Cuộc tỏa sáng hiếm hoi
Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu tuồng chèo toàn quốc 2017 vừa khép lại tại Thanh Hóa, có lẽ cảm xúc chung của một số người đi trước với nghệ sĩ trẻ là sự hài lòng. PGS, TS Tất Thắng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định: “Hội đồng giám khảo rất mừng khi lực lượng nghệ sĩ trẻ của sân khấu tuồng, chèo đã xuất hiện không ít những tài năng trẻ hội tụ các yếu tố Thanh - Sắc - Thục - Tinh - Khí - Thần. Chính vì thế mà hội đồng giám khảo quả đã rất lúng túng khi phải lựa chọn theo tỷ lệ huy chương”.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (NSSK VN) cũng vui mừng khi cho rằng, về số lượng, các nghệ sĩ đến dự thi hơn 40 tiết mục của tuồng và 50 tiết mục của chèo, từ TP Hồ Chí Minh cho tới Bình Định, Huế, rồi tuồng Trung ương, Thanh Hóa… Nhiều gương mặt tài năng đã thật sự phát lộ, nhiều nghệ sĩ đẹp lung linh trên sàn diễn cả về thanh sắc cũng như sự luyện tập, làm chủ sân khấu.
Dù vậy, PGS Tất Thắng cũng chỉ ra những điểm chưa trọn vẹn. Đó là những lỗi từng được thấy qua nhiều cuộc thi trước đây như sự lấn át của xử lý đạo diễn làm mờ sự chủ động của vai dự thi, của việc diễn viên chưa sạch nước cản nhưng cũng đã đi thi tài năng, là sự non nớt, chưa làm chủ được sàn diễn.
Có chìm vào bươn chải
Theo dõi cuộc thi vừa qua, một số chuyên gia và công chúng đồng thuận khi cho rằng, cần có nhiều hơn những hoạt động nghề nghiệp để thế hệ diễn viên trẻ trưởng thành. Có những bạn trẻ như Thùy Dương của chèo Hải Phòng thì mạnh dạn tự tập, xin lãnh đạo tham gia cuộc thi vì đây là cơ hội cuối cùng khi tuổi cũng đã ở ngưỡng quy định. Các bạn trẻ như Phạm Thị Lan của Đoàn chèo Bắc Giang, rồi Tống Như Đạt của tuồng Thanh Hóa không ngại vai khó, sẵn sàng tập luyện để dự thi và mong muốn khán giả trẻ biết nhiều hơn đến bộ môn mà mình dấn thân. Những diễn viên trẻ chúng tôi phỏng vấn đều rất mong chờ cơ hội như cuộc thi này để có thể tập luyện và chứng tỏ khả năng, cũng như học hỏi thêm những vai diễn khác của các bạn đồng nghiệp.
NSND Lê Tiến Thọ ghi nhận, rất nhiều em đã như lột xác sau khi thi, có bước trưởng thành vượt bậc, và Hội NSSK cần tổ chức thêm hoạt động để các diễn viên trẻ giữ ngọc gìn vàng, giúp sân khấu truyền thống giữ vững giá trị nghệ thuật.
Vai diễn Súy Vân, đoạn xâu chỉ vá áo, do diễn viên trẻ Nguyễn Thị Thắm - Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Các cuộc thi tài tìm kiếm, khẳng định, tôn vinh những tài năng trẻ của ngành. Nhưng quan trọng hơn, sau những cuộc thi, liệu chúng ta có chế độ đặc biệt nào để nuôi dưỡng tài năng? Liệu có bạn trẻ nào thành công từ cuộc thi trở về thay đổi nổi cuộc sống thực tế của chính mình? Có bạn trẻ nào từ những tấm huy chương kiêu hãnh mà được tăng lương, được tặng thưởng xứng đáng?
Hay là, sau những tháng ngày vinh quang trở về với đời sống nghệ thuật, không ít tài năng trẻ, đặc biệt là các tài năng diễn viên sân khấu truyền thống lại phải lao vào cuộc mưu sinh bởi nhà hát không dựng vở mới nhiều, không thường xuyên đỏ đèn. Mà chỉ trông chờ vào lương để chuyên tâm luyện tập thì ai cũng rõ, mức lương hiện tại không thể giúp nghệ sĩ an tâm dốc hết tài sức cho nghề. Thậm chí cả khi các đơn vị nghệ thuật đỏ đèn thì với khung bồi dưỡng hiện thời, khi sân khấu truyền thống quá thưa vắng khách, việc có được một nguồn thu khả dĩ để an tâm tái sáng tạo vẫn chỉ là trên lý thuyết. Thế là quá thuộc câu “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, hầu hết các tài năng này lại quay về việc đi làm thêm như hát tại các quán, hát đám, hát hầu… bươn trải kiếm sống. Vì vậy, chính họ cũng bị mai một đi nghề nghiệp, tài năng khi phải làm những việc không thuần nghề như vậy.
Biết được nguy cơ đó là rất lớn, vậy nhưng phần lớn các ý kiến của người có trách nhiệm vẫn là hy vọng những cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước mau chóng đi vào đời sống, để thế hệ nghệ sĩ trẻ yên tâm cống hiến với nghề.