Nhân lên niềm tự hào về cội nguồn dân tộc

LTS - Đối với mỗi người con xa quê, tiếng Việt và văn hóa truyền thống Việt Nam luôn là sợi dây kết nối, là chìa khóa gắn kết mỗi tâm hồn Việt với quê hương. Mang theo hành trang văn hóa Việt Nam, không chỉ là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt, mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu và yêu hơn về dải đất hình chữ S.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp.
Giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp.

Khi những người trẻ Nga say mê tiếng Việt

Ở nước Nga, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam từ lâu đã được nhiều bạn trẻ yêu thích. Họ lựa chọn học tập, nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản ở trường lớp và sử dụng như công cụ nghề nghiệp. Hay chỉ đơn giản, họ học vì yêu ngôn ngữ, say mê văn hóa, đất nước Việt Nam.

Với Pavel Bolshakov, sinh viên năm thứ hai Đại học Quan hệ quốc tế quốc gia Moscow, việc chọn tiếng Việt là ngoại ngữ chính là một bất ngờ, khi bước vào trường đại học. Pavel cảm thấy lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 rất thú vị, và chuyện tiếng Việt sử dụng bảng chữ cái latin thay vì chữ tượng hình cũng là sự khác biệt. Pavel tin tưởng sự lựa chọn của mình, cho đây là sự may mắn, là cơ hội tốt để nghiên cứu một ngôn ngữ đẹp của phương Đông.

Điều khiến Pavel thích nhất trong tiếng Việt chính là ngữ âm. Theo Pavel, cách phát âm tiếng Việt gần với giọng hát, khiến ngôn ngữ trở nên du dương lạ thường. Cậu sinh viên năm thứ hai tin rằng, học tiếng Việt giúp Pavel mở cánh cửa mới với thế giới.

Sabina Starikova nghiên cứu tiếng Việt như là ngoại ngữ thứ hai đã ba năm nay. Cơ duyên với tiếng Việt đến với cô sinh viên Khoa Đông phương học và châu Phi thuộc Đại học kinh tế cấp cao Saint Petersburg một cách tình cờ. Cuối năm thứ hai, khi nhà trường đề xuất sinh viên chọn ngoại ngữ hai, trong đó có tiếng Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản, Sabina lập tức chọn tiếng Việt. Sabina có ấn tượng đặc biệt về Việt Nam.

Con đường học tiếng Việt nhiều gian truân, khi Sabina mất nhiều thời gian để trau dồi khả năng phát âm, nắm vững ngữ pháp, kỹ năng hội thoại với giáo viên bản ngữ. Đổi lại, trên hành trình học ngôn ngữ, Sabina đã có cơ hội tìm hiểu nền văn hóa, lịch sử dân tộc Việt Nam. Sabina chia sẻ, cô yêu chiếc áo dài truyền thống và thích đọc thơ Việt Nam. Sabina thuộc lòng và có thể trình bày diễn cảm nhiều bài thơ, như Đây thôn Vĩ Dạ, Quê hương…

Nhân lên niềm tự hào về cội nguồn dân tộc ảnh 1

Trao chứng nhận tặng các cá nhân đạt giải trong cuộc thi “Tôi yêu Việt Nam”.

Chỉ kéo dài trong một tuần, song chuyến du lịch đến Việt Nam năm 2016 đã giúp Julietta Aniskina cảm nhận được sự giàu đẹp của tiếng Việt và văn hóa “dải đất hình chữ S”. Ngay khi về tới sân bay ở Moscow, Julietta thông báo với mẹ mong muốn đến Việt Nam làm việc. Nói là làm, Julietta nghỉ việc tại Moscow và một mình trở lại Việt Nam. Cô gái trẻ chọn Nha Trang (Khánh Hòa) để tìm việc. Cô được nhận vào làm hướng dẫn viên tại một công ty du lịch, với tiền lương đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, sau một tháng, nghe lời mẹ Julietta buộc phải trở về Moscow, dù không hề muốn xa Việt Nam.

Lấy chồng và sinh con, song Julietta không nguôi nỗi nhớ Việt Nam. Julietta quyết định học tiếng Việt và tải ứng dụng để học.

Hè 2023, Julietta có cơ hội đưa gia đình nhỏ thăm Việt Nam và tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt khi tham quan phố phường. Julietta nhiều lần nói vui rằng “kiếp trước Julietta là con gái Việt Nam”, bởi cô yêu đất nước và con người, say mê ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.

Lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt tại Pháp

Sau thời gian gián đoạn do dịch bệnh, các hoạt động giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam diễn ra sôi nổi tại Paris và các thành phố ở Pháp. Mỗi cá nhân, tổ chức có cách làm khác nhau, song cùng hướng tới mục đích tôn vinh văn hóa Việt.

Năm 2023 là dấu mốc đặc biệt đối với Việt Nam và Pháp, khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược. Một trong những sự kiện khởi động năm giao lưu văn hóa Việt-Pháp là chương trình “Xuân kết nối, Tết tự hào” của Hội Tôn vinh văn hóa Việt.

Được thành lập ngày 9/1/2019, Hội Tôn vinh văn hóa Việt quy tụ nhiều người Việt ở một số nước trên thế giới và người Pháp gốc Việt đang sinh sống tại Paris, có chung mong muốn gìn giữ và lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam, cũng như nét đẹp người Việt.

Chị Nguyễn Đức Diane Thu Dung, Chủ tịch Hội chia sẻ: Mỗi thành viên Hội Tôn vinh Văn hóa Việt đều có mong muốn kết nối cộng đồng, gìn giữ nét văn hóa truyền thống, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Việt Nam đến người Pháp và bạn bè quốc tế. Hoạt động giới thiệu văn hóa giúp các thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên tại Pháp sử dụng tiếng Việt tốt hơn, hiểu hơn nét văn hóa đặc sắc nguồn cội. Đối với mỗi người con xa quê, tiếng Việt và văn hóa truyền thống Việt Nam luôn là sợi dây kết nối, là chìa khóa gắn kết mỗi tâm hồn Việt với quê hương.

Nhiều năm phụ trách công tác thiếu nhi của Hội người Việt Nam tại Pháp, bà Lý Kiều Thu rất vui khi thấy các thế hệ người Việt tại Pháp ngày càng có nhiều hoạt động thiết thực để lan tỏa tiếng Việt và văn hóa Việt ở nước sở tại. Với bà Thu, việc gìn giữ và truyền lại những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cho các cháu sinh ra và lớn lên ở Pháp, nhất là những cháu mang trong mình hai dòng máu Việt và Pháp, là rất quan trọng.

Bày tỏ may mắn được tham dự nhiều hoạt động văn hóa Việt Nam tại Pháp, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa châu Á, ông Albert Mathéo nhấn mạnh: “Càng tìm hiểu, tôi càng thấy bức tranh văn hóa Việt Nam rất đặc sắc. Không chỉ thúc đẩy các hoạt động gìn giữ văn hóa của người Việt trong cộng đồng ở Pháp, các bạn còn làm rất tốt công tác ngoại giao văn hóa, giúp nhân dân Việt Nam và Pháp vốn đã gắn bó càng gần gũi hơn. Những ngày Việt Nam tại Pháp mang đến hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, phát triển năng động và có nhiều di sản văn hóa đặc sắc”.

Cũng theo ông Albert Mathéo, hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa là hướng đi quan trọng để nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước. Ông cho rằng Việt Nam đã tiến một bước dài trên nhiều lĩnh vực, có nhiều chủ trương nhằm gìn giữ giá trị truyền thống và tiếp thu giá trị hiện đại. Theo chuyên gia Pháp, với sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt tại Pháp, những giá trị cốt lõi của Việt Nam như tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc cùng bản sắc văn hóa đặc sắc sẽ ngày càng lan tỏa và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Gieo mầm tình yêu Tổ quốc ở nơi xa

Tiếp nối các thế hệ trước, cộng đồng kiều bào tại Thái Lan ngày nay vẫn một lòng kính yêu Bác Hồ, tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, luôn hướng về quê hương. Tình yêu Tổ quốc tiếp tục được gieo mầm và được vun đắp trong các lớp học tiếng Việt trên khắp Thái Lan, để niềm tự hào về cội nguồn dân tộc không ngừng nhân lên, lan tỏa.

Cộng đồng kiều bào ở Thái Lan nổi bật với bề dày truyền thống cách mạng, từng dốc sức đóng góp cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Đến nay, đã có bốn, năm thế hệ Việt kiều định cư ở Thái Lan, tập trung tại các tỉnh như Udon Thani, Khon Kaen, Ubon Ratchathani, Mukdahan, Nong Khai..., cùng nhau tiếp nối và phát huy tinh thần yêu nước, sẵn sàng huy động các nguồn lực để ủng hộ, hỗ trợ quê hương.

Dòng chảy văn hóa Việt được khơi thông và lan tỏa trong cộng đồng kiều bào tại Thái Lan một phần lớn là nhờ những lớp học tiếng Việt được duy trì trong suốt gần một thế kỷ qua. Ôn lại ký ức về những ngày tháng đầy khó khăn khi người Việt mới tản cư sang, ông Nguyễn Ngọc Thìn, Chủ tịch Hội người Việt Nam toàn Thái Lan bùi ngùi kể về những lớp học trong góc bếp, xó nhà của phong trào “gia đình học hiệu” - mỗi gia đình là một lớp học. Không quản ngại gian khó, các thầy cô tình nguyện tìm đến từng xóm làng, nơi có người Việt sinh sống, để truyền dạy ngôn ngữ, văn hóa của ông cha. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, đến khoảng năm 1974, hàng trăm giáo viên tiếng Việt trên khắp Thái Lan, cùng sự giúp sức của cộng đồng, đã xây dựng nên hệ thống giáo dục bằng tiếng Việt từ mẫu giáo đến lớp 8, lớp 9 cho học sinh, giúp cho thế hệ trẻ kiều bào thời kỳ đó đều nói và viết được tiếng Việt.

Nhân lên niềm tự hào về cội nguồn dân tộc ảnh 2

Biểu diễn văn nghệ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam ở Thái Lan.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hường ở tỉnh Udon Thani, một trong những thủ phủ của người Thái gốc Việt hiện nay, cho biết, sau một thời gian dài đóng cửa do dịch Covid-19, các lớp học tiếng Việt tại đây đã mở cửa trở lại. Các giáo viên đều đã ngoài 70-80 tuổi vẫn miệt mài dạy học, với tâm niệm son sắt “tiếng Việt còn, người Việt còn”, truyền từng con chữ đến các thế hệ học sinh. Cùng với việc dạy chữ, các thầy cô còn dạy thế hệ kiều bào trẻ hát quốc ca Việt Nam, hát các bài về Bác Hồ, kể cho các em nghe về quê hương Việt Nam tươi đẹp.

Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, cộng đồng kiều bào tại Thái Lan đã dựng xây nên truyền thống đoàn kết quý báu, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của Thái Lan cũng như cho công cuộc giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ quê hương Việt Nam. Tổ quốc vẫn luôn quan tâm các thầy cô đã đóng góp công sức cho nền giáo dục của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đảng và Nhà nước tổ chức nhiều chuyến về thăm quê hương, các đợt tập huấn cho giáo viên kiều bào, tiếp thêm động lực để “những người lái đò thầm lặng” tiếp tục sứ mệnh gieo mầm tình yêu Tổ quốc ở nơi xa.

Nữ doanh nhân người Việt hết lòng vì cộng đồng

Sang làm việc tại Vương quốc Campuchia gần 10 năm qua, chị Trần Thị Thanh Nhung từng bước thu được thành công. Bên cạnh hoạt động kinh doanh, mang hương vị Việt Nam đến đất nước Chùa Tháp, người phụ nữ gốc Hà Nội còn có nhiều đóng góp thiết thực cho cộng đồng.

Là giám đốc marketing của công ty chuyên về thiết kế, chị Nhung cùng đồng nghiệp nhận trang trí nội thất cho nhiều công trình. Khi tuyển dụng, chị dành ưu tiên cho những lao động gốc Việt có hoàn cảnh khó khăn, hầu hết sống trên các nhà bè dọc theo sông Sap và sông Mekong ở Phnom Penh và các tỉnh lân cận, như Kandal, Prey Veng và Kampong Cham.

Chị Trần Thị Thanh Nhung cũng là người có tấm lòng hướng về quê hương, đất nước. Thông qua Đại sứ quán, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và các hội từ thiện, chị Nhung nhiều lần trích thu nhập cá nhân và vận động doanh nghiệp quyên góp tiền chuyển về Việt Nam ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt và người nghèo ở các địa phương. Tại Campuchia, doanh nghiệp của chị thường đóng góp tiền mặt, gạo, thuốc chữa bệnh, xe lăn, cũng như tham gia hỗ trợ các hoạt động khám bệnh, phát thuốc và tặng quà cho người nghèo Campuchia và bà con gốc Việt.

Mấy năm trước, khi dịch Covid-19 bùng phát, chị Nhung cùng Ban lãnh đạo công ty quyết tâm duy trì việc làm và trả lương đầy đủ cho công nhân. Cũng trong những ngày không thể về thăm nhà đó, chị tính mở nhà hàng chuyên các món ăn của Hà Nội.

Nhân lên niềm tự hào về cội nguồn dân tộc ảnh 3

Chị Nhung cùng nhân viên chuyển gạo tặng người nghèo.

Đến nay, cộng đồng người Việt tại Phnom Penh và những người Campuchia từng học tập và làm việc ở Việt Nam thường tìm đến ngôi nhà ba tầng, trang trí đèn lồng rực rỡ, bàn ghế bằng tre trúc, tọa lạc ở phố 294, quận Chamkar Mon để thưởng thức các món phở, bún đậu mắm tôm, bún chả, nem rán, bánh cuốn và bia Hà Nội.

Thu nhập của nhân viên Ha Noi Corner khoảng 250 USD/người/tháng, cao hơn mức trung bình trên địa bàn. Chị Nguyễn Thị Nhàn, 33 tuổi, quê ở Hưng Yên, lấy chồng Campuchia cho biết, học việc tại đây, chị nhận thấy người bản xứ rất ưa thích các món ngon của Hà Nội. Còn anh Mon Houch, người Campuchia, sau thời gian học làm đậu phụ tại nhà hàng, đã có thể tự sản xuất để bán ra thị trường.

Ha Noi Corner vẫn đang nỗ lực lan tỏa hương vị ẩm thực Việt trên đất nước Chùa Tháp, đồng thời tạo việc làm cho hàng chục lao động khác. Từ thành công ban đầu, Ha Noi Corner đã khai trương thêm một chi nhánh ở Phnom Penh và dự kiến mở thêm hai địa điểm nữa ở ngoại ô trong năm 2024.

“Sứ giả tiếng Việt” tại đất nước Triệu Voi

Xuất phát từ tình yêu quê hương nguồn cội, chị Viengkeo Douangchaleun - Việt kiều Lào - luôn tâm niệm: Tiếng Việt phải là tiếng mẹ đẻ của các con của mình, cũng như của các thế hệ tiếp sau tại Lào. Bên cạnh ngôn ngữ, chị cũng góp phần gìn giữ và lan tỏa văn hóa Việt Nam tại đất nước Triệu Voi.

Chị Viengkeo Douangchaleun có tên tiếng Việt là Nguyễn Thị Thu Huyền, người gốc Hà Nội, đã định cư tại Lào hơn 10 năm nay. Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, chị Huyền luôn tự hào là một người Lào gốc Việt, với dòng máu cháu con Lạc Hồng. Chị yêu tất cả mọi điều thuộc về quê hương Việt Nam, từ rặng tre, cây lúa đến những câu ca dao và lời hát ru của mẹ.

Là người mẹ có con sinh ra, lớn lên và học tập tại Lào, chị luôn trăn trở, lo lắng các con không biết tiếng Việt, khi đã chứng kiến điều này ở một số gia đình Việt kiều tại Lào. Với mong muốn con em người Việt tại Lào vừa có thể nói tiếng Việt lưu loát, vừa biết đọc và viết tốt tiếng Việt, chị mạnh dạn xin phép chùa Phật Tích và Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí tại chùa, mỗi tuần ba buổi. Chị tự mua bàn ghế, sách bút và toàn bộ trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy. Ngoài con em kiều bào, lớp học còn dạy cả người Lào yêu thích và muốn học tiếng Việt.

Chị Huyền cũng triển khai mở tủ sách miễn phí tại chùa Phật Tích thủ đô Vientiane, kêu gọi đóng góp sách văn hóa, lịch sử và khoa học của Việt Nam. Nhờ những đóng góp tích cực cho công tác gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào, chị Huyền vinh dự là một trong năm kiều bào được trao danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023.

Nhân lên niềm tự hào về cội nguồn dân tộc ảnh 4

Chị Huyền tại lớp học tiếng Việt miễn phí.

Bên cạnh việc tích cực giảng dạy tiếng Việt miễn phí, trong vai trò là cán bộ chủ chốt của Hội người Việt Nam thủ đô Vientiane, chị Huyền còn tích cực tham gia tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng lan tỏa nét đẹp văn hóa, bản sắc dân tộc quê hương Việt Nam tại Lào, như chương trình gói bánh chưng đón Tết, hội thi nghệ thuật ẩm thực Việt Nam, hội chợ hàng hoá Tết, đêm hội Trăng rằm, cùng các chương trình văn hóa, văn nghệ, các hoạt động từ thiện của cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Vientiane.

Trong lá thư gửi cô bạn thân người Lào đang theo học cao học tại Việt Nam, chị Huyền chia sẻ niềm hạnh phúc khi mỗi ngày được giảng dạy tiếng Việt, kèm lời khẳng định sẽ dốc hết sức để lan tỏa tình yêu tiếng Việt tại đất nước Triệu Voi xinh đẹp.