Ballet Kiều chinh phục khán giả Hà Nội

Hầu như các hàng ghế tại Nhà hát Lớn Hà Nội đều kín chỗ trong buổi công diễn vở ballet chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.

Các thể loại nghệ thuật được hòa trộn trong vở ballet Kiều một cách tinh tế.
Các thể loại nghệ thuật được hòa trộn trong vở ballet Kiều một cách tinh tế.

1. Đây là buổi công diễn đầu tiên tại Hà Nội sau khi ballet Kiều ra mắt tại TP Hồ Chí Minh hồi tháng 6. Vở chọn lọc thể hiện “Truyện Kiều” qua 3 hồi, 15 cảnh, kết hợp giữa kỹ thuật ballet cổ điển phương Tây với phong cách múa dân gian, múa truyền thống và văn hóa, bản sắc Việt Nam; giữa âm nhạc giao hưởng, nhạc đương đại với nghệ thuật ca trù, hát xẩm cùng nhiều thể loại âm nhạc dân gian khác do biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh chuyển thể kịch bản và tổng đạo diễn. 

Ngay từ đầu vở, hình ảnh đại thi hào Nguyễn Du được khắc họa như một người kể chuyện, trôi trong vi vô thoát vòng trần tục, phơi bày rõ sắc thái hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố của dòng đời, vẽ lên hình hài của bao thân phận con người ba chìm bảy nổi trong hành trình trăm năm kiếm tìm hạnh phúc từ khi sinh ra cho đến khi trở về với cát bụi, gieo vào suy tưởng của người xem suy ngẫm về nhân tình thế thái, tìm về với “Chân tâm”, “Phật tánh” ẩn sâu trong bản thể của mỗi người.

Để rồi sau đó, suốt gần hai giờ của vở diễn, cả khán phòng lúc lặng đi, lúc lại dâng trào cảm xúc theo từng phân đoạn. Khi thì nhộn nhịp xuân tươi của hồi một cho đến những đau đớn tột cùng qua những đoạn trường bi ai của thân phận nàng Kiều. Và khi buổi diễn khép lại là tràng dài vỗ tay không ngớt xen cả những giọt nước mắt xúc động.

Ballet Kiều chinh phục khán giả Hà Nội -0
Nghệ sĩ ballet Trần Hoàng Yến thể hiện thành công vai Kiều. 

2. NSND Phạm Anh Phương, Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam, chia sẻ: Đây là một tác phẩm khá hoành tráng với những thủ pháp thể hiện rất mới, dựa trên tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du ra đời cách đây mấy trăm năm nhưng đã được nghệ sĩ Tuyết Minh thổi vào hơi thở mới của cuộc sống ngày hôm nay. Với cái nhìn sáng tạo, bằng ngôn ngữ của hình thể, các nghệ sĩ đã chuyển thể một tác phẩm văn học kinh điển thành vở ballet hiện đại cùng nhiều thủ pháp âm nhạc, ánh sáng… Nhìn chung đây là một vở diễn thành công, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của tập thể các nghệ sĩ Nhà hát giao hưởng TP Hồ Chí Minh. 

Được biết, bằng lòng yêu nghề, tâm huyết với vở múa, các nghệ sĩ đã luyện tập cho vở ballaet Kiều ngay trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành để cống hiến những đêm diễn hết sức mình. Có thể nhận thấy xuất hiện nhiều dòng múa trong vở diễn, từ múa cổ điển châu Âu (ballet), múa đương đại và múa dân gian dân tộc. Bằng sự sáng tạo của biên đạo, ba dòng ngôn ngữ múa này đã hòa quyện vào nhau để tạo nên một ngôn ngữ riêng cho vở ballet Kiều ở những phân cảnh khác nhau. Dòng ngôn ngữ riêng đó đã khắc họa rõ nét nhất hình ảnh nhân vật với những tâm trạng, những sắc thái biểu đạt thật ấn tượng. Như cảnh diễn vẽ lên bức tranh thủy mặc du xuân của tài tử, giai nhân dập dìu trong hương xuân tươi mới. Đó là phong cách kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với khí chất của tuồng, chèo, và vốn múa dân tộc Kinh. 

3. Ballet Kiều thật sự đã không làm khán giả Hà Nội thất vọng sau bao ngày chờ đợi. Dù đã 80 tuổi, bà Phan Thị Phúc (Đống Đa, Hà Nội) vẫn háo hức đến xem vở diễn cùng một người bạn. Chưa hết xúc động sau khi bước ra khỏi khán phòng, bà chia sẻ: Thật tuyệt, chỉ bằng ngôn ngữ múa mà vẫn nói được các nội dung của “Truyện Kiều”, về thân phận của cô Kiều. Qua vở ballet này, tôi nhận thấy tư duy rất tinh tế của biên đạo múa Tuyết Minh, phần âm nhạc cũng rất cuốn hút, ngẫu hứng và truyền cảm theo từng phân cảnh khiến chúng tôi vô cùng thán phục.

Thành công của vở ballet Kiều ngoài việc khẳng định tình yêu, sự sáng tạo, lao động hết mình của những người nghệ sĩ còn chứng tỏ một điều rằng nghệ thuật là không có ranh giới. Bởi suy cho cùng dù ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật ở bất kỳ thể loại nào nếu phản ánh được bản chất của đời sống xã hội đều luôn được tôn vinh, tồn tại và có giá trị đến muôn đời sau.