Mùa gặt bên phố Hội

Mùa gặt lúa trên cánh đồng phố cổ Hội An, những thửa ruộng đã gặt và chưa gặt, những ruộng lúa đã chín và đang chín như những mảng mầu vàng pha trong nắng.
0:00 / 0:00
0:00
Mùa gặt rộ trên những cánh đồng ở Hội An.
Mùa gặt rộ trên những cánh đồng ở Hội An.

Niềm vui được mùa

Phơi lúa trên đường bê-tông xuyên cánh đồng, cô Lê Thị Chiêm, 64 tuổi, ngụ tại khu dân cư An Mỹ (phường Cẩm Châu, Hội An), cho biết: “Năm nay được mùa, 3 sào ruộng của tôi cho thu hoạch khoảng 1,3 tấn lúa. Giá lúa hiện tại là 8 nghìn đồng/kg. Vậy là mùa xong, tôi có khoảng 10 triệu đồng rồi đó”.

Nói xong, cô Chiêm mỉm cười. Đường bê-tông hắt lên không khí nóng. Bù lại, rơm bị vò nhàu bay mùi thơm của mùa gặt mà chỉ có những người đã từng làm ruộng, hoặc đã ra đồng đi chơi, thả hồn trong những ngày này mới cảm nhận được chất rơm thơm.

Nhưng tính đi thì cũng phải tính lại, cây lúa không thể tự nhiên mà mọc, các thời kỳ sinh trưởng của cây cũng phải chăm sóc đủ bề, nào là công cày, công trồng, công làm cỏ, công bỏ phân, công lấy nước. Cô Chiêm nhẩm tính: “Mỗi sào, công thuê máy cày bừa 220 nghìn đồng, công gặt và tuốt lúa 250 nghìn đồng, 3 kg lúa giống 90 nghìn đồng, 185 nghìn đồng phân chuồng, phân đạm khoảng từ 150-180 nghìn đồng, thuốc trừ sâu, chưa tính đến công của mình khi vạc bờ, lúc nhổ cỏ, cấy giặm, bắt ốc bươu thì mỗi sào đã tốn hết hơn 1 triệu đồng”.

Một năm trồng lúa cũng chỉ 2 vụ. Người nông dân ở Hội An thu hoạch tốt hơn vào vụ chiêm xuân, vụ mùa thường đối diện với những đợt mưa ngập hoặc gió bão nên 3 sào ruộng nhân lên rồi chia cho 3,5 tháng thì được khoảng bao nhiêu, tôi thắc mắc.

Chi phí cho 3 sào lúa của cô Chiêm mùa này khoảng 3,6 triệu đồng cho 3 sào. Tuy nhiên, đây là năm được mùa, gặp phải năm mất mùa thì sản lượng sẽ bị giảm đi và chi phí có thể tăng lên chút đỉnh vì lúa đang chín gặp cơn gió đổ rạp, lúa đang phơi trời đổ cơn mưa, người dân chạy đôn chạy đáo cào lúa đống bao, lúa ngấm nước mọc mầm. Đúng là có ở gần người nông dân mới hiểu được “dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Nhưng vì sao người dân mướt mồ hôi trong nắng vẫn cười tươi trên đồng ruộng của mình? Ông Huỳnh Văn Đông, ngụ tại khu dân cư Đồng Xá (phường Cẩm Nam, Hội An), cho biết: “Làm ruộng là công việc bình thường. Nó nhập vào con người mình rồi. Nếu đưa mình làm công việc khác, thí dụ như buôn bán, sửa chữa máy móc mình đâu có làm được. Vậy cứ yên tâm, đây là công việc cha ông để lại cho mình. Vậy thì đừng suy nghĩ, phân bì”.

Bên phố là đồng

“Nhìn mùa gặt bằng sự lãng mạn của nhiều khách du lịch đạp xe dạo trên cánh đồng thì nó giống như một vẻ đẹp trời cho. Nhưng làm ruộng thì khác, kể từ khi vỡ đất cho đến lúc có bông lúa vàng nó là sự tích lũy bao đời của đồng đất và công lao động”, chị Nguyễn Thùy Vân, một hướng dẫn viên du lịch cho hay.

Mùa gặt lúa không đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân nhưng lại đem lại cho thành phố du lịch một nét thơ mộng. Trong một ngày sẽ bắt gặp rất nhiều khách du lịch đạp xe, đi bộ hoặc tập thể dục trên cánh đồng. Tình yêu cánh đồng khiến người Hội An không bỏ ruộng hoang nhưng bù lại họ có thu nhập khác gắn với khách du lịch.

Nhiều căn nhà ven đồng thường được khách du lịch đến thuê ở. Bà Đoàn Thị Thúy, ngụ đường Lý Thái Tổ (phường Sơn Phong, Hội An), cho biết: “Tôi thường ra đồng vào lúc sáng sớm, 7 giờ sáng đã về nhà,

8 giờ 30 phút đi dọn nhà cho khách sau đó về nghỉ trưa, chiều lại đi dọn cho nhà khác. Bình quân mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 400 nghìn đồng. Làm ruộng là công việc chính nhưng thu nhập thì rất là phụ. Còn làm công việc phụ cho thu nhập lại là chính”, bà Thúy cho hay.

Bà Thúy, bà Chiêm, ông Đồng đều có chung suy nghĩ, Hội An hấp dẫn khách du lịch không chỉ là phố cổ mà còn là đồng lúa, đồng rau, đồng màu của họ. Ông Đông cho biết: “Nếu chỉ nhìn cánh đồng với mỗi mùa thu hoạch nông nghiệp thì rất khó. Nhưng người dân làm ruộng thường vận dụng thêm nghề phụ như dọn nhà, giặt thuê, chăm sóc cây kiểng cho những nhà biệt thự, villa hoặc dọn dẹp trong các khách sạn kiếm thêm thu nhập”.

Chị Thùy Vân cho rằng, đồng lúa là nơi thanh niên trở lại, nơi họ quay về khi công việc ở phố thị bị rơi rớt. Đồng lúa cũng là nơi trải nghiệm cho du khách cũng là chỗ để kiếm thêm việc như làm hướng dẫn viên.

Mùa gặt lúa trên cánh đồng phố cổ Hội An không chỉ là một hoạt động nông nghiệp mà còn là một phần không thể thiếu của văn hóa và du lịch ở đây. Lúa và phố cổ như một mối gắn kết, một chuỗi giá trị liên quan níu chân du khách và mùa này đang tạo ra công ăn việc làm cho nhiều bên.

Hội An là đô thị chuyên về du lịch nhưng trên cánh đồng không chỉ bắt gặp những người già, người luống tuổi mà trong mùa gặt cũng gặp nhiều thanh niên tham gia thu hoạch với gia đình.