Giải đấu quan trọng nhất của TTVN trong năm mới là SEA Games 33. Chương trình thi đấu của Đại hội thể thao khu vực lần này (gồm 44 môn và 567 bộ huy chương) sẽ thiếu vắng khá nhiều môn, phân môn và nội dung thế mạnh của chúng ta như Vovinam, lặn, aerobic, dance sport. Mặc dù vậy, với tiềm lực sẵn có, giới chuyên môn vẫn tin rằng Đoàn TTVN dự SEA Games 25 đủ khả năng tranh chấp để lọt vào nhóm dẫn đầu toàn đoàn chung cuộc, trên bảng xếp hạng huy chương. Và thực tế, dường như chính điều đó cũng đang trở thành một rào cản vô hình, cho tiến trình tái cấu trúc trọng điểm.
Không phải đến tận bây giờ, vấn đề đầu tư dàn trải và thiếu trọng tâm mới được nhắc đến. Không phải đến tận bây giờ, câu hỏi về vị trí đích thực của SEA Games: Là cơ hội chuyển mình, là bước tạo đà cho các môn cơ bản trong chương trình Olympic hay vẫn sẽ là một “nhiệm vụ thành tích” mới được đặt ra. Và cũng không phải đến tận bây giờ, những khiếm khuyết trong việc chăm lo cho vận động viên, từ khâu tìm kiếm và đào tạo tài năng trẻ đến hướng nghiệp, nhằm chuẩn bị cho quãng thời gian từ giã sự nghiệp thi đấu, mới bộc lộ.
Do đầu tư dàn trải, nhiều môn trong nội dung Olympic không thể cạnh tranh huy chương ở đấu trường châu lục. Ảnh: MINH LÊ |
Sau lần thứ hai "trắng tay" tại một kỳ Thế vận hội, những mệnh đề đó đã trở nên gay gắt hơn lúc nào hết, đặc biệt là khi chúng ta tụt lại so với những người láng giềng Đông Nam Á, ở đấu trường đỉnh cao đó. Tại Olympic Paris 2024, nếu vận động viên các đoàn Philippines (2 Huy chương vàng, 2 Huy chương đồng), Thailand (1 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc, 2 Huy chương đồng), Malaysia (2 Huy chương đồng) hay Indonesia (2 Huy chương vàng, 2 Huy chương đồng) đều đủ sức sẵn sàng tranh chấp huy chương một cách sòng phẳng, thì nhìn chung, TTVN chưa thể hiện được bước tiến đáng kể nào.
Để thành công ở sân chơi khu vực, các đội tuyển và mọi cá nhân cũng cần được đầu tư kinh phí về dinh dưỡng, trang thiết bị, chuyên gia hướng dẫn, thi đấu quốc tế. Vậy thì, tại SEA Games 33, một lần nữa, chúng ta sẽ phải tự vấn và trả lời câu hỏi: Đâu là trọng điểm đầu tư đích thực, là mục tiêu tối thượng mà TTVN hướng đến? Đó sẽ là đẳng cấp của các cuộc tranh tài quốc tế, hay việc nhất thiết bảo vệ được một vị trí mang tính “thống trị” lâu bền ở sân chơi khu vực? Và chúng ta, những người hâm mộ, có chấp nhận việc Đoàn TTVN không còn duy trì vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu SEA Games, nhưng các “át chủ bài” được dưỡng sức và tập trung nhiều hơn để sẵn sàng chinh phục các sân chơi lớn hơn là Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) và tiếp cận đẳng cấp Thế vận hội hay không?