Một buổi tối đẹp trời, các cặp vợ chồng, bạn bè và một vài phụ nữ độc thân tập trung tại căn bếp trong một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố Tupelo, bang Mississippi (Mỹ), nơi họ cùng chủ nhà Mary Ann Plasencia làm món bánh gối nhồi thịt. Khi Plasencia nhiệt tình chỉ cách gấp và tạo hình viền bánh bằng nĩa, cô như đã chia sẻ một phần “di sản Cuba” cho các thực khách.
Buổi tối trên được tổ chức bởi Cooking as a First Language (tạm dịch là “Nấu ăn như ngôn ngữ đầu tiên”), một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục đích phá vỡ các “rào cản” về ẩm thực và khoảng cách văn hóa. Từ thành phố New Haven (bang Connecticut) đến Cleveland (bang Ohio), ngày càng nhiều lớp học nấu ăn và câu lạc bộ bữa tối được tổ chức nhằm kết nối người bản địa với cộng đồng nhập cư, tị nạn. Chủ nhà vào bếp cùng khách, thường là tại nhà riêng, hoặc ở những trung tâm văn hóa, nơi nói không với phân biệt chủng tộc.
Lauren McElwain, người sáng lập Cooking as a First Language luôn tâm niệm rằng ẩm thực mang mọi người đến gần nhau nhanh hơn bất cứ thứ gì khác. Năm 2017, McElwain chủ trì bữa tối dành cho một số người Nhật Bản ở Tupelo. Trước đó, những người phụ nữ châu Á này đã ghé thăm blog của McElwain và đề nghị bà hướng dẫn các công thức của món ăn Mỹ. McElwain nhanh chóng nhận ra rằng, khi tiếng Anh của họ còn hạn chế thì ẩm thực là ngôn ngữ họ sẵn sàng sẻ chia. “Ở trong bếp, chúng ta có chung mục đích”, McElwain cho hay.
Sau bữa ăn đó, McElwain cùng các cộng sự lên kế hoạch cho các bữa tối khác, nhưng để người nhập cư chủ trì và nấu nướng các món ăn của họ. McElwain chia sẻ lên mạng xã hội và không ngờ đã đón nhận nhiều phản ứng tích cực từ cộng đồng. “Một người bạn địa phương gốc Ấn đến gặp tôi và nói rằng họ muốn tổ chức một bữa tối tại nhà. Rồi một người phụ nữ khác bày tỏ bà đến từ Mexico và cũng có thể tổ chức một bữa tối như vậy”, McElwain nhớ lại.
Kể từ đó, Cooking as a First Language liên tiếp tổ chức các bữa tối mang phong cách Morocco, Bangladesh, Ecuador, Nam Phi…, được dẫn dắt bởi đầu bếp đến từ một trong những quốc gia nói trên, hoặc có mối liên hệ đặc biệt với địa phương đó. Các chương trình của Cooking as a First Language không phải sân chơi của đầu bếp chuyên nghiệp, và điều đặc biệt là ngày càng nhiều khách du lịch đăng ký tham gia những bữa tối đó.
Trước khi phổ biến ở các thành phố nhỏ, sáng kiến tương tự đã được triển khai tại các trung tâm đô thị lớn của Mỹ. Là con gái của một người nhập cư Hàn Quốc, nghệ sĩ Lisa Gross nhận thức rõ về sự đa dạng văn hóa của New York. Theo Gross, chia sẻ kiến thức ẩm thực và trò chuyện giữa đại diện các nền văn hóa cũng quan trọng như việc trao đổi hàng hóa để kết nối thế giới. Cô cho ra mắt Liên minh các nhà bếp ở thành phố New York, thường tổ chức các cuộc gặp gỡ của dân bản địa tại nhà riêng của người nhập cư để giúp tìm hiểu ẩm thực và văn hóa nước ngoài. Tổ chức này đã sắp xếp hơn 1.000 bữa tối và điều hành nhiều hội thảo về trao đổi văn hóa. Những sự kiện tương tự cũng lan rộng tới Los Angeles và Seattle.
Laurie Hart, nhà nhân chủng học tại Đại học California (Mỹ) cho rằng, các chương trình trên xuất phát từ mong muốn tạo một không gian an toàn để trao đổi văn hóa. Chia sẻ ẩm thực là cách hiệu quả để gắn kết các cộng đồng trong cuộc sống hằng ngày. Laurie Hart cũng tin rằng, các sáng kiến trên là giải pháp mà người Mỹ đang triển khai để giải quyết những vấn đề liên quan phân biệt chủng tộc và nạn bài ngoại.
Hơn 44 triệu người nhập cư hiện sống ở Mỹ, chiếm khoảng 13,6% tổng dân số “xứ cờ hoa”. Trong bối cảnh người di cư trở thành vấn đề toàn cầu, kéo theo những câu chuyện buồn về bài ngoại hay phân biệt chủng tộc, các tổ chức phi lợi nhuận như Cooking as a First Language đang thể hiện được vai trò của mình, với sứ mệnh hỗ trợ người nhập cư có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.