"Xây đỉnh" hay "đắp nền"?

Công cuộc chấn hưng văn hóa đang được Đảng và Nhà nước quyết liệt thúc đẩy đã thu được những kết quả tích cực, thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò nền tảng của văn hóa trong phát triển. Dù vậy, thực tế đời sống đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần điều chỉnh, để có thể tạo nên chuyển động tích cực cho văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Biểu diễn nghệ thuật tại Festival Ninh Bình-Tràng An kết nối di sản.(Ảnh: THU CÚC)
Biểu diễn nghệ thuật tại Festival Ninh Bình-Tràng An kết nối di sản.(Ảnh: THU CÚC)

Quanh nội dung này, Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với PGS,TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

- Phóng viên: Thưa các chuyên gia, để thúc đẩy sự phát triển của cả nền văn hóa lên một giai đoạn mới, việc xây "đỉnh"- được hiểu là các giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu, và đắp "nền"- được hiểu là đời sống văn hóa trên bình diện rộng, có vai trò và ý nghĩa như thế nào?

"Xây đỉnh" hay "đắp nền"?  ảnh 1

PGS, TS Nguyễn Viết Chức.

- PGS, TS Nguyễn Viết Chức: Trước tiên phải khẳng định, triển khai chương trình chấn hưng văn hóa vào thời điểm này là hoàn toàn đúng đắn. Nó như là việc xây nền móng bền vững cho giai đoạn phát triển có tính lịch sử 2025-2045. Bởi vậy, nếu nói chấn hưng văn hóa là xây nền tảng cho phát triển là hoàn toàn đúng đắn. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển trong tình hình mới thì bản thân văn hóa, nhất là văn hóa nghệ thuật phải đạt những đỉnh cao mới, mang hơi thở của thời đại. Như vậy, "đắp nền" và "xây đỉnh" có ý nghĩa to lớn và thiết thực. Khó nói cái nào cần ưu tiên, vì "nền" và "đỉnh" lúc này đều cần. Nền móng là cái không thể thiếu trong phát triển bền vững. Nhưng nếu cứ thiếu "đỉnh" thì khó thấy cái đích của sự phát triển. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh về việc cần sáng tạo những tác phẩm văn học-nghệ thuật mang đậm dấu ấn của thời đại mới.

"Xây đỉnh" hay "đắp nền"?  ảnh 2

PGS, TS Bùi Hoài Sơn.

- PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Những năm qua, chúng ta nhận thấy sự quan tâm ngày càng nhiều hơn và sâu sắc hơn của toàn xã hội đối với văn hóa. Điều đó chứng minh, quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng và Nhà nước đã thu được những kết quả tích cực, thay đổi nhận thức của toàn xã hội về vai trò nền tảng của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước. Ở bối cảnh đó, tôi nghĩ, thúc đẩy sự phát triển văn hóa lên một giai đoạn mới thì việc xây dựng "đỉnh cao" và đắp "nền" có vai trò và ý nghĩa quan trọng ngang nhau. Theo đó, "đỉnh cao" của văn hóa chính là những tác phẩm nghệ thuật, giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, có thể thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc trong tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới. Xây dựng "đỉnh cao" văn hóa có vai trò quan trọng thông qua việc thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu là những biểu hiện sinh động của bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần khẳng định và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, xây dựng "đỉnh cao" cũng đồng nghĩa với việc tạo ra các giá trị văn hóa mới có giá trị. Những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu không chỉ là những giá trị được lưu giữ từ quá khứ mà còn được tạo mới trong hiện tại. Xây dựng "đỉnh cao" văn hóa góp phần tạo ra những giá trị mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong thời kỳ mới. Ngoài ra, xây dựng "đỉnh cao" để chứng minh văn hóa có vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Trong khi đó, "nền" của văn hóa là đời sống văn hóa trên bình diện rộng, có vai trò quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, là cơ sở để xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc bồi đắp "nền" văn hóa giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân về văn hóa, tạo điều kiện cho nhân dân được sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa. Đồng thời, môi trường văn hóa lành mạnh rất thuận lợi cho sự phát triển của nhân cách, đạo đức của con người và xã hội. Công việc bồi đắp "nền" văn hóa góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội, xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.

Như vậy, các công việc xây dựng "đỉnh cao" và bồi đắp "nền" đều cần được thực hiện đồng bộ, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo sức mạnh tổng hợp để nâng cao vị thế của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

- Phóng viên: Trong bối cảnh đất nước còn đang hạn chế về nguồn lực như hiện nay, theo ông, để có thể thúc đẩy công cuộc chấn hưng văn hóa đạt hiệu quả, cần phải làm gì?

- PGS, TS Nguyễn Viết Chức: Vấn đề lớn ở đây là sự nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, của các ngành, các cấp để có sự đồng thuận trong chấn hưng văn hóa. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: Chấn hưng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, xây dựng văn hóa là xây dựng "nền tảng tinh thần xã hội", "văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội". Bởi thế, chấn hưng văn hóa cần sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân.

Tuy nhiên, các cơ quan văn hóa, nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Đảng và Nhà nước để có chủ trương, chính sách có tầm chiến lược, đồng thời xây dựng kế hoạch lộ trình công việc cụ thể; chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành hữu quan, các địa phương; chỉ đạo cấp dưới, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật chung sức chấn hưng văn hóa với những việc làm thiết thực, tránh phô trương, hình thức tốn kém, không có hiệu quả.

- PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Với điều kiện đất nước như hiện nay, để có thể thúc đẩy chấn hưng văn hóa đạt hiệu quả, theo tôi, chúng ta cần phải làm tốt một số công việc sau:

Thứ nhất là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội. Trong các văn kiện, Đảng ta luôn nhấn mạnh: Văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Như vậy, để chấn hưng văn hóa, chúng ta cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò, vị trí, ý nghĩa của văn hóa trong phát triển bền vững đất nước. Mỗi người dân cần có ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới phù hợp với yêu cầu của thời đại. Văn nghệ sĩ cần tâm huyết, cống hiến nhiều hơn trong việc sáng tác ra các tác phẩm mới, xứng tầm thời đại và sự phát triển của đất nước. Trong khi đó, lãnh đạo, đảng viên phải luôn là những tấm gương mẫu mực về văn hóa, đạo đức cho xã hội.

Thứ hai là xác định rõ mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa. Đây là công việc quan trọng, cần được thực hiện một cách khoa học, bài bản, phù hợp thực tiễn của đất nước. Mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa cần được xác định dựa trên các quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu tổng quát của Đảng và Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Thứ ba là xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp phù hợp. Đây là nhân tố quan trọng, tạo hành lang pháp lý và những điều kiện thuận lợi để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển văn hóa.

Thứ tư là tăng cường đầu tư cho văn hóa, coi đây là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, cần chú ý đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các lĩnh vực, địa bàn có tiềm năng và thế mạnh về văn hóa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các chuyên gia.