Gỡ vướng từ chính sách

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025 của ngành thể thao, ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Thể dục - Thể thao (TDTT - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, năm 2025 được xác định là năm bản lề của thể thao Việt Nam (TTVN) và một trong những mục tiêu hàng đầu của TTVN trong năm 2025 là đầu tư trọng điểm cho các môn, các VĐV để nâng tầm vị thế thể thao nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thể thao cần tập trung đầu tư cho các môn trọng điểm để hướng tới ASIAD 2026 và Olympic 2028. Ảnh: LÊ MINH
Thể thao cần tập trung đầu tư cho các môn trọng điểm để hướng tới ASIAD 2026 và Olympic 2028. Ảnh: LÊ MINH

Đây cũng là năm đầu tiên thể thao thành tích cao Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045 với nhiều mục tiêu quan trọng, gần nhất là ASIAD 2026 và Olympic 2028.

Dù xác định năm 2025 là năm đột phá cho TTVN song khi nhìn lại và đánh giá thực trạng hiện tại, ông Việt chia sẻ rằng, việc đầu tư trang thiết bị phục vụ tập luyện, hồi phục, dinh dưỡng cho VĐV tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia vẫn còn rất nan giải. Nói tới đầu tư tức là nói tới câu chuyện tiền bạc. Trong giai đoạn vừa qua, trung bình một năm ngân sách chi 800 tỷ đồng cho ngành thể thao để đầu tư cho tất cả các môn, gồm cả 17 môn trọng điểm. Số tiền này là không đủ và ngay cả khi ngành thể thao nỗ lực không đầu tư dàn trải, tìm điểm để đầu tư đột phá thì với số lượng môn trọng điểm nhiều như vậy, số tiền trên chỉ như muối bỏ bể.

Trên thực tế, tiềm năng về con người của TTVN không hề thua kém, điển hình là việc chúng ta thường đạt kết quả tốt ở các giải trẻ. Nếu có được nguồn kinh phí hợp lý và ổn định, thành tích của TTVN hẳn sẽ có bước chuyển lớn. Để làm được điều đó, cần gỡ vướng từ chính sách, cụ thể là ở mối quan hệ giữa Cục TDTT và 41 liên đoàn, hiệp hội thể thao. Lâu nay Cục TDTT là cơ quan ôm đồm nhiều việc, từ tổ chức thực hiện đến quản lý nguồn quỹ. Trong khi đó muốn tạo được kênh đầu tư xã hội hóa, cần phải thông qua liên đoàn, hiệp hội thể thao. Hay nói cách khác, mảng liên đoàn, hiệp hội thể thao cần được tự chủ để huy động kinh phí, thực hiện tổ chức giải, còn Cục TDTT chỉ nên quản lý chung. Đây là phương án được đề xuất từ lâu nhưng vẫn chưa thể thực hiện. Nhìn rộng ra, cả nước hiện nay đang thực hiện tinh gọn bộ máy. Việc lớn như thế còn làm được thì không có lý do gì việc nhỏ ở một ngành lại bế tắc.