Bảo đảm nguồn cung điện cho sản xuất

Các hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như JCCI, Kocham, Amcham đã bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu điện tại miền bắc. Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan đã có những giải pháp đồng bộ và sẵn sàng bảo đảm không thiếu điện trong mọi tình huống.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân điện khắc phục các sự cố mạch điện. Ảnh: BẮC SƠN
Công nhân điện khắc phục các sự cố mạch điện. Ảnh: BẮC SƠN

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp FDI và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI) cho biết, mùa hè năm ngoái, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng xảy ra ở khu vực phía bắc khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất và dự báo ngày giao hàng.

“Thực trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mô hình just in time - yếu tố cốt lõi của chuỗi cung ứng. Một số công ty hội viên JCCI cho biết, đang cân nhắc xem xét lại hệ thống sản xuất toàn cầu của mình”, đại diện JCCI quan ngại.

Nỗi lo ngày càng lớn

Còn theo ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), trong thời gian từ tháng 6 - 7/2023, nhiều khu vực ở miền bắc (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...) xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện và ở một số khu công nghiệp cũng đã tiến hành cắt điện có báo trước với tần suất khoảng 1 - 2 lần/tuần.

Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được rằng, hiện tượng thiếu điện như vậy là yếu tố gây trở ngại lớn cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời đã có nhiều nỗ lực nhằm đề ra giải pháp, tuy nhiên đây là vấn đề khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn đang chỉ ra rằng, hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Lập trường của các doanh nghiệp toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp cao mà Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư cũng tương tự.

Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, tuy nhiên họ đang ngần ngại việc tiến hành đầu tư do việc cung cấp điện không ổn định và các quy định pháp luật liên quan chưa rõ ràng.

“Đề nghị Chính phủ Việt Nam có phương án cung cấp điện thông suốt trong các khu công nghiệp để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc có thể duy trì hoạt động sản xuất ổn định”, đại diện Kocham kiến nghị.

Tình trạng thiếu điện sẽ không xảy ra

Trước những lo lắng của nhà đầu tư, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg liên quan đến cân đối điện, bảo đảm không thiếu điện trong mọi tình huống, Bộ Công thương đang nỗ lực cùng ngành điện để thực hiện nhiệm vụ này.

“Chúng tôi có thể khẳng định và cam kết, việc thiếu điện sẽ không xảy ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cam kết bảo đảm tính ổn định và chất lượng nguồn điện”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định.

Để bảo đảm nguồn điện ổn định, theo Thứ trưởng Công thương, Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm phát triển đường dây 500 kV mạch 3 để kéo điện ra miền bắc và đồng bộ hệ thống truyền tải. Điều này thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực bảo đảm không thiếu điện. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng thực hiện giải pháp về mặt công nghệ để phát triển hài hòa các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tăng khả năng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện để bảo đảm phát điện ổn định.

Gợi ý thêm giải pháp, ông Joseph Uddo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) khuyến khích việc tiếp tục đối thoại giữa Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bên liên quan trong khu vực tư nhân để có thể đưa ra các giải pháp khả thi ngắn hạn và dài hạn để Việt Nam đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng, bao gồm thúc đẩy phê duyệt các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) quy mô lớn nhằm hỗ trợ an ninh năng lượng.

Amcham cũng cho rằng, Chính phủ xem xét điều chỉnh các thỏa thuận mua bán điện (PPA) theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho các tổ chức đa phương và tổ chức tài chính phát triển cho vay các dự án lớn về chuyển đổi năng lượng và lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhà đầu tư hiện tại cần các quy định hợp lý hơn để có thể cung cấp năng lượng tái tạo, vì nhiều nhà đầu tư mới và các dự án mở rộng cần có khả năng tiếp cận năng lượng tái tạo để xem xét đầu tư. Những vấn đề then chốt bao gồm việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, xây dựng nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà, tiếp cận năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp và hướng dẫn cơ chế Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA).

“Chúng tôi rất vui và được khích lệ bởi những tín hiệu cho thấy, DPPA có thể được triển khai vào ngày 1/7/2024. Các thành viên của Hiệp hội cùng với các nhà đầu tư luôn sẵn sàng hỗ trợ triển khai sớm nhất chương trình đáng mong đợi từ lâu này,” ông Joseph Uddo nhấn mạnh.

Ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) cũng khẳng định, các doanh nghiệp Anh sẵn sàng đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, tài chính, dược phẩm và hàng tiêu dùng. Đặc biệt, thông qua Quy hoạch điện VIII cho thấy, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giảm thải carbon. Ông khuyến nghị triển khai nhanh chóng Quy hoạch điện VIII, đặc biệt phát triển LNG, điện năng lượng mặt trời và gió.

“Chúng tôi khuyến nghị triển khai phối hợp Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) phù hợp với Quy hoạch điện VIII và bảo đảm tính sẵn sàng của các dự án thí điểm cụ thể, đặc biệt là về năng lượng gió ngoài khơi”, ông Denzel Eades nêu rõ.

Tương tự, JCCI gửi tới Chính phủ Việt Nam 3 đề nghị, với mục tiêu để các doanh nghiệp sản xuất hoạt động suôn sẻ gồm ổn định nguồn điện cho các khu công nghiệp; đưa ra thông báo trước về việc cắt điện và các yêu cầu tiết kiệm điện để có đủ thời gian điều chỉnh và đưa ra cơ chế ưu đãi khuyến khích các công ty tiết kiệm điện và sản xuất điện. Ngoài ra, Chính phủ sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý và hướng dẫn tạo thuận lợi cần thiết cho các dự án phát triển điện lực, bao gồm những vấn đề liên quan đến các dự án nhà máy điện ngoài khơi quy mô lớn.

“Chẳng hạn như nới lỏng các điều kiện để thỏa thuận dự án điện trực tiếp cho các dự án năng lượng tái tạo; hay xem xét cơ chế định giá hiện hành đối với sản xuất điện từ chất thải sinh khối. Đồng thời, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện Quy hoạch điện VIII”, JCCI đề xuất.