Vừa cư trú, mai táng vừa là công xưởng
Di tích Thác Hai được phát hiện đầu năm 2020 và khai quật lần thứ nhất tháng 3/2021, thu được rất nhiều di tích, di vật, cho thấy đây là một di chỉ cư trú-mộ táng-công xưởng rất quan trọng. Ngoài rìu bôn đá, đồ gốm và các mộ táng, các nhà khảo cổ còn thu được hơn 1.000 mũi khoan bằng các loại đá, cùng hàng vạn mảnh tước nhỏ… Từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022, hai bảo tàng tiếp tục khai quật lần thứ hai.
TS Trương Đắc Chiến, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho biết, sau gần 5 tháng, các nhà khảo cổ đã thu thập được khối lượng di vật phong phú, làm rõ thêm nội dung văn hóa và tính chất của di tích Thác Hai. Các di tích xuất lộ gồm mộ táng, cụm gốm, hố đất đen và nền đất cháy. Có 16 mộ táng, phong tục mai táng khá thống nhất, một số mộ chôn theo công cụ đá như rìu, đục, bàn mài, bàn đập vải vỏ cây; có mộ chôn theo đồ tùy táng là 42 hạt chuỗi thủy tinh mầu xanh. Di vật thu được gồm đồ đá, đồ gốm và thủy tinh. Đồ đá là loại di vật chủ đạo ở Thác Hai, nhiều nhất là mũi khoan với 1.596 tiêu bản. Đáng chú ý, hầu hết mũi khoan đều chưa có dấu vết sử dụng. Đồ gốm di chỉ Thác Hai có các loại hình bình, nồi, chum, vò, bát bồng… với nhiều kích cỡ. Đồ thủy tinh chủ yếu là loại hình hạt chuỗi với 1.244 hạt chuỗi… Từ đó cho thấy, Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng và là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn. Tính chất cư trú thể hiện rõ qua địa tầng dày trên dưới 2m, ken dày đặc mảnh gốm và đồ đá cùng các dấu vết sinh hoạt khác như than tro, hố đất đen…, cho thấy cư dân cổ đã cư trú tại khu vực này lâu dài và liên tục. Tính chất mộ táng cũng rất rõ nét, thể hiện qua việc các mộ táng xuất lộ trong mọi độ sâu của tầng văn hóa, với táng thức khá thống nhất. Tính chất công xưởng lại càng nổi bật hơn nữa, với sự xuất hiện của mũi khoan với số lượng lớn, đi kèm là các hiện vật liên quan đến chuỗi chế tác như đá nguyên liệu, mảnh tước, phác vật, phế vật…
Tín hiệu sản xuất thủy tinh
Kết quả khai quật còn cho thấy, di tích khảo cổ học Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 3.500 năm trước Công nguyên cho đến khoảng 2.000 năm cách ngày nay, tồn tại kéo dài trong khoảng thời gian hơn 1.000 năm, với hai giai đoạn phát triển sớm muộn khác nhau. Giai đoạn sớm thuộc hậu kỳ đá mới, đại diện là lớp văn hóa chứa mũi khoan, có cả mộ nồi và mộ đất, đồ tùy táng chôn theo chủ yếu là đồ đá và đồ gốm. Giai đoạn muộn thuộc thời đại đồ sắt, với lớp văn hóa chứa hạt chuỗi thủy tinh, mộ nồi vò chôn theo hạt chuỗi thủy tinh.
Các nhà khảo cổ học cho rằng, Thác Hai có thể là di chỉ có tầng văn hóa dày nhất Tây Nguyên. Các điểm khảo cổ ở Tây Nguyên thường có tầng văn hóa dày trung bình 50-70cm, địa điểm dày nhất ở Lung Leng cũng chỉ trên dưới 1m, nhưng Thác Hai ngay cả khi không tính lớp thứ hai (thời cận đại) thì tầng văn hóa ở đây vẫn dày khoảng 2m. Đặc biệt trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ học còn phát hiện những tín hiệu của hoạt động sản xuất hạt chuỗi thủy tinh ngay tại di chỉ Thác Hai. Tín hiệu thể hiện ở chỗ là mật độ tập trung của thủy tinh trong một diện tích rất nhỏ, chỉ hơn 10m2, nhưng các nhà khảo cổ đã tìm thấy 1.244 hạt chuỗi khác nhau, trong đó có những hạt chuỗi thứ phẩm, phế phẩm, các mảnh thủy tinh nguyên liệu và nhất là sự có mặt của các hạt đá quartz trong địa tầng-một dạng silic được dùng chế tác nguyên liệu thủy tinh. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng, bởi hạt chuỗi thủy tinh tìm được rất nhiều trong các di tích khảo cổ thời đại đồ sắt ở Việt Nam, từ miền bắc đến miền nam.
Nguy cơ khi bắt đầu bị xâm hại
Hiện nay diện tích còn có thể nghiên cứu của Di tích khảo cổ học Thác Hai là khoảng 7.000m2 nhưng đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi các trận lũ từ sông Ea H’leo vào mùa mưa. TS Trương Đắc Chiến hy vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, khai quật càng sớm càng tốt, trên quy mô lớn hơn, nhằm thu thập các di tích, di vật quý giá còn ẩn chứa trong lòng đất.
Tiềm năng khảo cổ học ở Đắk Lắk là rất lớn. Tuy nhiên, với mật độ di tích khảo cổ ở Đắk Lắk khá đậm đặc, cho đến nay, việc lập bản đồ quy hoạch khảo cổ học vẫn chưa được để tâm đúng mức. Do không có quy hoạch và khoanh vùng bảo vệ nên nhiều di tích đã ít nhiều bị xâm hại. Chẳng hạn di chỉ tiền sử quan trọng như Thác Hai, Bảo tàng Lịch sử quốc gia kiến nghị phải nhanh chóng xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ và nghiên cứu lâu dài. Đồng thời tiếp tục khai quật di chỉ Thác Hai trên quy mô lớn hơn để thu thập các di tích, di vật quý giá còn ẩn chứa trong lòng đất. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cần sớm lập đề án Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh, đầu tư cho công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn hiệu quả.
Tỉnh Đắk Lắk cũng được kiến nghị tiếp tục phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia xây dựng chương trình nghiên cứu dài hạn, bài bản và có hệ thống. Hoạt động hợp tác cũng không chỉ giới hạn trên phương diện khảo sát, khai quật khảo cổ học mà còn cả trên các lĩnh vực trưng bày, bảo quản, phục chế hiện vật hay xuất bản ấn phẩm, ứng dụng công nghệ số trong trưng bày nhằm phát huy giá trị của di sản.