Thực tế...
Đã có địa phương thực hiện chủ trương này, nhưng mỗi nơi làm một cách. Cách làm chưa thống nhất, lại liên quan chặt chẽ tới đời sống của anh chị em nghệ sĩ nên khó tránh khỏi gây hoang mang cho đội ngũ nghệ sĩ, nhất là các nghệ sĩ thuộc các kịch chủng kịch hát dân tộc.
Đơn cử, tại Thanh Hóa, các đoàn như ca múa, kịch, tuồng, chèo, cải lương được chia thành hai đơn vị là nhà hát ca múa kịch Lam Sơn và nhà hát nghệ thuật truyền thống. Hay ở Lạng Sơn, đoàn ca múa kịch và trung tâm văn hóa nghệ thuật sáp nhập thành một trung tâm nghệ thuật. Quảng Ninh sáp nhập ba đoàn chèo, cải lương, kịch nói thành đoàn nghệ thuật Quảng Ninh...
Qua thăm dò ý kiến, có thể thấy hầu hết các nghệ sĩ đều ý thức được, đây là một xu hướng tất yếu. Nếu cách làm này được tiến hành thận trọng, có tham khảo ý kiến của giới chuyên môn, có sự điều tra khoa học, và sự tư vấn của các chuyên gia nghệ thuật ở từng địa phương thì sẽ tránh được tình trạng vẫn tồn tại bấy lâu nay là sự đầu tư dàn trải, nuôi dưỡng và bảo tồn theo cách “dở sống dở chết”, không thể thúc đẩy được sự phát triển đột phá vì thiếu sự kích thích đúng đắn cho khâu sáng tạo. Sự đầu tư tập trung có chọn lọc sẽ góp phần giúp các nghệ sĩ giỏi có điều kiện chuyên tâm hơn với nghề, cống hiến hết mình và cũng gạn lọc được những diễn viên không còn năng lực.
NSND Thúy Mùi nhận xét, số diễn viên chưa đến tuổi hưu theo chế độ nhưng đã hết tuổi nghề vì không còn xuân sắc lại chiếm tỷ lệ khá lớn ở các đơn vị. Với kinh nghiệm nhiều năm lãnh đạo Nhà hát Chèo Hà Nội, bà khẳng định, con số nghệ sĩ ở các đơn vị chuyên nghiệp nhưng gần như không tham gia hoạt động nghệ thuật phải chiếm tới 30% mà không có cách nào giải quyết nổi. Hiện bộ máy ở các nhà hát, đơn vị nghệ thuật sân khấu đang quá đông, cồng kềnh và đôi khi níu chân nhau vì nhiều lý do tế nhị như: phân công vai vở cũng cần đắn đo về lớp trước lớp sau, về uy tín... mà không phải hoàn toàn được thực hiện vì sự phù hợp của người diễn viên cho vai diễn...
Những khó khăn cần tháo gỡ
Trước hết, việc sáp nhập về mặt hành chính, đã phần nào làm gọn bộ máy quản lý, song hầu hết mới là phép cộng gộp cơ học. Ngay từ khâu lựa chọn kịch chủng nào sẽ được giữ nguyên như một loại hình sân khấu tiêu biểu của địa phương cũng rất cần dựa trên những phân tích khoa học, có luận cứ rõ ràng.
Rồi với những cách làm khác nhau, chưa thật sự thỏa đáng ở nhiều địa phương cũng đã gây ra những xáo trộn về nhân sự, làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư của các anh chị em nghệ sĩ. Như ý kiến khá quyết liệt của NSƯT Đào Quang, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Nam Định thì, việc sáp nhập nhiều loại hình tuồng, chèo, kịch, cải lương đã buộc các nhà hát phải rút gọn số lượng biên chế (đã có những kịch chủng chỉ còn lại năm, sáu diễn viên...). Với đội ngũ mỏng như vậy, kế hoạch xây dựng vở chắc chắn sẽ không thể thực hiện được nếu không nhờ diễn viên của loại hình khác sang để đủ nhân lực. Có khi nghệ sĩ chèo phải sang diễn kịch, lấy cải lương sang diễn chèo và ngược lại… Rõ ràng, với sự đan chéo như vậy sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng chuyên môn của các vở diễn. Rồi trong một tổ hợp các loại hình đó, nhà quản lý sẽ làm sao để đưa ra được định hướng phát triển nghệ thuật cho đơn vị bởi mỗi loại hình nghệ thuật (chèo, tuồng, cải lương, kịch) đều có tính đặc thù riêng.
Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu sân khấu cũng cho rằng, sân khấu kịch hát truyền thống thực hiện việc sáp nhập cơ học cũng dễ dẫn tới thực trạng nhiều tỉnh, thành phố xác định không có loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu nào cần duy trì với tư cách một đơn vị độc lập...
Sự bảo tồn này lại càng khó khăn hơn với việc thu hút nhân tài đến với các hình thức nghệ thuật dân tộc. Khi ngành kịch hát nói riêng, sân khấu nói chung hiện đang ở vị thế rất thấp, thật khó để mời gọi các nam thanh nữ tú đủ tiêu chuẩn thanh sắc đến với nghề. Trong bối cảnh các ngành tuồng, chèo đã có nhiều chính sách ưu đãi với các em như được miễn học phí, được bảo đảm đầu ra mà còn rất khó khăn để tuyển sinh thì nay việc thu gọn nhân lực, không còn đơn vị chuyên nghiệp ở từng địa phương, việc khó lại thêm khó, nói gì đến việc các em tích cực sống chết luyện tập thành tài. Nếu không có sự thận trọng, các ngành này sẽ mất đi thế hệ kế cận xứng đáng, lại càng khó để gìn giữ, bảo tồn vốn cổ trong cách thức biểu diễn rất khó đạt tới đỉnh cao như các nghệ nhân tuồng, chèo xưa.
Việc tiến tới xã hội hóa là cần thiết, nhưng không thể vội vàng. Quy trình này đòi hỏi phải những chính sách có tính đặc thù, phù hợp với từng địa phương để bảo đảm quyền lợi cho các nghệ sĩ sau khi sáp nhập. Nếu không thận trọng, cứ sáp nhập, xã hội hóa một cách nóng vội thì vô hình trung, rất dễ đánh mất những thương hiệu nghệ thuật chuyên nghiệp đã được các thế hệ nghệ sĩ đi trước dày công xây dựng từ nhiều thập niên trước.