Mang thời trang Việt ra thế giới, cần gì?

Những tín hiệu vui liên tiếp từ ngành thời trang Việt trong giai đoạn 2017-2023 liệu đã đủ thắp lên hy vọng đưa ngành này sớm hòa nhịp dòng chảy toàn cầu?
0:00 / 0:00
0:00
Ca sĩ Adele trong trang phục của thiết kế Cong Tri trên sân khấu biểu diễn.
Ca sĩ Adele trong trang phục của thiết kế Cong Tri trên sân khấu biểu diễn.

Tiếp cận các ngôi sao, tỏa sáng bằng tài năng tại các sàn diễn quốc tế hay kiên trì giới thiệu sản phẩm đến các đại lý bán lẻ thời trang... là những lựa chọn khác nhau của các nhà thiết kế Việt để đưa thời trang ra thế giới.

Từ “tay trong quyền lực” đến “sức mạnh của mạng xã hội”

Tiếp cận các ngôi sao là hình thức gây tiếng vang và là cách quảng bá hiệu quả, thông minh nhất. Còn nhớ, mùa hè 2017 đã trở thành dấu ấn khó quên của thời trang Việt khi thương hiệu Công Trí được hai ngôi sao hạng A của Hollywood trình diễn trong hai sự kiện tầm cỡ. Nếu Rihanna chọn Em Hoa được giới thiệu qua Tokyo Fashion Week để chụp ảnh quảng bá cho một thương hiệu giày, thì Katy Perry đặt riêng nhà thiết kế Công Trí ba bộ trang phục cho chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới Witness, qua mối liên kết với chuyên gia trang điểm Hùng Văn Ngô. Tiếp nối thành công bước đầu này, trang phục Công Trí liên tục được hàng loạt ngôi sao danh tiếng khác chọn mặc ở những năm sau đó.

Làm việc với các ngôi sao ca nhạc hàng đầu để quảng bá thương hiệu là cách Công Trí chọn từ lúc khởi nghiệp. Anh thẳng thắn: “Ca sĩ giúp quảng bá tên tuổi nhà thiết kế đến khán giả một cách nhanh nhất. Ngày xưa tôi đã là vậy. Tôi không ngần ngại gì khi nói bây giờ tôi tìm cơ hội với các ngôi sao tầm vóc quốc tế”.

“Nên nhớ đó là ngôi sao hạng A của thế giới và chúng ta đang sống trong thời đại văn hóa của các ngôi sao (celebrity culture). Họ có sức ảnh hưởng khủng khiếp đối với giới trẻ toàn cầu. Tiếp cận được họ chứng tỏ bạn phải có “tay trong” rất “quyền lực” - ông Danh Quý, Giám đốc điều hành Công ty Đào tạo và Quản lý người mẫu Nomad MGMT chia sẻ.

Chính vì nhận thấy sức lan tỏa của hình thức này, sau Công Trí xuất hiện không ít thương hiệu thời trang Việt được một số ngôi sao chọn mặc như Lê Thanh Hòa, Phạm Đặng Anh Thư, Chung Thanh Phong... Trong một số chia sẻ với truyền thông, các nhà thiết kế này thừa nhận, chính sự phát triển của mạng xã hội, đặc biệt là Instagram đã giúp họ kết nối, “bán hàng” dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tần suất được các ngôi sao lựa chọn chỉ rải rác, không quá nổi bật trên truyền thông.

Để một thương hiệu/nhà thiết kế Việt đủ sức vươn ra thế giới, ngoài mối quan hệ vững chắc làm nền tảng ở bước đầu, hay quảng bá qua mạng xã hội, để khách hàng quốc tế tiếp cận thường xuyên, theo một chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong ngành thời trang, còn cần đến ba yếu tố khác gồm: tài năng, sự thông hiểu về nghề nghiệp và thái độ của chính thương hiệu.

Mang thời trang Việt ra thế giới, cần gì? ảnh 1

Nhà thiết kế Công Trí trong quá trình thực hiện trang phục cho Adele.

Làn gió từ những tài năng mới

Với các nhà thiết kế trẻ, không có nhiều mối quan hệ trong giới giải trí hoặc không có nhiều cách tiếp cận đến các ngôi sao thì ba yếu tố còn lại cực kỳ cần thiết. Làng thời trang Việt trong vài năm trở lại đây đã xuất hiện những cái tên như vậy. Từ Nguyễn Hoàng Tú đến Phan Đăng Hoàng, đến DATT, Figi Studios... dù vẫn là những cái tên còn khá khiêm tốn so với thị trường thời trang quốc tế nhưng từng bước, các thương hiệu này đã trở thành những trường hợp thành công điển hình của thời trang Việt, ghi dấu bằng tài năng và sự kiên trì. Điểm chung của họ là đều được đào tạo bài bản (có người du học) nên có sự thông hiểu nhất định về nghề và ít nhiều có điều kiện về mặt tài chính.

Trưởng thành từ bộ sưu tập đầu tiên - The New Asia, đại diện Việt Nam tham gia chung kết Audi Star Creation tại Singapore, Nguyễn Hoàng Tú từng bước ghi dấu ấn thương hiệu mang tên anh tại thị trường quốc tế. Năm 2019, sau thời gian tiếp cận thị trường châu Âu, thương hiệu Nguyen Hoang Tu chính thức phân phối số lượng lớn (wholesale) tại Paris (Pháp) mỗi mùa Fashion Week. Trước đó, các thiết kế của Nguyễn Hoàng Tú xuất hiện trên nhiều tạp chí thời trang uy tín ở châu Âu như Pháp, Đan Mạch... Hiện tại, trang phục Nguyen Hoang Tu đã có mặt tại nhiều thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông thông qua các cửa hàng trực tiếp (tham khảo: https://www.nguyenhoangtu.com/stockists) và các đại lý bán lẻ thời trang, trong đó thị trường Bắc Mỹ chiếm 30%.

DATT và Figi Studios là hai cái tên tiêu biểu cho thành công từ việc quảng bá thương hiệu qua Instagram và được các tín đồ thời trang trên thế giới yêu thích. Là thương hiệu địa phương (local brand) ít tiền, thay vì chạy theo các sàn diễn, truyền thông, cả hai tập trung vào phần cốt lõi nhất: sáng tạo mẫu mã theo mùa đều đặn và bán hàng. Nếu các thiết kế của Figi Studios (hiện sở hữu gần 41 nghìn lượt theo dõi) gợi nên những cảm xúc mạnh mẽ từ ngôn ngữ tạo hình thoạt nhìn như ảo ảnh thì DATT (hiện sở hữu khoảng 89 nghìn lượt theo dõi toàn cầu) hướng đến sự tối giản với cảm hứng từ các tác phẩm nghệ thuật châu Âu thời cổ đại, phá vỡ những định kiến về thời trang. Sự thành công của hai thương hiệu lớn đến mức lọt vào top 17 thương hiệu thời trang “không thể bỏ lỡ” toàn cầu hiện nay, theo đề xuất của Vogue Anh quốc.

Trong khi đó, Phan Đăng Hoàng - một cái tên trẻ tài năng nổi bật trong giai đoạn 2022-2023 đã cho thấy sức sáng tạo và tinh thần làm việc không mệt mỏi khi trở thành nhà thiết kế Việt Nam đầu tiên trình diễn tại Tuần lễ thời trang Milan - một trong bốn tuần lễ thời trang danh giá thế giới. Hoàng ngay lập tức trở thành “con cưng” của giới thời trang vì nhiều lý do. Những thiết kế của anh không chỉ sáng tạo và độc đáo mà còn sử dụng chất liệu bền vững. Bên cạnh đó, anh còn tôn vinh di sản văn hóa và nghề thủ công phong phú của dân tộc bằng cách sử dụng vải vóc, mây tre đan được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. Với bệ đỡ hiện có, Hoàng hứa hẹn sẽ trở thành cái tên sáng giá mới của thời trang Việt.

Để có thể cạnh tranh và đứng vững trong thị trường có quá nhiều thương hiệu quốc tế “mạnh về gạo, bạo về tiền”, nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Tú cho rằng, việc tập trung chất xám, hàm lượng sáng tạo và bản sắc riêng biệt cực kỳ quan trọng. Nếu không, hoặc sẽ rất khó cạnh tranh về giá, hoặc sẽ bị mất hút trong vô vàn thương hiệu. Do đó, để có thể đi xa, nhà thiết kế Việt không chỉ cần điểm tựa từ văn hóa bản địa mà còn không ngừng trau dồi, cập nhật kiến thức mới, vì suy cho cùng, thời trang là sản phẩm đương đại và mang đến sự thoải mái, tự tin cho người mặc.

“Người làm thiết kế giống như đang kể một câu chuyện. Câu chuyện đó vừa có tính độc đáo của yếu tố bản địa, của tính cách cá nhân, vừa có tính phổ quát của ngôn ngữ thời trang thế giới. Có như vậy, thiết kế mới được đón nhận và đi đường dài” - Phan Đăng Hoàng cho biết.

Vĩ thanh

Ở góc nhìn của ngành, không khó để nhận thấy, ngành thời trang Việt hiện vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đủ sức vươn lên để trở thành ngành công nghiệp - yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng nhiều hơn nữa các tài năng thiết kế địa phương. Để hoàn thiện và có thêm nhiều tên tuổi tài năng, tiếp cận các sàn diễn quốc tế uy tín trong tương lai một cách đúng nghĩa, thị trường thời trang cần kiến tạo một hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, từ đội ngũ quản lý, xây dựng chiến lược và phát triển thương hiệu. Sự thành công của Công Trí hay Nguyễn Hoàng Tú, suốt nhiều năm qua, ngoài các yếu tố bề nổi thì còn có sự đóng góp công sức rất nhiều của đội ngũ giấu mặt phía sau. Nguyễn Hoàng Tú cũng từng chia sẻ, một mình anh trong vai trò thiết kế là không thể đáp ứng các yêu cầu khác khi thương hiệu phát triển ngày càng lớn. Đó là lý do, nhà thiết kế này chọn xây dựng thương hiệu cùng một công ty sau thời gian phát triển, để tập trung hoàn toàn vào sáng tạo.

Bên cạnh đó, ngành thời trang Việt cũng cần một sân chơi chuyên nghiệp, bài bản, đúng chuẩn quốc tế để “tiếp thị” các tài năng thiết kế trong nước ra thế giới như cách Angelica Cheung - Tổng Biên tập Vogue Trung Hoa từng thực hiện. Đề cập khía cạnh này vô tình khơi lên một dấu lặng buồn khi thời trang Việt có không ít sân chơi thiết kế nhưng vẫn chưa đủ tầm. Nhưng đó là một câu chuyện dài, cần tiếp tục được bàn thảo...