Tiền thân là Ban Hán Nôm ra đời năm 1970, nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã có nửa thế kỷ “góp cổ vào kim”, đồng hành cùng công cuộc đổi mới đất nước, phát huy sức mạnh văn hóa nước nhà trên đôi cánh di sản Hán Nôm. Cho đến nay, đây là đơn vị đầu ngành về sưu tầm, bảo quản, phục chế, khai thác, dịch thuật, nghiên cứu về các tư liệu văn hiến cổ của Việt Nam.
Gần 35 nghìn cuốn sách Hán Nôm, gần 70 nghìn thác bản văn bia và các nguồn tài liệu khác được viện sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị nhiều năm qua. Đây là kho tàng vô giá về văn hóa, lịch sử nước nhà qua hàng nghìn năm trên nhiều phương diện: văn học, sử học, địa lý, bản đồ, toán học, nông học, y học, dược học, thiên văn học, nghệ thuật diễn xướng, các tư liệu liên quan đến tôn giáo và các tín ngưỡng dân gian truyền thống. Từ nguồn tài liệu dồi dào, phong phú, cùng tâm huyết của nhiều thế hệ nghiên cứu, diễn đàn học thuật của viện trở thành nơi thu hút các nhà Hán Nôm học trên toàn quốc. Những đóng góp của viện phải kể đến nhiều công trình nghiên cứu có tính lý luận và thực tiễn về khai thác di sản Hán Nôm và các sách thư mục học, bi ký học, ấn chương học, thư tịch học, từ điển, tự điển. Viện còn là địa chỉ uy tín dịch thuật các tư liệu cổ sang tiếng Việt hiện đại để cung cấp sử liệu, tư liệu cho độc giả với phạm vi biên dịch trải dài trên nhiều lĩnh vực như sử học, địa lý học, văn học, y dược học, tôn giáo, tín ngưỡng, nông học, phong tục tập quán. Trong gần 30 năm qua, viện đã đào tạo được 46 tiến sĩ, hơn 60 thạc sĩ ngành Hán Nôm, góp phần cung cấp đội ngũ có chuyên môn sâu cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý văn hóa trên nhiều địa phương, vùng miền, tôn vinh và khẳng định vị trí quan trọng của di sản Hán Nôm trong văn hóa truyền thống và đương đại, đặc biệt là trong công tác xây dựng đời sống văn hóa hôm nay. Những năm qua, thích ứng xu thế chung, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế với vai trò tư vấn, thẩm định, biên soạn, chỉnh lý, xuất bản các công trình khoa học; hợp tác nghiên cứu, tổ chức hội thảo, đào tạo với nhiều đơn vị từ Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã được tặng Huân chương Lao động hạng ba, hạng hai và hạng nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ… Thời gian tới, phát huy truyền thống và thành tựu nửa thế kỷ, viện đang tập trung đầu tư cho kho sách Hán Nôm, lưu ý phát triển “bốn hóa” gồm chuyên môn hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa và tin học hóa. Thế hệ lãnh đạo và cán bộ, chuyên gia nghiên cứu mới, trẻ của viện, bằng sự năng động, trẻ trung và sáng tạo, đang làm gần lại khoảng cách và mối quan tâm của công chúng, xã hội đối với di sản Hán Nôm quý giá của dân tộc.