Từ những điều tưởng như xưa cũ...

Cảm nhận chung của nhiều người trẻ thực hành sáng tác mỹ thuật lâu nay là thật khó khăn để xác quyết con đường đi của riêng mình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với internet, chỉ sau cú nhấp chuột, dường như họ nhìn đâu cũng thấy những thể nghiệm tạo hình của mình đã có bao người đi trước khai triển. Vậy nhưng đôi khi, đường ở ngay nơi nội tâm mình...
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Võ Thành Thân trong xưởng vẽ với bộ tranh lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Huế. (Ảnh: NVCC)
Họa sĩ Võ Thành Thân trong xưởng vẽ với bộ tranh lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống Huế. (Ảnh: NVCC)

1 Chọn chất liệu hiện đại để khắc họa những giá trị truyền thống, hơn ba năm qua, họa sĩ Võ Thành Thân (Thừa Thiên Huế) ấp ủ lời giải cho câu hỏi làm thế nào có thể truyền tải những giá trị văn hóa của quê hương trên bề mặt toan.

Anh dành thời gian nghiền ngẫm những câu chuyện, nhân vật lịch sử của kinh đô xưa, nghiên cứu bảng mầu hoa giấy truyền thống Thanh Tiên và thâu nhận những âm vọng quá khứ từ tranh dân gian Huế, từ đồ thờ phụng tổ tiên theo cách của người Huế.

Võ Thành Thân khá điêu luyện khi sử dụng chất liệu sơn dầu để thể hiện được vẻ mong manh, những nếp gấp của giấy-thời gian, để rồi qua đó, phác họa lên dáng hình lịch sử. Trên tranh của anh, những chân dung được cân nhắc kỹ lưỡng về vị trí, bố cục, điệu bộ, có diện mạo nhưng không hiện rõ cá tính mà thay vào đó, hiện hữu sự phủ mờ, huyền hoặc, đến độ người xem có cảm giác chạm tới được. Mới đây nhất, bộ hai bức tranh của anh, Thế nam-Thế nữ, đã được trao giải ba-Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, năm 2023.

Theo khuynh hướng biểu hiện nhưng Võ Thành Thân chọn lối vẽ chậm với sơn dầu, tả chất kỹ lưỡng, kiên trì dựng hình vững vàng, cấu trúc chặt chẽ từ những nếp gấp giấy. Trên tấm toan, dần hiện ra những cặp ý niệm đối lập trong trường nhìn, trong ấn tượng thị giác và cách kể chuyện: giấy-sơn dầu, xưa-nay, đương đại-truyền thống, thực-ảo, bền vững-mong manh… Vẫn với phong cách này, năm 2015, Võ Thành Thân giành Giải nhất-Giải thưởng Dogma về tranh chân dung. Anh sinh năm 1987, là họa sĩ hiếm hoi ở Huế sống khá ổn định từ việc bán tranh, trở thành họa sĩ toàn thời gian.

2 Lặng lẽ đi trong chất liệu sơn mài truyền thống bao năm qua là Vũ Đức Trung (sinh năm 1981, Hà Nội). Anh từng giành Giải nhất-cuộc thi Ánh mắt trẻ, năm 2005 do Tổng lãnh sự quán Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, được đi Pháp tu nghiệp một thời gian, đủ để thấy bản thân cần phải làm gì với hội họa sơn mài của nước mình.

Từ những điều tưởng như xưa cũ... ảnh 1

Một tác phẩm sơn mài của Vũ Đức Trung, bày tại Gate Gate Gallery, Hà Nội. Nguồn: GATE GATE GALLERY

Không tính toán với hình cụ thể, không say sưa với vàng son ảo diệu, Trung kiên trì trên lối đi hẹp trong mông lung. Chỉ có vóc, sơn và mầu, không định trước bất cứ điều gì, từng chút từng chút mài với sơn và mầu mở ra trước mắt anh những lớp không gian êm ả, tĩnh tại, nơi tâm trí của chính anh đang hiện hữu. Cách làm việc với sơn mài của Vũ Đức Trung gợi nhắc câu nói nổi tiếng của danh họa Nguyễn Gia Trí: “Bắt đầu vẽ sơn mài là đã vẽ trừu tượng rồi. Vì nó không thực như ngoài đời. Họa sĩ sơn mài nhìn vào tâm bên trong, chứ không nhìn vào cái vỏ bên ngoài của sự vật”.

Lối đi riêng bền bỉ của Vũ Đức Trung cuốn hút một chủ gallery người Mỹ bao năm qua; anh là một trong hai họa sĩ sơn mài mà bà dứt khoát phải gặp mỗi khi trở lại Hà Nội, tìm kiếm dư vị mới của hội họa đương đại Việt Nam để giới thiệu tại Hội chợ mỹ thuật châu Á ở thủ đô London (Vương quốc Anh) hằng năm. Tranh của anh được các không gian nghệ thuật đương đại trong nước quan tâm như The Factory trước kia, Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom. Gần đây nhất, tranh của anh được giới thiệu tại Gate Gate Gallery-không gian nghệ thuật đương đại mới mở ở thủ đô Hà Nội, do một đội ngũ những người Việt trẻ đầu tư tổ chức.

3 Đào Tân (sinh năm 1991, tỉnh Hải Dương) là một “lính mới” của điêu khắc đương đại Việt Nam. Bài tốt nghiệp của Tân năm 2017 cũng là tác phẩm đạt giải cao nhất tại Festival Mỹ thuật trẻ (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức) diễn ra cùng năm.

Sau kỳ cuộc đó, Tân lặng lẽ hơn với những thể nghiệm sáng tạo của mình cùng đá. Mỗi khi đi làm công ở một làng nghề đá mỹ nghệ truyền thống thuộc tỉnh Ninh Bình, Tân lại cặm cụi nhặt những mẩu đá thừa đủ kích cỡ có thể mang về xưởng ở Hà Nội; cả những chân cột nhà cổ bằng đá bị bỏ đi vì không còn hợp nhà mới, kiến trúc hiện đại. Phần vì anh tiếc, phần vì những mẩu đá ấy cứ gợi lại trong anh ý nghĩ miên man về bao thứ xưa cũ, tưởng như trường tồn mà rất có thể biến mất trong tích tắc, chỉ còn như ảo ảnh.

Từ những điều tưởng như xưa cũ... ảnh 2

Một tác phẩm của Đào Tân trong series 20 năm, 30 năm, 50 năm/phút

Những lần một mình lang thang qua bao cung điện, lăng tẩm ở Huế, những ngôi chùa, mái đình quanh khu vực xứ Đông xưa (nay thuộc các tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng, một phần Quảng Ninh và Hưng Yên) mà cái còn, cái dần bị hạ giải bởi mối mọt, bởi thời gian, bởi cả suy tính này khác của con người... càng khiến anh thấm thía về sự còn-không còn, vĩnh viễn-khoảnh khắc, trường tồn-tan biến của cái gọi là giá trị. Dịp thăm một ngôi chùa cổ vài năm trước, nhìn đống gỗ bị mọt được dỡ từ mái chùa cũ nằm gọn một góc hồi lâu, những liên tưởng mù mờ chợt như sáng tỏ hẳn. Anh biết mình phải làm gì với từng mẩu đá thừa đẹp đẽ ấy.

Những nét thẳng, nét lượn hằn xuống đá, sâu, nông khác nhau. Những mũi khoan khoét vào đá từ nhiều hướng, dần tạo thành lớp lớp lưới đan trong lòng phiến đá. Tân đang biến đá thành ra như một chất liệu mềm xốp, nhẹ bẫng. Đá bị xâm chiếm bởi thời gian, chậm rãi theo từng mũi khoan ăn vào thân. Đá bị không gian xâm chiếm, mất dần khối đặc, mở ra những không gian tưởng tượng mới từ bên trong lòng khối. Và đá còn như bị xâm chiếm bởi nhân gian nữa... Đá vô tri mà gợi suy tưởng, nên đòi hỏi người thưởng lãm điêu khắc của anh cũng phải chậm rãi hơn, điềm tĩnh hơn.

Một thay đổi ngoạn mục trong cách nghĩ về sự vật của Tân đã truyền cảm hứng cho chính anh với loạt sáng tác mới cùng đá. Anh đặt tên cho serie này là 20 năm, 30 năm, 50 năm/phút. Và Tân chưa dừng lại, dù đã hoàn thành được hơn 10 đơn vị tác phẩm. Một phần serie này của anh đã được chọn giới thiệu tại một số sự kiện nghệ thuật đương đại đáng chú ý ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022 và 2023 vừa qua.

Từ những điều tưởng như xưa cũ... ảnh 3

Một tác phẩm của Đào Tân trong series 20 năm, 30 năm, 50 năm/ phút