Điểm tựa vượt qua gian khó

Dịch Covid-19 bùng phát khiến đời sống của các tầng lớp nhân dân bị đảo lộn. Nhiều ngành nghề kinh doanh phải tạm ngưng hoạt động khiến không ít người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng thu nhập và đời sống, những người lao động tự do lại càng khó khăn hơn. 

Sự sẻ chia của cộng đồng giúp người nghèo giảm bớt khó khăn trong giai đoạn này.
Sự sẻ chia của cộng đồng giúp người nghèo giảm bớt khó khăn trong giai đoạn này.

Người nghèo lao đao

Sự lây lan phức tạp của dịch bệnh khiến nhiều địa phương trong cả nước bắt buộc thực hiện giãn cách xã hội. Trong bối cảnh ấy, gánh nặng cơm áo, gạo tiền của người lao động nghèo lại càng thêm chồng chất, bởi nguồn dự trữ kinh tế không có, nỗi lo chi tiêu sinh hoạt hằng ngày đang đẩy họ vào cuộc khủng hoảng. Một người đàn ông trung niên thường đi nhặt phế liệu ở quận Hoàng Mai chia sẻ, từ khi thành phố thực hiện quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, rất ít ngày ông có được một bữa ăn đúng nghĩa. “Nay thành phố thực hiện giãn cách theo chỉ thị mới, tôi cố gắng cầm cự qua ngày nhưng không được nữa rồi. Ngày mai tôi sẽ về quê”, ông nói.

Cuối năm 2017, chị Nguyễn Thị Hiệp (huyện Thường Tín, Hà Nội) lên nội thành Hà Nội bán hàng rong mưu sinh nuôi gia đình. Cuộc sống vẫn diễn ra như bình thường cho đến khi dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng chức năng ra quân giải tỏa chợ cóc, chợ tạm, con đường kiếm sống của chị tại Thủ đô trở nên mong manh. Buổi sáng, chị ra chợ đầu mối lấy cất các mặt hàng rau, củ đi bán. Phương tiện hoạt động là chiếc xe đạp cũ. Mỗi ngày chị chất lên đó nào rau, củ, quả, hành, ớt, tỏi… rồi đạp xe quanh phố để bán. “Tôi đi bán rau, hôm nhiều thì được hơn 100.000 đồng, có hôm chỉ khoảng 50.000 - 70.000 đồng. Những ngày dịch như thế này, tôi chẳng dám bước ra khỏi nhà vì sợ bị phạt”, chị chia sẻ. 

Chồng chị Huệ bị mất sức lao động sau một vụ tai nạn, các con đều đã nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, thế nhưng khi tất cả mọi hoạt động xã hội đều ngừng trệ, nếu ở lại Hà Nội lúc này chị Huệ cũng chẳng biết làm gì. Ra chợ bán hàng cũng chẳng có mấy khách, mà nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng lại cao, thôi thì “cuộc sống mình nghèo mãi quen rồi”, chị nói.

Chuyện người lao động nghèo gặp khó khăn không hiếm gặp trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là ở những xóm trọ luôn có những hoàn cảnh rất đáng thương. Vì thế, mỗi khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều gia đình lại khóa cửa, trả phòng trọ, thu xếp hành lý về quê. Bởi nếu không về, ở Thủ đô họ biết trông đợi vào đâu khi nguồn thu nhập không còn, ruộng vườn không có, mà bữa ăn hằng ngày thì vẫn phải lo.

Cần lắm những sẻ chia 

Hơn một năm qua, trên khắp cả nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện hỗ trợ hoặc kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp giúp đỡ người lao động nghèo. Nhiều hình ảnh xúc động về sự sẻ chia vật chất với người bị cách ly, với các y, bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch hay những người nghèo khó đã nhân lên hiệu ứng tốt đẹp trong xã hội. Đó là những “cây ATM gạo”, mô hình độc đáo được triển khai nhanh chóng trên cả nước đã cung cấp gạo miễn phí cho nhiều gia đình bị “đứt bữa” do mất thu nhập trong thời kỳ giãn cách xã hội. 

Bằng tinh thần san sẻ một miếng khi đói bằng một gói khi no cho người yếu thế, những “Cửa hàng hạnh phúc”, “Cửa hàng 0 đồng”, “Chợ nhân đạo”, “Quán ăn dã chiến”, “Chuyến xe yêu thương”, những bữa ăn, suất ăn 1.000 đồng… đã giúp không ít người cơ nhỡ có được bữa cơm ấm lòng. Những mô hình trao sức khỏe, trao yêu thương như tặng sổ khám bệnh cho người nghèo đi khám, chữa bệnh không tốn chi phí cũng được triển khai ở nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền biển đến miền núi xa xôi đã nhận được những lời khen ngợi, động viên từ cộng đồng và truyền cảm hứng đến mọi người.

“Nếu khó khăn hãy lấy đi một phần, nếu bạn ổn hãy nhường người khác” là một thông điệp giản dị, gần gũi nhưng có sức lan tỏa rất lớn, để từ đó, hàng nghìn tấn gạo, hàng triệu tấn nông sản, thực phẩm đã được huy động nhằm san sẻ khó khăn với người nghèo. Chưa bao giờ, tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều lại phát huy mạnh mẽ trong thời gian qua. Điều ấy cho thấy, niềm tin về sự tử tế, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân luôn phát huy và hiện hữu trong những thời khắc đất nước gặp khó khăn. 

Với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau và luôn đặt tính mạng con người, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng đại dịch. Đặc biệt, đời sống người dân luôn được quan tâm bằng những gói hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội, mang lại hiệu quả, phù hợp từng giai đoạn chống dịch. 

Lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” đang lan tỏa rộng khắp ở nhiều nơi. Hiện, nhân dân cả nước đang thực hiện nghiêm theo chỉ đạo, đồng tâm, dồn sức, đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch toàn cầu. Đây cũng là điểm tựa để một lần nữa tin tưởng rằng, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi trong thời gian tới.