Bất cập quy hoạch giao thông tĩnh

Để giải quyết nhu cầu giao thông đô thị đang trở nên quá tải, TP Hà Nội đã nhiều lần nghiên cứu xây dựng đồ án quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe tĩnh, tập trung phát triển hệ thống giao thông ngầm... Tuy nhiên, đến nay công tác triển khai xây dựng những khu vực không gian tiện ích này vẫn chưa có nhiều biến chuyển.

Thành phố chưa có nhiều điểm đỗ xe thông minh, hiện đại.
Thành phố chưa có nhiều điểm đỗ xe thông minh, hiện đại.

Hạ tầng quá tải

Trong xu thế phát triển đô thị hiện đại, để sử dụng đất đai xây dựng một cách hợp lý, tránh ùn tắc giao thông, giảm tải áp lực hạ tầng cơ sở..., thì phát triển hệ thống giao thông tĩnh là việc làm cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hạ tầng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn chịu sự căng thẳng, quá tải. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn trở thành thách thức đối với các cơ quan quản lý và điều hành giao thông đô thị.

Anh Nguyễn Văn Cường (KĐT Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm) cho biết: Mỗi lần có việc phải lên khu vực trung tâm giao dịch là mỗi lần cực hình. Đi xe máy thì xa, mà đi ô-tô thì không biết gửi chỗ nào. Có lần tôi đi ô-tô lên hồ Hoàn Kiếm nhưng lòng vòng mấy dãy phố không tìm được nơi đỗ xe, cuối cùng phải đi ra gửi tại bãi đỗ xe Trần Nhật Duật rồi bắt ta-xi ngược lại. Từ lần ấy, mỗi khi cần lên phố tôi đều đi ta-xi cho tiện.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội đang có hơn 5,5 triệu xe gắn máy, khoảng 486 nghìn xe ô-tô các loại. Trong khi đó, diện tích bến, bãi đỗ xe hiện nay chỉ chiếm 0,12% diện tích đất các quận (trong khi mức yêu cầu là 2-3% diện tích) và chỉ đáp ứng được 8-10% tổng nhu cầu đỗ xe trong khu vực nội thành; khoảng 90% còn lại tập trung tại các điểm đỗ xe trong khu đô thị, khu chung cư, sân cơ quan, công sở, trường học, khu đất trống của các dự án, nhà riêng… Trong số đó, có không ít phương tiện phải đỗ dưới lòng đường, vỉa hè nên không chỉ vi phạm trật tự giao thông mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Có thể nói, sự gia tăng nhanh chóng các phương tiện giao thông đã gây sức ép lớn lên hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội, đặc biệt là giao thông tĩnh, đã kéo theo nhiều hệ lụy. Trong bối cảnh quỹ đất dành để xây bãi đỗ xe đã cạn kiệt, nhiều tòa nhà xây dựng dù không đủ chỗ chứa xe nhưng vẫn tận dụng mặt bằng để kinh doanh, dịch vụ, đẩy phương tiện ra vỉa hè gây lộn xộn, mất trật tự giao thông.

Thực tế nhiều tuyến phố khu vực trung tâm thiếu điểm đỗ xe trầm trọng, chỉ một số ít điểm được đầu tư hiện đại còn phần lớn là sử dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi gửi xe trái phép nên chất lượng dịch vụ kém, không bảo đảm an toàn, gây khó khăn trong công tác quản lý... Hơn nữa, việc sử dụng lòng đường, vỉa hè làm điểm trông giữ xe như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế, sai quy định vì lòng đường, vỉa hè là để phục vụ hành lang giao thông đường bộ và người đi bộ.

Vẫn “giậm chân tại chỗ”

Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có một số bãi đỗ xe công cộng nằm trong các khu đô thị, trung tâm thương mại như khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân), khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng), chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm)… Một số bãi đỗ xe công cộng ngầm dưới các khu vực quảng trường, vườn hoa, đường phố theo quy hoạch cũng đã được thành phố kêu gọi đầu tư và chấp thuận cho một số nhà đầu tư triển khai nghiên cứu thực hiện như: Bãi đỗ xe ngầm Cung thể thao Quần Ngựa, đường Trần Nhân Tông (khu vực trước Công viên Thống Nhất), Quảng trường Cách mạng tháng Tám... Song đến nay việc triển khai các dự án này vẫn khá ì ạch, gặp nhiều khó khăn nên chưa có hiệu quả.

Thực tế, ngay từ năm 2003, thành phố đã quy hoạch các điểm đỗ xe trong nội đô thông qua Quyết định số 165/2003/QĐ-UBND về “Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn TP đến năm 2020” (QH165). Theo đó, đến năm 2020 sẽ xây dựng 13 bãi đỗ xe phục vụ các khu công nghiệp lớn với diện tích 17,8 ha; 11 bãi đỗ xe phục vụ thể dục - thể thao, vui chơi giải trí với diện tích 30,1 ha; hai bãi đỗ xe gắn theo các công trình công cộng khác diện tích 4 ha; hai bãi đỗ xe chuyên dụng diện tích 2 ha. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện QH 165 của Hà Nội chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, thậm chí đã “chết yểu” do không đánh giá cũng như theo kịp xu thế phát triển của các loại phương tiện giao thông. Riêng các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình có 34 dự án thì 26 dự án đã chuyển đổi công năng hoặc chưa triển khai đầu tư.

Nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án xây dựng bãi đỗ xe, ngoài chuyện giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, vướng nhiều thủ tục thì kinh phí đầu tư ban đầu cho các bãi đỗ xe là khá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, kể cả khi Nhà nước cho phép mở thêm khu thương mại dịch vụ đi kèm thì cũng mất hàng chục năm nên nhiều nhà đầu tư không mặn mà. Chưa kể, năng lực tài chính của một số nhà đầu tư hạn chế nhưng vẫn đề xuất nghiên cứu dự án để giữ đất chứ chưa thật sự triển khai nên nhiều dự án đã đi vào ngõ cụt.

Để giải được bài toán thiếu điểm đỗ xe, Hà Nội cần phải có quy hoạch, khai thác tối đa quỹ đất hiện có, cùng với đó tạo cơ chế khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư trong việc áp dụng khoa học - công nghệ trong quản lý. Thành phố cần có chính sách quản lý và giám sát việc triển khai thực hiện xây dựng các bãi đỗ xe thông minh sao cho hợp lý, góp phần giảm tải cho hạ tầng giao thông vốn đang trở nên rất ngột ngạt trong những năm gần đây.