làng Việt rồi từ đó kết nối sang những không gian trẻ trung, rộng mở, sôi động hơn vẫn bằng mạch sơn mài đầy huyền tích.

Bay lên vũ điệu sơn mài ảnh 1

2/Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: “Sơn mài là một trong các chất liệu hội họa thuần Việt nhất với sự tìm tòi, phát triển kỹ thuật của nghề thủ công truyền thống. Ngoài chất sơn trên bề mặt, sơn mài còn cần chất keo dùng công thức có từ nhiều đời xưa. Cũng vì yêu thích sự thuần Việt, nên những chất liệu đặc trưng như vỏ trứng, vỏ dừa, đá ong, gỗ mít… đều được tôi tận dụng như một nét đặc trưng để đưa vào các sản phẩm thủ công của mình. Chất liệu càng chọn lọc, càng kỳ công trong sáng tác, thì tác phẩm ra đời càng giá trị”. Bên cạnh tác phẩm, nghệ nhân trẻ còn đưa vào những câu chuyện về văn hóa để ngoài chứa đựng tinh hoa thẩm mỹ còn xen lẫn hồn cốt dân tộc. Không dừng lại ở sơn ta, nhiều tác phẩm anh cũng thử nghiệm và thành công với sơn ngoại nhập.

Quan niệm nghệ thuật sinh ra để phục vụ đời sống con người, Nguyễn Tấn Phát sớm ý thức rõ giữa chức năng thẩm mỹ và công năng ứng dụng thực tế cho người sử dụng. Vài năm trở lại đây, anh đưa sáng tạo ấy vào hình tượng 12 con giáp một cách tung tẩy mà kỹ lưỡng, công phu. Năm Quý Mão 2023, Nguyễn Tấn Phát cho ra mắt bộ sưu tập mèo độc bản. So các bộ sưu tập trước đó, bộ sưu tập này được đánh giá đa dạng hơn về kiểu dáng, kích cỡ và đã có sự nâng cấp, đầu tư hơn về chất liệu. Đặc biệt nhất phải kể tới bộ sản phẩm mang tên “Bữa tiệc ngày xuân” được anh lấy ý tưởng từ hình tượng mèo và cá đã khá quen thuộc trong dân gian kết hợp bảy sắc cầu vồng để tạo nên bảy chiếc ghế mèo, với bảy kiểu dáng khác nhau. Để giữ được chất độc bản trên từng sản phẩm, thậm chí họa tiết trên mỗi chiếc ghế còn được nghệ nhân khéo léo lồng ghép đường nét tranh Đông Hồ, để tăng giá trị văn hóa, thẩm mỹ.

Năm Giáp Thìn 2024, Nguyễn Tấn Phát tạo bước ngoặt lớn khi cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm mang hình tượng rồng. Trong đó, nổi bật là chiếc ghế hình rồng vững chãi mà không kém phần bay bổng, chứa đựng ý nghĩa sâu xa về văn hóa, lịch sử dân tộc. Huyền tích được nghệ nhân lồng ghép khéo léo qua từng nét chạm trổ, từng vân mực; từng vảy rồng hiện lên sống động, những móng vuốt sắc nét, sự uốn lượn mềm mại… kết quả của quá trình miệt mài sáng tạo và am hiểu của nghệ nhân. Điểm nhấn đặc sắc nhất của chiếc ghế hình rồng dát 2.500 lá vàng ấy được sáng tạo dựa trên hình tượng rồng thời Lý và thuyết “lão long huấn tử” lưu giữ trên bức phù điêu hàng trăm năm tuổi ở đình làng Mông Phụ. Tác phẩm này mang trong mình thông điệp về sự kế thừa những giá trị tốt đẹp cha ông để lại.

Nghệ nhân cho biết, để một tác phẩm rồng độc bản ra đời thường phải mất khoảng 15 đến 30 ngày. Đầu tiên là khâu lên ý tưởng rồi đục tượng bằng gỗ từ khúc gỗ nguyên khối (mất hàng tuần gỗ mới bảo đảm độ khô) sau đó mới mang đi làm sơn mài. Anh làm sơn mài theo lối truyền thống, có khảm chất liệu và sơn nhiều lớp khác nhau. Riêng ghế rồng thời gian và độ công phu còn kéo dài hơn. Từ một hình tượng linh thiêng, nổi bật trong văn hóa truyền thống và mỹ thuật, anh đã nuôi dưỡng cảm hứng để sáng tạo nên bộ sưu tập mà khi vừa trình làng đã được mọi người ưu ái gọi đó là “tạo tác” bởi đứa con tinh thần ấy của Phát là sự hòa quyện từ nhiều thể loại khác nhau, như: tranh phù điêu, tượng, sản phẩm ứng dụng...

Như vậy, ngoài tính mỹ thuật, sản phẩm của Nguyễn Tấn Phát đòi hỏi kỹ thuật rất cao với khát vọng chuyển tải những câu chuyện cổ, những giá trị văn hóa nhiều nhất có thể, để chúng không dừng lại ở giá trị sử dụng mà còn mang giá trị tinh thần lớn.

3/Bên cạnh làm nghề, không ngừng nâng cao sức sáng tạo cho bản thân, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn tâm huyết mở nhiều khóa dạy học, đào tạo học viên điêu khắc sơn mài miễn phí. Những năm qua, anh đã đào tạo khoảng hơn 200 học viên, từ người địa phương đến người ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đến học nghề. Dù vậy, mối băn khoăn của anh chính là sự đặc thù của lĩnh vực vốn đòi hỏi sự rèn giũa bền lâu, kiên trì bên cạnh sức khỏe, tay nghề, sức sáng tạo đổi mới… Anh thừa nhận, để học viên bền bỉ theo nghề được như mình là chuyện khó khăn. Không gian quy mô, bản sắc của anh tại làng cổ Đường Lâm luôn mở cửa miễn phí cho khách tham quan, đó cũng là cách giúp anh lan tỏa về giá trị làng Việt, nghề thủ công sơn mài để mọi giá trị đến gần hơn với đời sống và có thể trong tương lai không xa sẽ vươn ra thế giới.

Cùng là con đường sơn mài, nhưng cách Nguyễn Tấn Phát chọn để gần hơn, sôi nổi hơn với mọi người là tạo những kiểu dáng dễ cảm nhận và ứng dụng, qua đó giúp người dùng có cảm xúc, thêm gắn bó và trở lại, lựa chọn thêm nhiều lần. Trong rất nhiều niềm vui đến với anh, anh say sưa kể về những lớp trải nghiệm mà đa phần là người nhỏ tuổi, trẻ tuổi. Anh không ngờ giới trẻ quan tâm tới nghề truyền thống tới mức ấy. Có dịp hè, anh ước tính đã đón khoảng từ 4.000 đến 5.000 du khách trải nghiệm. Đặc biệt, những du khách nước ngoài cũng rất quan tâm, muốn học nghề và qua đó, họ hiểu nhiều hơn về cuộc sống của người Việt xưa qua nghề truyền thống. Trong tương lai gần, Nguyễn Tấn Phát ấp ủ dự định có thể xâu chuỗi di sản sơn mài thành những hoạt động văn hóa nghệ thuật xuyên suốt với hành trình từ chùa Mía - dấu ấn thiêng liêng với di sản tượng sơn mài - để kết nối với câu chuyện hôm nay một cách bài bản, lôi cuốn, tạo được sức lan tỏa sâu rộng.