Thành lập tại Hà Nội ngày 3/11/1983, Phân viện mang tên đầy đủ A.X. Puskin, là “lá cờ đầu” trong việc tuyên truyền, quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Nga ở Việt Nam.
Sau khi Liên bang Xô-viết tan rã, Phân viện Puskin tại Hà Nội trở thành Phân viện duy nhất còn tồn tại với tình cảm sâu nặng đến kỳ lạ của những ai đã từng gắn bó với tiếng Nga, văn hóa Nga.
40 năm hoạt động, Phân viện luôn tích cực hỗ trợ các cơ sở giáo dục Việt Nam trong dạy và học tiếng Nga, góp phần củng cố tình bạn hữu nghị và mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, công tác ngoại giao nhân dân giữa hai quốc gia. Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao các chương trình, hoạt động của Phân viện nhằm hỗ trợ, phổ biến ngôn ngữ Nga và văn hóa Nga. Bà Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện cho biết, hằng năm, Phân viện luôn phối hợp các đơn vị của Nga tổ chức các Festival giao lưu văn hóa Việt - Nga, Ngày tiếng Nga, các cuộc thi, khóa học tiếng Nga, trại hè quốc tế cho học sinh, sinh viên hai nước. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga Konstantin Mogilevsky, Phân viện Puskin luôn giữ vai trò là cơ quan đi đầu về quảng bá tiếng Nga, văn hóa Nga tại cả Việt Nam và Đông Nam Á.
Được biết, mỗi năm, Viện tiếng Nga Quốc gia mang tên A.X. Puskin trao tặng 1.000 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Nga theo học. Đồng thời, Viện này cũng thường xuyên hợp tác với Phân viện Puskin Hà Nội và Trung tâm khoa học và văn hóa Nga trong việc cung cấp các loại giáo trình, sách tham khảo, tạp chí chuyên ngành, tài trợ giải thưởng và học bổng cho các kỳ thi Olympic tiếng Nga, các hội thảo song phương và quốc tế về giảng dạy và truyền bá tiếng Nga ở cả Việt Nam và Đông Nam Á.
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Phân viện Puskin cũng đã tổ chức hội thảo khoa học - thực hành quốc tế “Chiến lược nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ trong không gian khoa học và giáo dục hiện đại”. Hội thảo có sự tham dự của các nhà Nga ngữ học của Việt Nam và đại diện các nước Đông Nam Á.