Cùng hào hứng diễn chèo, yêu chèo
Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 diễn ra tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam từ ngày 12 đến ngày 28/10 với 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp. Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã trao 1 giải xuất sắc vở diễn (vở “Đất liền và biển cả” - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa) cùng với 6 Huy chương vàng; 6 Huy chương bạc; 4 Huy chương đồng cho các vở. Về giải cá nhân, có 41 Huy chương vàng, 66 Huy chương bạc, 9 Huy chương đồng…
Liên hoan lần này dù là đề tài lịch sử, dã sử hay đương đại cũng đều có lớp lang nhuần nhụy. Hầu hết các vở có thắt nút, mở nút và cốt truyện rõ ràng, nhiều tình tiết xung đột, gây xúc động và lôi cuốn; có sự dàn dựng công phu, tập luyện kỹ lưỡng, diễn xuất nhuần nhuyễn, có nội tâm, sáng tạo nhưng vẫn giữ được đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống… NSND Thúy Ngần, Thành viên Hội đồng nghệ thuật nhận xét, liên hoan xuất hiện những tài năng và gương mặt triển vọng, có sự đam mê, nhiệt huyết với nghề, hứa hẹn có thể đảm nhiệm nhiều dạng vai diễn khác nhau.
Điểm cộng của liên hoan còn là sự cổ vũ nhiệt tình cũng như tình yêu nghệ thuật của khán giả Hà Nam. Trước mỗi vở diễn, dù ban ngày hay buổi tối, dù trời nắng hay mưa, hội trường lớn Nhà văn hóa tỉnh Hà Nam luôn kín chỗ, một số buổi cả hội trường tầng 1 và tầng 2 gồm 1.000 ghế đều không còn chỗ trống, các lối đi cũng được tận dụng làm chỗ ngồi. Bà Nguyễn Thị Nhân ở huyện Bình Lục, dù nhà cách Phủ Lý hơn 20 cây số nhưng toàn bộ 27 vở chèo tham dự liên hoan bà đều đến xem từ rất sớm. “Hôm khai mạc cũng là lần đầu tiên tôi được xem những nghệ sĩ nổi tiếng của làng chèo mà bấy lâu tôi hâm mộ như Quốc Chiêm, Thanh Ngoan, Tự Long, Thu Huyền, Quốc Phòng, Hoài Nam… diễn trực tiếp trên sân khấu. Ròng rã nửa tháng, tối nào xem xong đạp xe về đến nhà cũng đã hơn 11 giờ đêm nhưng vui lắm”, bà hồ hởi tâm sự. Chị Trần Mai Anh (phường Minh Khai) bộc bạch: “Từ hôm diễn ra liên hoan, mẹ chồng mình phấn khởi lắm. Buổi sáng con cái bận đi làm, bà ngồi xe ôm tới xem, chiều tối thì giục cả nhà thu xếp ăn cơm sớm rồi cùng đi. Tình yêu chèo của bà truyền sang con cháu nên cả nhà tôi chưa bỏ một buổi diễn nào”. NSƯT Tuyết Nga, 81 tuổi, từng là diễn viên chèo Hà Nội, hiện đang sống cùng con trai tại Mỹ kể rằng, bà về nước đúng ngày 12/10 nên đặt luôn vé máy bay từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nam để kịp dự khai mạc liên hoan. Trong những ngày lưu trú tại đây, tận mắt chứng kiến cảnh hội trường nhà văn hóa tỉnh Hà Nam không còn một ghế trống, bà rất đỗi trân trọng và vững tin chèo vẫn có sức sống mãnh liệt.
Băn khoăn về những hạn chế
Bên cạnh những kết quả khả quan, Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 vẫn còn một số bất cập tồn tại. Đó là sự hạn chế trong giao lưu, học hỏi, tương tác giữa các đoàn nghệ thuật, giữa nghệ sĩ với khán giả. Hầu hết các đoàn chỉ sát ngày thi diễn mới đến chạy sân khấu và ra về ngay sau khi hoàn thành buổi diễn bởi không có kinh phí lưu trú lâu hơn.
Theo hội đồng nghệ thuật, tuy đã xuất hiện một số gương mặt mới nhưng đội ngũ biên kịch chèo chưa đông, chưa mạnh, chưa bền vững và bản lĩnh vốn sống chưa ngang tầm đòi hỏi. Do đó, tác phẩm dự thi vẫn chưa có nhiều “tích hay, trò lạ”, chưa có nhiều mới mẻ, đột phá, mà hầu hết còn mang xu hướng “hoài cổ”. Một số vở kết cấu lỏng lẻo, thiếu logic, chặt chẽ: lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu; mở đầu thắt nút ở tuyến này, cởi nút lại chạy sang tuyến khác; có vở diễn hết cảnh 2, cảnh 3 rồi mà người xem không biết tên nhân vật là gì; có vở cái kết dông dài, thừa thãi. Số vở diễn chuyển thể từ kịch nói sang chèo khá nhiều (13/27 vở) nên vẫn còn tình trạng tính kịch lấn át tính trữ tình hoặc tính trữ tình lấn át tính kịch, dẫn đến hiện tượng “kịch cắm ca”.
Bên cạnh đó, tình trạng hiếm vở diễn đề tài đương đại vẫn chưa được khắc phục. Có tới 26/27 vở thuộc đề tài quá khứ, chỉ duy nhất một vở đề tài cuộc sống hôm nay. Có vở diễn âm nhạc, trang trí, múa minh họa, ánh sáng, tiếng động rất hoành tráng nhưng lại khiến khán giả có cảm giác xa rời chèo truyền thống. Có vở tên gọi và nội dung không khớp nhau, lời đối thoại thiếu tính văn học, chủ đề thiếu tính triết lý nhân sinh, nhân vật phụ lấn át nhân vật chính. Một số đạo diễn tuy có nghề, có kinh nghiệm nhưng lặp lại chính mình, làm cũ chính mình. Nghệ sĩ biểu diễn còn tình trạng hát chênh, phô, chệch nhịp, quên lời, rơi khăn, rơi đạo cụ, quần áo thiếu chỉn chu…
Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đã khép lại với nhiều ấn tượng sâu sắc. Sự đánh giá, ghi nhận của Ban tổ chức là nguồn động lực to lớn để các nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn tiếp tục sáng tạo, cống hiến, mang lại nhiều vở diễn hay hơn nữa.
Mỗi buổi diễn đều có khoảng 300 giáo viên và học sinh trên địa bàn tỉnh Hà Nam đến xem chèo như một hoạt động ngoại khóa. Theo ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, để các em biết đến liên hoan, xem các tiết mục, từ đó mới có thể tìm hiểu và yêu chèo. Những hoạt động thiết thực này giúp thổi dần tình yêu nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ.