Rồng trong văn hóa và đời sống người Việt

Con người đã dựa vào điểm nổi trội của chín con vật có thật, gồm: Thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, chân hổ, móng vuốt đại bàng, tai bò, mũi và bờm sư tử, đuôi gà trống để sáng tạo hình tượng con rồng. Dù không có thật nhưng từ xa xưa, rồng đã thành các biểu tượng trong đời sống, văn hóa của người Á Đông.
0:00 / 0:00
0:00
Đôi rồng đá trước thềm điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long, TP Hà Nội. (Ảnh: TRẦN THANH GIANG)
Đôi rồng đá trước thềm điện Kính Thiên trong Hoàng thành Thăng Long, TP Hà Nội. (Ảnh: TRẦN THANH GIANG)

Rồng là từ thuần Việt, song từ lâu, người Việt “ngầm” mặc định chữ: thìn, long cũng để chỉ con rồng. Chữ thìn có gốc Hán, cổ xưa và cả ngày nay, chữ này chỉ thời gian, ví dụ như giờ thìn, năm thìn. Khi hệ thống biểu tượng 12 con vật phối ứng với 12 địa chi hình thành Chi Thần (người Việt đọc là thìn) thì Chi Thìn có biểu tượng là rồng. Vì thế, khi nói và viết, chữ thìn được dùng với nghĩa là rồng. Chữ long cũng là từ gốc Hán, có nhiều nghĩa nhưng khi dùng để đặt tên người hay một vùng đất thì mang hai nghĩa là: rồng và thịnh vượng. Con rồng tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực nên trong văn hóa cung đình, chữ long là biểu tượng của vua chúa. Tuy nhiên trong văn hóa dân gian, chữ rồng được dùng phổ biến hơn.

Với người Việt, rồng được cho là một trong những biểu tượng văn hóa quan trọng nhất, gắn liền với nguồn gốc ra đời của dân tộc. Người Việt Nam tự nhận mình là con Rồng, cháu Tiên, trong đó Rồng là biểu tượng của yếu tố dương, của người cha, của núi, của sức mạnh... Tiên là biểu tượng của yếu tố âm, của người Mẹ, của biển, của sự mềm mại… Việt Nam là quốc gia có gốc văn minh lúa nước, vì thế rồng là biểu tượng của nước, có thể làm mây, phun mưa. Trong thang giá trị Việt Nam xưa, rồng còn là tượng trưng cho may mắn, thành công nên mới có câu “Mả táng hàm rồng”.

Rồng xuất hiện khá nhiều trong Phật giáo với ý nghĩa bảo vệ, che chắn, phụng sự. Trên ban thờ ở chính điện các chùa miền bắc có Tòa Cửu Long được tạc bằng gỗ rồi thếp vàng. Tòa Cửu Long có hình tượng Đức Phật Thích Ca sơ sinh, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất, có chín con rồng và mây vây quanh. Hình tượng rồng các tư thế: thăng, nằm, lượn… được đắp, chạm khắc ở trên nóc chùa, tường, các cột, xà. Vì long là biểu tượng của vua chúa nên những gì thuộc về vua chúa đều có chữ long kèm theo. Mặt vua là long nhan, áo của vua là long bào, giường vua nằm là long sàng, xe vua đi là long xa… Ấn của vua cũng đúc hình con rồng. Khi long xa đi đến đâu dân chúng hai bên đường phải cúi đầu, đàn bà con gái phải xõa tóc che mặt không được phép nhìn long nhan, nhìn là bất kính, bị xử tội. Có giai thoại về long nhan đã được các nhà hoạt động chèo viết thành vở Cô Son. Chuyện là, một cô gái xinh đẹp quê ở Thụy Khuê (Hà Nội) được tuyển làm cung phi cho Va Minh Mạng. Mỗi lần vua ban “hơi ấm” cho cung phi thì hoạn quan lấy băng đen che mắt. Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng cô gái quê Thụy Khuê cũng được vua để mắt. Khi vua ân ái, cô tò mò gỡ băng che mắt nhìn long nhan, và lập tức Vua Minh Mạng dừng “hành phòng”, đuổi ra ngoài. May mắn cung phi này không bị xử nặng, mà cho về quê. Đã là cung phi thì không chàng trai nào dám lấy nên cô lập am nhỏ bên Hồ Tây ở đó cho đến lúc chết. Vị trí của cái am nay là nhà Thủy phi cơ trên phố Nguyễn Đình Thi.

Rồng trong văn hóa và đời sống người Việt ảnh 1

Rồng không chỉ xuất hiện trong văn hóa, là biểu tượng của vua chúa mà rồng còn đi vào đời sống xã hội Việt Nam. Một trong những làng đầu tiên có tên gắn với rồng là làng Long Đỗ (rốn rồng), ngôi làng gốc của Hà Nội ngày nay. Theo truyền thuyết, làng nằm ở cửa sông Tô Lịch, trong làng có gò đất cao, trên đỉnh gò có lỗ thông hơi, từ đây phát ra âm thanh phì phò và người ta cho đó là hơi thở của rồng. Thế kỷ thứ 5, Lý Bí lập nhà nước Vạn Xuân và dựng “mộc thành” ở làng Long Đỗ. Sách “Đại Việt sử ký” chép, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra vùng đất có thế “rồng cuộn, hổ ngồi”, thuyền đỗ tạm dưới chân thành Đại La, ngài thấy có con rồng bay lên nên đặt tên thành là Thăng Long. Thăng Long nghĩa là rồng bay. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long lập ra nhà Nguyễn. Vua Gia Long chuyển kinh đô vào Huế, hạ cấp Thăng Long, cho gọi là Bắc thành, đổi chữ Thăng Long với nghĩa rồng bay thành Thăng Long với nghĩa thịnh vượng.

Năm 1805, Vua Gia Long sai phá thành Thăng Long thời Lê cho xây thành mới song vẫn giữ nguyên đôi rồng đá trước điện Kính Thiên. Đôi rồng đá hiện vẫn còn. Ở kinh đô Huế cũng còn khá nhiều hình ảnh rồng được đắp, chạm, điêu khắc, đúc bằng đồng. Nhà Nguyễn độc quyền chữ Long, quy định này được duy trì nghiêm ngặt trong các triều vua Nguyễn. Năm 1831, Vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính; năm 1932, ông lập tỉnh Vĩnh Long dựa trên thị trấn Long Hồ (hồ rồng). Những chữ Long của tỉnh Vĩnh Long không có nghĩa là rồng, Vĩnh Long là thịnh vượng mãi mãi. Duy nhất chín nhánh sông chảy qua đất Nam Bộ được gọi là Cửu Long giang (sông chín rồng) nhưng được minh thị cũng khá muộn. Các tỉnh hoặc vùng đất có chữ Long ở Nam Bộ hiện nay hầu hết được đặt tên vào năm 1956.

Rồng được thiêng hóa, thành biểu tượng nhưng cũng được dân gian giải thiêng, mang ra bỡn cợt. Giai thoại Bà Huyện Thanh Quan ra vế đối cho Trạng Quỳnh: “Cây xương rồng, trồng đất rắn/Long vẫn hoàn long” là một thí dụ. Vào dịp Tết Trung thu, từ đô thị đến làng quê đều có múa rồng, múa lân. Múa rồng thu hút rất đông người lớn và trẻ con. Phường múa rồng đi đến đâu người ta đi theo tới đó cho đến khi kết thúc. Tuy nhiên ở thành thị đã tục hóa múa rồng khi người ta treo túi tiền ở trên cao làm phần thưởng. Muốn lấy được túi tiền các chàng trai của phường múa bất chấp nguy hiểm công kênh nhau để đầu rồng có thể đớp được túi tiền. Và khi đớp được túi tiền vẫn phải múa theo nhịp trống để xuống đất an toàn.

Nhà Nam Bộ học Sơn Nam khi viết về những lưu dân khai phá đất Nam Bộ xưa, đã hạ bút “Họ ăn cả mười một con giáp, nếu con rồng có thật thì họ cũng ăn nốt”. Khi đói thì mọi thứ chẳng có gì là thiêng cả, cái người ta cần lúc đó là no bụng. Nhưng rồng lại gần gụi với con trẻ trong trò chơi “Rồng rắn lên mây”.

Rồng, long ngày nay không còn là biểu tượng của quyền uy sức mạnh nhưng vẫn tồn tại trong tín ngưỡng. Nhiều người vẫn chọn giờ thìn xuất hành. Rất nhiều cặp vợ chồng vẫn muốn sinh con năm rồng. Một số hãng ô-tô cho ra đời mẫu xe sang phiên bản rồng. Cũng theo tín ngưỡng, năm thìn mà lại là Giáp Thìn dương khí sẽ mạnh, thành đạt vì chữ Giáp đứng đầu trong thiên can.